Thương binh vượt khó, giúp dân

Ở Tổ dân phố 12 thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái, ai cũng biết đến bác Nguyễn Công Sáu, một thương binh vượt khó, một đảng viên 58 năm tuổi đảng, hằng ngày vẫn hăng say lao động. Bằng việc làm cụ thể, ông Sáu luôn đi đầu trong mọi việc xã hội, làm nhiều việc thiện, được nhân dân khu phố tin yêu, kính trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Thương binh Nguyễn Công Sáu chăm sóc vườn hoa của gia đình.
Thương binh Nguyễn Công Sáu chăm sóc vườn hoa của gia đình.

Sau mấy ngày mưa kéo dài, con đường bê-tông liên xóm bị sạt lở, nguy cơ đứt gãy nếu không kịp đóng cọc xử lý trượt sạt ta-luy âm. Sau cuộc họp nhanh giữa các thành viên trong tổ dân phố, ông Sáu đã nhiệt tình ủng hộ một bụi tre của gia đình với hơn 240 cây, các hộ dân trong tổ dân phố cùng nhau góp sức sửa chữa đường, không trông chờ vào hỗ trợ từ trên, đây là việc làm thường xuyên của bác Sáu trong xử lý việc thường ngày ở khu dân cư.

Sở hữu ngôi nhà xây rộng 200 m2 nằm lọt trong đồi cây keo, bồ đề rợp bóng mát, ao cá rộng 1,6 ha, dưới các giàn cây ăn quả là những đàn gà tự do kiếm ăn, đây là thành quả lao động miệt mài của gia đình ông trong nhiều năm qua. Bên chén trà nóng, ông Sáu bộc bạch: “Tôi sinh năm 1944, năm 19 tuổi tham gia quân đội, chiến đấu tại chiến trường Khu 5.

Tháng 10/1966, trong trận tiến công vào thành phố Quy Nhơn, tôi bị trúng đạn vào ổ bụng dưới, mất máu nhiều, chưa kịp rút ra ngoài thì bị địch bắt. Tháng 4/1967 bị địch đày ra trại giam Phú Quốc, trong tù dù bị nhiều cực hình tra tấn, nhưng với ý chí của một đảng viên tôi vẫn kiên trung với lý tưởng cộng sản, kiên quyết không khai báo. Sau Hiệp định Pa-ri được ký kết, ngày 15/3/1973 tôi cùng các tù nhân cộng sản bị tù đày khác được trao trả tự do”.

Khi hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình (Yên Bái) được hình thành vào năm 1971, nghề thủy sản phát triển với trại cá Ðông Lý chuyên nuôi giống, đánh bắt, quản lý thủy sản trên hồ. Từ năm 1974 đến 1988, ông Sáu đã gắn bó ở đây làm công nhân, sau đó giữ cương vị Phó Giám đốc xí nghiệp Thủy sản Thác Bà cho đến lúc về hưu. Ðược dân tín nhiệm, 17 năm liên tục (1988-2015) ông được bầu làm Tổ trưởng kiêm Bí thư chi bộ.

Ông Sáu đã đi đầu vận động người dân làm tốt việc quản lý địa bàn về an ninh trật tự, phối hợp tham gia tạo vành đai an toàn. Với vai trò là Bí thư chi bộ, ông Sáu luôn là hạt nhân đoàn kết, tôn trọng ý kiến của quần chúng, tập hợp sức mạnh của đội ngũ đảng viên trong xây dựng đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa cộng đồng, giúp đỡ người nghèo làm ăn, vươn lên sớm ổn định cuộc sống.

Những lúc thời tiết thay đổi, vết thương cũ tái phát, nhưng với quyết tâm còn sức còn cống hiến, ông động viên vợ con cùng đánh gốc, bốc trà, mở rộng diện tích cây lâm nghiệp lên 4,8 ha, chuyên trồng keo, bồ đề, bạch đàn, sau mỗi chu kỳ khai thác thu về cả tỷ đồng. Dưới ao sâu rộng 1,6 ha, ông áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn thả thương phẩm cá trắm, chép, trôi, vược, hằng năm đánh bắt hơn 2 tấn cá thịt.

Tới thăm gia đình thương binh Nguyễn Công Sáu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi “vườn-ao-chuồng” của thương binh hạng 4/4 đã ngoài 80 tuổi, 58 năm tuổi đảng, luôn hòa đồng vui tươi bên con cháu và các cụ hưu trí trong tổ dân phố. Sau 36 năm về hưu, với quyết tâm “Thương binh tàn nhưng không phế”, dám nghĩ dám làm, biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các con của ông đều thành đạt, hằng tuần thường đưa các cháu về sum vầy, cùng thưởng ngoạn vườn hoa, cây trái, giải trí câu cá, giúp thêm năng lượng cho tuần làm việc mới.

Chủ tịch UBND thị trấn Hoàng Hợp cho biết: Thương binh Nguyễn Công Sáu luôn đi đầu và có nhiều đóng góp hữu ích, giúp bà con làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt, nhất là trong công việc của tổ dân phố. Ông luôn tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, xây dựng tổ dân phố không có ma túy, sống chan hòa được mọi người quý trọng.