Hơn 200 đại biểu đến từ các đơn vị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức và lãnh đạo ngành nông nghiệp của 26 tỉnh, thành phố trong cả nước, là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Minh Lịnh cho rằng, áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, từ trí tuệ nhân tạo đến các hoạt động tự động hóa, thông tin kiểm soát quá trình sản xuất, chế biến từ đầu đến cuối. Thông qua áp dụng chuyển đổi số, giá trị sản phẩm được tăng lên.
Quang cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đã và đang đặt ra nhu cầu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị để bảo đảm an ninh lương thực và cung ứng đủ nguồn thực phẩm cho cư dân đô thị.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị luôn đối mặt với nhiều hạn chế, như: thiếu đất canh tác, ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải sinh hoạt, giao thông… Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ số mới, như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đô thị sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho các khu vực đô thị Việt Nam.
Đại biểu trình bày ý kiến tham luận tại hội thảo. |
Với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã trình bày tổng quan, cách tiếp cận và triển khai công tác truyền thông về chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong hoạt động khuyến nông.
Đại diện ngành nông nghiệp Lâm Đồng giới thiệu những mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, |
Nhiều ý kiến tham luận chuyên sâu về các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) hiệu quả; ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để tự động hóa các hệ thống tưới tiêu, giám sát và điều khiển yếu tố môi trường; ứng dụng blockchain để xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm…, đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.