Tạo động lực cho người nghèo thoát nghèo ở Bình Phước

Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Phước có mức tăng trưởng khá, trong đó ngành công nghiệp, dịch vụ  phát triển ổn định, bền vững. Đây là một trong những tiền đề để Bình Phước thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Chăn nuôi bò sinh sản là một trong những mô hình giúp các hộ dân thoát nghèo hiệu quả.
Chăn nuôi bò sinh sản là một trong những mô hình giúp các hộ dân thoát nghèo hiệu quả.

Từ sự quan tâm của toàn xã hội…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung triển khai công việc theo 5 giải pháp chủ yếu, đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo.

Đặc biệt, Bình Phước chú trọng vào các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Bình Phước chú trọng vào các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền

Đồng thời Bình Phước cũng huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.

Ngoài kinh phí từ Ngân sách Trung ương phân bổ, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và huy động đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình; tiếp tục áp dụng nguyên tắc trong quản lý, trình tự xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của chương trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Tại huyện Phú Riềng gần 23 ngàn hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 2.608 hộ, chiếm 12,6% dân số toàn huyện. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình mục tiêu giảm nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong huyện luôn quan tâm lồng ghép công tác giảm nghèo với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng cho biết, trên cơ sở nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, đặc biệt là chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh, huyện Phú Riềng triển khai các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, tạo điều kiện để hộ nghèo, khó khăn tiếp cận vốn vay ưu đãi...

Đặc biệt, Huyện ủy Phú Riềng đã ban hành Chương trình hành động số 27 về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng và cải tạo, sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023-2028. Nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

Tạo động lực cho người nghèo thoát nghèo ở Bình Phước ảnh 1

Gia đình ông Điểu Mát ở thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng vui mừng đón nhận căn nhà mới.

Đã ngoài 80 tuổi, hoàn cảnh gia đình ông Điểu Mát ở thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng rất khó khăn, sống trong ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, không có khả năng về tài chính để sửa chữa, cải tạo, xây mới. Niềm vui đã đến với gia đình ông khi tháng 11/2023 được trao tặng căn nhà mới có diện tích sử dụng 54m2, trị giá 102 triệu đồng.

Ông Điểu Mát cho biết: Gia đình tôi được trao tặng căn nhà mới, có nơi che mưa, nắng lúc tuổi già. Tôi rất vui và cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ.

… Đến nỗ lực vươn lên của người nghèo

Gia đình bà Thị Nơ ở thôn 6, xã Long Tân được thụ hưởng từ chương trình giảm nghèo của huyện. Bà được hỗ trợ bò giống, khoan giếng và vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Có vốn, bà mua thêm bò về nuôi, sửa nhà và đầu tư chăm sóc vườn cao-su của gia đình. Đến nay, bò phát triển khỏe mạnh, đẻ bê, thu nhập ổn định giúp gia đình bà vươn lên thoát nghèo.

Bà Thị Nơ cho biết: Tôi được cán bộ thôn, xã tuyên truyền, vận động phải chăm chỉ lao động, sản xuất thì mới thoát nghèo. Vì vậy, khi được hỗ trợ 2 con bò, tôi chăm sóc kỹ. Bò đẻ bê con, bán được mấy lứa rồi. Khi được vay vốn, tôi đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu chăm sóc vườn cây và sửa lại nhà. Đến nay, thu nhập gia đình ổn định. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm.

Cùng ở thôn 6, gia đình chị Thị La cũng thuộc diện hộ nghèo, nuôi 2 con nhỏ. Vợ chồng chị đi làm thuê nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Khi được ban thôn tuyên truyền, vận động, thông báo xã mở lớp dạy nghề cạo mủ cao-su miễn phí, chị Thị La đã đăng ký tham gia.

Được đào tạo nghề, đến nay chị có việc làm ổn định với thu nhập khá từ cạo mủ cao su thuê cho người dân địa phương. Chị Thị La chia sẻ: Thu nhập của tôi hiện hơn 8 triệu đồng/tháng, sáng đi cạo mủ cao-su thuê, chiều ở nhà chăm con, lo cho gia đình. Chồng tôi cũng đi làm thuê, có thu nhập nên cuộc sống ổn định hơn và đã thoát nghèo.

Thôn 6, xã Long Tân có 82% dân số là đồng bào dân tộc S’tiêng. Năm 2015, toàn xã có 210 hộ nghèo thì thôn 6 có tới 130 hộ nghèo. Từ thực tế địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã phát huy tốt vai trò của ban thôn, già làng, những người có uy tín trong cộng đồng, các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương và địa phương góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.

Bà Hoàng Thị Điều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Tân cho biết: Tôi được Đảng ủy xã phân công về làm Bí thư Chi bộ thôn 6. Trăn trở trước khó khăn của bà con, tôi cùng các thành viên ban thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh từng hộ nghèo để có phương pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, chúng tôi vận động, tuyên truyền để đồng bào hiểu, chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế, tham gia các lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức. Đến nay, đời sống người dân đã thực sự thay đổi tích cực, toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo

Những năm qua, huyện Phú Riềng luôn quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2015 đến nay, hỗ trợ 796 con giống (trâu, bò, dê, lợn), 383 nông cụ sản xuất; hỗ trợ nhà ở cho 458 hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tivi và đầu thu vệ tinh truyền hình mặt đất cho 126 hộ… Đến nay, toàn huyện chỉ còn 43 hộ nghèo (chiếm 0,17% tổng số hộ dân), giảm 1.079 hộ nghèo so với đầu năm 2016.

Ông Nguyễn Trọng Lân, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện triển khai công tác giảm nghèo. Trong đó, tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức để người dân ý thức vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, kế hoạch giảm nghèo, các chỉ đạo để chính sách giảm nghèo được thực hiện thực chất, đúng đối tượng và mang lại hiệu quả”.

Nhờ vận dụng sáng tạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách vào thực tế, tỉnh Bình Phước đã huy động được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực xã hội góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.