Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp thông minh

Tỉnh Hà Nam hiện có 264 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động. Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh hiện có khoảng 60% số hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số vào một trong các hoạt động quản lý, sản xuất và quảng bá sản phẩm. Trong đó, chủ yếu là giới thiệu sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là sàn thương mại điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm rau an toàn tại hội nghị Xúc tiến đầu tư của Liên minh Hợp tác xã.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm rau an toàn tại hội nghị Xúc tiến đầu tư của Liên minh Hợp tác xã.

Xác định việc đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường, chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ chế hỗ trợ hướng trực tiếp vào đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia liên kết chuỗi nông sản, hỗ trợ các hợp tác xã tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng logo, nhãn hiệu và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sạch và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Với diện tích 9.000 ha đất canh tác, những năm qua huyện Bình Lục luôn quan tâm xây dựng những mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả, huyện đã đề xuất tỉnh cơ chế đặc thù và có cơ chế riêng hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới. Đến nay, huyện có tám mô hình nhà kính công nghệ cao, 13 mô hình nhà màng với tổng diện tích gần 50.000 m2. Những mô hình này đều phát huy tốt hiệu quả sản xuất, và thay đổi tư duy, cách làm của người nông dân trên đồng ruộng.

Là một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang cho năng suất, chất lượng cao, mô hình trồng nho mẫu đơn, nho hạ đen trong nhà màng của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du, huyện Bình Lục có diện tích 2 ha đang phát huy tốt hiệu quả. Cây nho được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt năng suất cao và cho giá trị cao. Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du chia sẻ: Sau mấy năm, cây nho của hợp tác xã được trồng trong nhà màng đã thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của khu vực miền bắc, nên giá trị chúng tôi thu được cao hơn nhiều lần những loại cây trồng khác. Nhưng để ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có sự đầu tư về kỹ thuật, chế độ chăm sóc đến việc quảng bá và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh chóng thuận tiện.

Thực tế cho thấy, hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bình Lục đều cao hơn sản xuất truyền thống từ 1,5-3 lần. Với những mô hình sản xuất trong nhà kính công nghệ cao đạt từ 60-80 triệu đồng/mô hình 500 m2/năm. Áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi phù hợp với thực tế phát triển của công nghệ mới hiện nay. Việc tích cực áp dụng khoa học, công nghệ, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, giúp cho các hợp tác xã giảm chi phí nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho xã viên.

Để đáp ứng yêu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm các mặt hàng nông nghiệp ngày càng cao, việc hình thành các hợp tác xã ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn ở quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất rau, củ, quả, thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn thường gặp đối với các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là thiếu nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn, quỹ đất, lao động có trình độ chuyên môn. Nhiều hợp tác xã mới chỉ đầu tư từng phần, chưa có điều kiện đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến, thị trường đầu ra sản phẩm... Năng lực quản trị và điều hành của một số cán bộ hợp tác xã còn hạn chế do phần lớn các giám đốc hợp tác xã có tuổi cao, không chuyên môn sâu, chủ yếu là kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao, thiếu nhanh nhạy khi nắm bắt công nghệ mới và hoạch định sản xuất, kinh doanh. Giá bán sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP thường cao hơn giá nông sản thông thường từ 1,5 đến 2 lần, nhưng đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chi phí sản xuất cao nên việc mở rộng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam cho biết: Cùng với các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản xuất, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Hà Nam xây dựng sàn giao dịch điện tử của tỉnh với tất cả các hợp tác xã trên địa bàn nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các hợp tác xã có sản phẩm hàng hóa nông sản cần tiêu thụ phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các hợp tác xã; tổ chức cho các Hợp tác xã, đơn vị thành viên có sản phẩm hàng hóa tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tại các hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức.