Yên Bái bảo tồn nghệ thuật vẽ sáp ong của người H’Mông

NDO - Nghệ thuật vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải của người H’Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái) vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nét văn hóa độc đáo này ngày càng được nhân rộng để gìn giữ, bảo tồn và thu hút khách du lịch đến với vùng cao Yên Bái. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ H’Mông ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thực hành vẽ sáp ong.
Phụ nữ H’Mông ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thực hành vẽ sáp ong.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Trong đó, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục của phụ nữ người H’Mông.

Dụng cụ quan trọng là bút vẽ được thiết kế bởi 2 lá đồng, một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, có một ô trống nhỏ ở giữa hai lá đồng để tạo thành nơi chứa sáp ong. Ngòi bút là một lá đồng hình tam giác, được nẹp vào thanh tre.

Bút vẽ có 3 loại, một loại để vẽ phác họa, vẽ đường thẳng dùng ngòi to, còn loại để vẽ hoa văn dùng ngòi nhỏ, càng mỏng manh vẽ hoa văn càng đẹp và dễ dàng hơn. Những nét vẽ là họa tiết, hoa văn hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi bản địa...

Chiếc bút được thiết kế với các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy kép, răng cưa, đường cong, đường lượn sóng. Bên trong là các hình ngôi sao, hoa bí, hoa tỏi, hoa mận, hoa đào, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá...

Yên Bái bảo tồn nghệ thuật vẽ sáp ong của người H’Mông ảnh 1

Một họa tiết vẽ sáp ong trên vải.

Khi vẽ lên nền vải, người vẽ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, kết hợp điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên nền vải, đảm bảo đẹp và thể hiện được sự khéo léo của người phụ nữ H’Mông.

Theo truyền thống văn hóa của phụ nữ đồng bào H’Mông, khi còn là thiếu niên đều học vẽ hoa văn trên vải, khi đến đến tuổi trưởng thành đều có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này. Trước tiên là phục vụ nhu cầu trang phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi hàng hóa.

Hiện tại, phụ nữ người H’Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu đang duy trì và thực hành thường xuyên nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải trong đời sống hàng ngày và được đưa vào truyền dạy trong các trường học để gìn giữ, bảo tồn và thu hút khách du lịch đến với vùng cao Yên Bái.