Nghệ nhân nghề rèn Cứ A Khua ở bản Dê Dàng, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa chia sẻ: Để làm ra một phẩm người thợ rèn phải thực hiện nhiều công đoạn từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước sau lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm thì mài cho sắc rồi hoàn thiện công đoạn sau cùng.
Để rèn một con dao thì người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Theo Nghệ nhân Cứ A Khua, dao có hai bộ phận là chuôi và lưỡi. Rèn lưỡi hay làm chuôi trước thì tuỳ theo thói quen của mỗi người, nhưng thường thì thợ rèn hay làm lưỡi dao trước tới khi ưng ý với phần lưỡi dao thì mới trau chuốt đến phần chuôi. Bởi người H’Mông coi trọng chất lượng lưỡi dao hơn là hình thức, bởi hình thức có thể sửa được nhưng độ sắc của lưỡi dao thì chỉ rèn một lần. Nếu lưỡi không sắc, không chắc thì coi như cái dao không đạt yêu cầu.
Nghề rèn đòi hỏi sức khoẻ, sự kiên trì cho nên khá kén người làm chứ không phải ai cũng làm được. Ngoài sức khoẻ, người thợ còn phải có cảm nhận tinh tế từ tai và mắt. Đôi tay của người thợ rèn vừa phải rắn chắc, chai sạn nhưng cũng phải đủ nhạy cảm để đánh giá chất lượng từng sản phẩm rèn.
Nghệ nhân Cứ A Khua truyền dạy nghề rèn cho người dân huyện Tủa Chùa. |
Cũng là người dân tộc H’Mông say mê nghề rèn, ông Mùa A Mang, ở thôn Tả Phìn, xã Tả Phìn hiện là một trong số ít người trong thôn còn giữ nghề rèn truyền thống. Ông Mùa A Mang cho biết: Ban đầu tôi chỉ rèn các dụng cụ như: dao, lưỡi cày để sử dụng trong gia đình. Sau mỗi lần làm ra một sản phẩm, tôi hiểu thêm đặc tính của sắt nung, hiểu thêm tiếng kêu của sắt trong từng độ nóng và cứ thế tôi mê những tiếng kêu trên sắt, trên dao… Tới khi sản phẩm làm ra lại có nhiều người khen, người mua thì tôi lại càng yêu thêm nghề rèn được cha ông truyền lại.
Với "thâm niên" hơn 40 năm làm nghề rèn, ông Mang đã thuộc lòng từng công đoạn rèn của từng sản phẩm. Ông Mang chia sẻ: “Sự tỉ mỉ, khéo léo đều có thể được rèn luyện qua quá trình làm nghề, song yêu cầu đầu tiên và xuyên suốt của nghề rèn là người thợ rèn phải có sức khỏe tốt. Người thợ cả và thợ phụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng để khi búa giáng xuống thanh thép luôn đều nhịp; sức mạnh yếu thì uyển chuyển theo từng công đoạn của từng sản phẩm có như thế mỗi sản phẩm làm ra mới là một "tác phẩm" được người dùng trân trọng, sử dụng lâu bền".
Trong kinh tế thị trường hiện nay, nghề rèn của đồng bào H’Mông gặp không ít khó khăn. Nhưng tình yêu với nghề rèn truyền thống của những người như ông Khua, ông Mang và rất nhiều người đàn ông dân tộc H’Mông ở nhiều bản vùng cao trong các huyện: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo vẫn cố gắng giữ nghề, cũng là giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trao bằng Công nhận Di sản văn hoá phi vật thể nghề rèn cho các huyện có cộng đồng dân tộc Mông. |
Mới đây, nghề rèn của người H’Mông tỉnh Điện Biên đã được trao giấy chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vinh dự và là động lực để mỗi người con của dân tộc H’Mông tỉnh Điện Biên thêm yêu quý, trân trọng nghề truyền thống được các thế hệ cha ông lưu giữ.
Tại buổi Lễ công bố và trao Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia nghề rèn của người H’Mông tỉnh Điện Biên do huyện Tủa Chùa vừa tổ chức, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã chúc mừng các chủ thể có di sản được công nhận; đồng thời khẳng định đóng góp âm thầm, bền bỉ của các thế hệ nghệ nhân, cộng đồng dân tộc Mông đã nâng niu, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của nghề rèn.
Với mong muốn, nghề rèn tiếp tục được gìn giữ, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng dân tộc H’Mông nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung, ông Lò Văn Tiến đề nghị cấp uỷ, chính quyền các huyện có cộng đồng dân tộc H’Mông tiếp tục quan tâm tuyên truyền về giá trị nghề rèn đến các thế hệ trẻ; tạo điều kiện thuận lợi giúp các nghệ nhân, thợ rèn được trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng trong tỉnh và trong nước.