Trình diễn dệt vải lanh và vẽ sáp ong của người H’Mông

NDO - Ngày 19/5, tại Hà Nội, Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội Craft Link tổ chức hội thảo trình diễn nghệ thuật dệt vải lanh và vẽ sáp ong truyền thống của nhóm dân tộc thiểu số H’Mông đến từ xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân người H’Mông vẽ sáp ong trên vải lanh.(Ảnh: Hà Nam)
Nghệ nhân người H’Mông vẽ sáp ong trên vải lanh.(Ảnh: Hà Nam)

Chế Cu Nha-một trong 13 xã của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái-là nơi sinh sống của cộng đồng người H’Mông Hoa.

Hầu hết người dân ở đây mặc trang phục truyền thống được may bằng vải lanh với những hoa văn trang trí bằng phương pháp vẽ sáp ong.

Trình diễn dệt vải lanh và vẽ sáp ong của người H’Mông ảnh 1

Nghệ nhân người H’Mông vẽ sáp ong trên vải lanh. (Ảnh: Hà Nam)

Tuy vậy theo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, họ đã bắt đầu chuyển sang dùng vải cotton dệt công nghiệp màu đen có độ bóng cao, song kiểu dáng và hình thức trang trí vẫn giữ được phong cách truyền thống.

Để vẽ hoa văn bằng sáp ong, người H’Mông thường dùng vải cotton hoặc vải lanh đã giặt sạch sẽ và được làm phẳng, thường thì được trải trên một tấm ván và vuốt phẳng bằng nanh lợn rừng.

Bút vẽ là một dụng cụ đặc biệt có cán bằng tre và đầu bằng hai tấm đồng nhỏ có cạnh tròn và trơn, úp vào nhau để chứa sáp ong nóng bên trong. Sáp ong là loại sáp được khai thác trong rừng.

Trình diễn dệt vải lanh và vẽ sáp ong của người H’Mông ảnh 2

Dụng cụ và nguyên liệu để dệt vải lanh. (Ảnh: Hà Nam)

Nghệ thuật vẽ sáp ong của người H’Mông là một kỹ thuật trang trí trên vải khá phổ biến của rất nhiều dân tộc.

Về cơ bản, nó là kỹ thuật sử dụng sáp ong nóng chảy vẽ trên mặt vải, che phủ những vị trí muốn giữ lại màu gốc của vải.

Tấm vải sẽ được nhuộm với những màu nhuộm nguội và sau cùng được luộc trong nước sôi. Sáp ong tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra những phần hoa văn được che phủ. Sáp ong chỉ có thể dùng để vẽ khi ở trạng thái nóng chảy.

Vì vậy, khi vẽ sáp ong, người vẽ phải ngồi cạnh một bếp than khói nghi ngút.

Để hoàn thiện sản phẩm, nghệ nhân đun nước sôi và nhúng miếng vải đã nhuộm với cao chàm vào luộc. Sáp ong sẽ tan chảy dưới sức nóng và bị tách ra khỏi tấm vải.

Lúc này các hoa văn trước đây bị sáp ong bao phủ sẽ lộ ra và có màu trắng ban đầu của vải, nổi bật trên nền vải chàm.

Miếng vải sẽ được giặt sạch và phơi khô, sau đó được sử dụng để may vào các sản phẩm phù hợp.

Chương trình mở cửa miễn phí cho người dân tham quan. Tới đây, du khách có thể chiêm ngưỡng và tham gia vào quá trình dệt vải và vẽ sáp ong, đồng thời giao lưu văn hóa và trò chuyện những nghệ nhân người H’Mông.