Những ngôi nhà trong mơ
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương Hồ Xuân Hải dẫn chúng tôi thăm những ngôi nhà được xây dựng từ nguồn vốn vay của NHCSXH cho hộ nghèo, hộ chính sách ở xã Lam Sơn, huyện Đô Lương. Ngôi nhà ngói rộng chừng 35 m2 của gia đình bà Trần Thị Biện (63 tuổi) được xây theo Quyết định 33/CP. Bà nhớ lại thời gian khó, do phải thuốc thang cho người chồng đau lâu ốm dài, kinh tế gia đình khánh kiệt. Khi chồng mất, hai mẹ con bà Biện ở lều tạm. Con còn nhỏ, bà làm thuê cuốc mướn chỉ mong đủ ăn.
Mãi đến năm 2018, được xã “bán chịu” cho một miếng đất, nằm cạnh nương ngô, được NHCSXH huyện cho vay 25 triệu đồng “làm vốn mồi”, Hội Phụ nữ hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quỹ “Mái ấm tình thương”, bà Biện vay mượn thêm họ hàng, chòm xóm để làm nhà. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cùng làng trên, xóm dưới đến động viên, góp công của giúp gia đình… Ngày vào nhà mới, hai mẹ con cứ ngỡ là mơ. Đêm Giao thừa, thắp nén hương cho chồng, bà Biện bật khóc.
Bà Biện còn được NHCSXH cho vay vốn nuôi cặp bò sinh sản. Giờ đây, đã thành thói quen, cứ mỗi khi ai thuê làm công là bà nghĩ ngay đến việc dành ra 30 - 50 nghìn đồng/ngày để tiết kiệm, trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn. Con trai bà đã tìm được việc làm, thỉnh thoảng gửi tiền về giúp mẹ trả nợ dần. Bà đã có cuộc sống ổn định.
Chị Đặng Thị Thủy (40 tuổi), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lam Sơn công tác ở địa phương gần 20 năm và cũng ngần ấy năm, vợ chồng chị sống chung với nhiều thế hệ trong gia đình nhà chồng. Nhà chật chội, hai con đã lớn nhưng chị không dám nghĩ đến làm nhà vì lương công chức ít ỏi, chồng làm thợ nề “tay vo miệng lúm”. Được chị Phạm Thị Lý, cán bộ tín dụng NHCSXH Đô Lương hướng dẫn, chị Thủy mạnh dạn làm đơn vay 200 triệu đồng làm nhà ở xã hội (theo Quyết định 100/CP). Lại được gia đình hai bên giúp đỡ, vay mượn thêm, vợ chồng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá gần 500 triệu đồng. Chị Thủy tâm sự: Hôm vào nhà mới, cả đêm hai vợ chồng không ngủ được cứ lần từng bức tường, ngắm từng căn phòng mà ngỡ như mơ”.
Gia đình bà Biện, chị Lý là hai trong số 12 gia đình nghèo, chính sách ở xã Lam Sơn được vay vốn xây nhà mới. NHCSXH huyện còn cho 372 hộ nghèo, cận nghèo vay hơn 16,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, trồng rừng, xuất khẩu lao động, vay việc làm, sinh viên đi học… Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương Hồ Xuân Hải cho biết: Đến ngày 3-11, toàn huyện đã có 1.420 hộ được vay 13,48 tỷ đồng để xây nhà ở, ổn định cuộc sống. Về cho vay nhà ở xã hội (theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ), dành cho các đối tượng người có công với cách mạng, cán bộ công chức, viên chức và người có thu nhập thấp..., Đô Lương cũng đã có 13 ngôi nhà được xây mới với số vay vốn tại NHCSXH huyện là 3,86 tỷ đồng.
Cùng với Đô Lương, đến ngày 30-11, ở toàn huyện Quỳ Hợp đã có gần 2.800 hộ nghèo được vay vốn từ NHCSXH gần 23,4 tỷ đồng làm nhà ở; huyện Diễn Châu có 2.355 hộ nghèo được vay vốn để làm nhà ở, ổn định cuộc sống…
Đồng lòng chia sẻ
Giám đốc NHCSXH chi nhánh Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết: Cho vay vốn làm nhà ở theo các Nghị định 167/CP, 33/CP và 100/CP là những chương trình tín dụng rất phù hợp lòng dân. Hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 37.519 hộ (chủ yếu hộ nghèo) được NHCSXH Nghệ An cho vay gần 550 tỷ đồng tiền vốn để “kích cầu” làm nhà ở. Đáng mừng, đó cũng là “vốn mồi” để người dân huy động thêm tiền tiết kiệm, từ anh em, người thân, dòng họ… để làm nhà.
Các địa phương đã lồng ghép được các chương trình “xóa nhà tạm”, “mái ấm tình thương” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, của Hội Phụ nữ… để hỗ trợ người dân góp thêm đồng vốn xây nhà mới. Chỉ riêng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An từ cuối năm 2019 đến nay đã huy động được hơn 104 tỷ đồng để tham gia xây dựng gần 2.000 ngôi nhà trên toàn tỉnh. Tết Tân Sửu này, sẽ có hàng nghìn hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, công chức, viên chức, người có thu nhập thấp có một cái Tết ấm cúng trong những ngôi nhà mới.
Đến xóm 1, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, gặp cụ Cao Thị Miên (100 tuổi) và người em Cao Thị Giao hơn 80 tuổi ở trong ngôi nhà mới xây trên nền cao ráo, cụ Miên móm mém chia sẻ: “Rứa là đời tui không còn lo sợ ngập lụt mỗi khi mưa bão ập về”. Cán bộ địa phương cho biết, bấy lâu nhà cụ ở vùng thấp trũng, cứ mưa là ngập, cuộc sống vất vả, nên địa phương luôn phải để ý đến cụ. Nhiều hôm trời mưa là phải cử người đến giúp đưa đồ đạc lên cao hay đưa cụ đi sơ tán.
Đáng mừng là gặp bất cứ người dân nào được vay vốn từ NHCSXH để làm nhà mới, đều thấy họ có ý thức trả nợ vốn vay, dù phần lớn là hộ nghèo. Đến nay, hầu như không có dư nợ quá hạn từ chương trình cho vay này.
NHCSXH Nghệ An còn cho người nghèo vay vốn phát triển kinh tế (trồng rừng, chăn nuôi…), xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm… nhờ đó, họ có điều kiện vươn lên, dần thoát nghèo bền vững và có tiền trả nợ cho ngân hàng; trong đó có tiền vay làm nhà ở. Anh Lương Văn Viện (33 tuổi), người dân tộc Thái ở xóm Châu Quế, xã Châu Đình, huyện miền núi Quỳ Hợp khoe: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, được NHCSXH huyện cho vay vốn ưu đãi mua trâu bò. Từ hai con ban đầu, đã gây dựng được đàn 12 con. Nay, gia đình tôi đã thoát nghèo. Mới đây, tôi đã bán nửa đàn trâu, bò cùng với tiền vay ưu đãi từ ngân hàng cùng tiền vay người thân, xây được ngôi nhà mới khang trang với chi phí gần 600 triệu đồng. Nếu không có những đồng tiền vay ưu đãi, lãi suất thấp từ NHCSXH Quỳ Hợp thì gia đình tôi sẽ không được như ngày hôm nay.