Ký ức nơi không có đường về bản
Vẫn không quên những năm 90 thế kỷ trước, lần đầu lên bản H’Mông Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, một trong những vùng cao biên giới heo hút nhất ở cực tây huyện Tương Dương (Nghệ An). Khi chưa xây dựng thủy điện Bản Vẽ, lên các xã vùng trên Nhôn Mai, Mai Sơn... chỉ có hai cách đi bộ hay chèo chống thuyền ngược sông Nậm Nơn.
Dừng chân tại Trạm biên phòng Khe Hỷ thuộc Đồn Biên phòng Nhôn Mai bây giờ rồi men theo khe ngược lên vượt qua nhiều dốc núi cheo leo gần nửa ngày mới đến Huồi Cọ. Lần ngược lên đón Tết H’Mông mệt bã người đó mọi người đều thầm nhủ “một đi không trở lại”, vì dốc núi dựng đứng, mịt mù sương khói như lên trời. Bản hồi đó chỉ vài chục hộ lưa thưa nằm chênh vênh bên vách núi, con đường chỉ đủ cho ngựa và người đặt đủ bàn chân. Già bản Và Chia Chư kể: Ngày trước người H’Mông Huồi Cọ đến lập bản dựng mường trên đỉnh “Phà Đánh” (trời đỏ) này ít thấy ông mặt trời. Cuộc sống mịt mù trong sương… Lũ trẻ không đủ quần áo ấm, không có trường, có lớp. Khi bàn tay nhấc nổi con dao, cái rìu, chúng lên rừng phát, đốt rẫy tra hạt.
Nghèo khổ cứ đeo bám, đến một ngày già Chư dắt theo con trai là Và Bá Tủa, nay là Trưởng trạm Y tế Nhôn Mai, người H’Mông đầu tiên ở Tương Dương học thành bác sĩ. Vượt dãy Phà Đánh xuống thị trấn trung tâm huyện mất bốn ngày, dạo quanh thị trấn, già Chư thấy người dân dưới thấp họ giàu có hơn người H’Mông ở trên cao, có cơm ăn no, mặc áo đẹp. Nghe họ nói, được như vậy là nhờ được học cái chữ. “Nếu cái chữ đổi được cái nghèo khổ cho người H’Mông trên núi cao này thì phải tìm nó về thôi!”. Vậy là già quyết vượt núi dắt tay con trai. Sau hơn 16 năm lặn lội đi tìm con chữ, Và Bá Tủa đã trở thành bác sĩ. Anh lấy con chữ, lấy kiến thức để “đuổi con ma” trong người bệnh giỏi hơn thầy mo, thầy cúng. Dòng họ Và và cả bản Huồi Cọ ai cũng tự hào. Lũ trẻ người H’Mông bắt đầu mong mình được như anh Tủa. Người lớn ở Huồi Cọ nghĩ: Học thì lâu, mất công một tí nhưng phải học, phải cho con đến trường mới thay đổi được cuộc sống.
Già Và Chia Chư thống kê, Trưởng bản Huồi Cọ, anh Và Khua Đớ, 10 năm trước theo gương Tủa vượt qua mọi mặc cảm để cùng hai con xuống trọ học tại Trường tiểu học và THCS Nhôn Mai. Năm ngoái, hai em nữ là Và Y Dí và Và Y May học lớp 9 đã vượt qua hàng chục nghìn học sinh cùng khối toàn tỉnh để được về thành phố Vinh tranh tài môn Địa lý cùng hàng trăm học sinh giỏi tỉnh Nghệ An.
Từ câu chuyện khổ học để trở thành bác sĩ của Và Bá Tủa, bản Huồi Cọ từ bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết để chăm lo cho con em ăn học. Ban đầu còn khó khăn, nhưng dần dần người dân cũng hiểu ra và từ đó phong trào khuyến học ở Huồi Cọ nở như hoa rừng mùa xuân. Những câu chuyện về đàn gà khuyến học, đàn bò khuyến học, vườn đào khuyến học… cũng từ đó mà ra. Thời đó, cứ nhà nào có con đi học “chuyên nghiệp” là cả bản góp tiền nuôi cho đến khi tốt nghiệp ra trường... Ngày nay, bản Huồi Cọ, số trong độ tuổi đi học đều được đến trường, có hơn 15 em có trình độ đại học, chưa tính 22 em đang là sinh viên học. Trong số đã tốt nghiệp trở về, có người là bác sĩ, giáo viên, công an, bộ đội biên phòng… Số còn lại ở nhà thì hăng hái tăng gia sản xuất để làm giàu trên quê hương mình.
Xuân ấm về nơi vùng bản “ngang trời”
Giáp Tết, chúng tôi theo QL 16 trở lại Huồi Cọ bằng ô-tô con năm chỗ. Xuyên sâu trong hun hút đại ngàn, luồn trong mây trên những đỉnh chon von, tuyến đường sạt lở một số điểm do đợt mưa bão vừa qua đang được duy tu bảo dưỡng thông suốt. Đứng trên cầu Khe Bén thuộc xã Mai Sơn mới thấy hết sự kỳ vĩ của tuyến đường uốn lượn qua nhiều đèo dốc cao. Đường đến đâu cuộc sống sinh sôi đến đó, bà con người Thái, H’Mông, Khơ Mú đã rời khỏi những nơi “sơn cùng thủy tận”, hang hốc tăm tối xuống gần đường ô-tô để hưởng ánh sáng điện văn minh... Nơi đây không còn heo hút bóng người bởi hằng ngày xe máy, ô-tô vận chuyển hàng hóa, chở khách tấp nập qua lại.
Đi từ Mường Xén, trung tâm huyện Kỳ Sơn qua Phà Đánh, Huồi Tụ, chuội xuống xã Mỹ Lý theo QL 16 chưa kịp mát chân ga đã tới xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, bấm đồng hồ chỉ mất hai tiếng. Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai Và Bá Tịnh đón đưa chúng tôi lên Huồi Cọ bằng xe máy. Con đường lên mới được mở rộng dù dốc nhưng không mấy khó khăn. Dọc đường, anh Tịnh không quên tóm tắt: Có người nói trước đây trên những đỉnh núi cao ở vùng Huồi Cọ có rất nhiều “Nốc Cốc Khằm (tiếng Thái gọi là chim phượng hoàng, còn người H’Mông gọi là Nồng Trống). Trước đây, có con khe chạy qua gọi là khe Cốc, nay gọi thành khe Huồi Cọ nên đặt luôn tên bản là Huồi Cọ. Bản Huồi Cọ được hình thành cuối những năm 60 của thế kỷ trước, từ một vài hộ ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong di cư về sinh sống, nay đã thành một bản lớn với 53 hộ và 322 nhân khẩu. Trước đây, bà con chỉ phát rừng trồng ngô, tra lúa trên nương, nên cuộc sống bấp bênh. Năm 2003, Tịnh cùng hai bạn ở bản Huồi Cọ đi học lên cấp 2, cấp 3, nhanh mất ba ngày mới đến được trường ở huyện. Nay có tuyến QL 16, từ Huồi Cọ đi về huyện chỉ khoảng bốn giờ đồng hồ.
Năm 2017, huyện Tương Dương ban hành Đề án “Xây dựng bản Huồi Cọ thành bản nông thôn mới và trở thành bản điểm về phát triển kinh tế, xã hội vùng biên”. Bà con đã đẩy mạnh phong trào phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò, dê, thâm canh lúa nước, đặc biệt trồng được 66 ha cây chanh leo hàng hóa. Đến vụ, tư thương đưa ô-tô vào tận nơi thu mua, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm... Đến năm 2020 này, Huồi Cọ “trên mây” đã trở thành điểm sáng, là bản biên giới đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn bản nông thôn mới.
Những nụ đào trên sườn núi đã bắt đầu chúm chím, đàn trâu bò đang gặm cỏ và động cơ xe máy nổ giòn vang dội vào vách núi. Huồi Cọ và nhiều bản làng biên viễn bên đường “ngang trời” này đang thật sự chuyển mình.