Biết ơn trâu
Thầy cúng Điểu Pui tay cầm bó đuốc hơ lên cháy rừng rực, miệng lầm rầm lời khấn trâu, vừa di chuyển vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ quanh cột đâm trâu. Đêm về khuya, gia đình chủ nhà cử một vài người đứng cạnh con trâu hiến sinh tỏ lòng biết ơn con trâu đã đến và đi cùng người chủ gia đình.
Già làng ngồi hát Kưt, thanh niên tụ hội ca bài ây rây. Ai vui cứ vui, ai buồn vẫn buồn. Ai rồi cũng phải lên nhà Sang buôn trời. Ở nơi ấy cũng có đất có rẫy. Ở nơi ấy cũng có vườn có nương… Ơn trâu, nhà ta đâu có quên. Ta cùng bạn thiết thân, gắn bó bấy lâu nhưng nay vì ông chủ, bạn rời xa ta mà theo ông chủ về thế giới của Giàng. Những lời nỉ non của những người đàn bà trong nhà. Lời chấp lời. Tình nối tình.
Hỏi chuyện già Điểu Thau, ông thong thả: “Nó là bạn của nhà mình mà. Trâu cũng có linh hồn chớ. Trâu là con vật mà đồng bào mình chọn làm hiến sinh nhiều nhất, nó là vật nuôi trong nhà mà gần mình nhất, hiểu mình nhất, thay lời chủ nói lên ước nguyện với Giàng. Năm nay làng mình được mùa, nhiều lễ hội, nhiều con trâu được gửi lên cho Giàng. Làng mình vui. Nhà mình cũng đã chuẩn bị nhiều ghè rượu cần, nhiều thịt, nhiều gạo để tiễn đưa trâu cùng ông của thằng Y Thoan chia tay nhà mình về thế giới của Giàng”.
Người M’Nông quan niệm con người có thể xác và linh hồn và hồn trâu nằm trong thể xác và là hồn chính của người. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cuộc hiến sinh nào mà cười nói nhiều như ở đồng bào M’Nông Preh ở xã Đak Bu So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Không kể đó là lễ vui hay buồn. Ai ăn cứ ăn, những ống cơm lam với thịt gà, thịt heo nướng được bày biện khắp nơi. Ai uống cứ uống, những ghè rượu cần hết vơi lại đầy. Ai khóc cứ khóc, những lời tạ ơn, kể than của người sống với trâu, với người đã khuất cứ vang lên thầm thì, rì rầm nối dài bất tận.
Những “con trâu” vui vẻ
Đám đông đang ồn ào huyên náo nói cười bỗng dưng ngưng bặt. Mọi con mắt đổ dồn về phía bến nước, nơi những “con trâu” vừa xuất hiện. Tôi nhướng mắt thử tìm Điểu Thoan con trai nhà Điểu Thau trong đám trẻ hóa trang thành những “con trâu” vui vẻ kia nhưng đành chịu. “Con trâu” nào cũng trét đầy bùn đất, lá cây cùng mặt nạ, làm trò trong sự reo hò của đám đông, âm thanh dồn dập của trống chiêng. Tiếng chiêng đưa lối dẫn đường cùng sự phấn khích của những người có mặt. Sau một vòng đi quanh con trâu hiến sinh cùng những vòng xoang và đội cồng chiêng, các “con trâu” tiếp tục đi quanh để đưa linh hồn người chết đi theo về cùng.
Những “con trâu” đột ngột biến mất như khi xuất hiện. Cũng là lúc lễ đã tàn. Để hóa thân thành “con trâu”, phải là những thanh, thiếu niên khỏe mạnh, chưa lập gia đình, được lũ làng yêu mến, biết đánh cồng chiêng, biết biểu diễn trò vui và phải “biến hóa” làm sao để lũ làng không ai nhận ra, nếu không muốn hồn ma bắt người mình theo, già Điểu Thau cho biết.
Thế nên dù đang làm công việc ở thành phố, ông chủ không cho nghỉ nhưng Điểu Nam nhất định phải về Đak Bu So tiễn đưa con trâu hôm nay hiến sinh, người bạn gắn bó cùng Điểu Nam suốt ấu thơ của mình. “Trước khi muốn quên ai mình phải nhớ đã chứ. Mình không về không được đâu”.
Buồn vui cũng đã khép lại. Người sống và trâu hiến sinh đã trọn vẹn nghĩa tình. Mọi người thanh thản sau những ngày sống hết mình cho nhau, với nhau. Mọi người chia tay nhau trong lời hẹn hò lễ hội năm sau lại về Đak Bu So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông Như lời già Điểu Thau lúc chia tay: “Người M’Nông biết ơn tất thảy, từ bụi cây, ngọn cỏ, con gà, con trâu… Bởi chúng sinh ra đã có linh hồn. Làm người không biết ơn, sao được gọi là người”.