Viết về trâu cho dân hát

Gắn bó gần như hình bóng với di sản hò khoan Lệ Thủy mấy năm qua, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Khoa Văn học - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội có lúc “bị” bằng hữu văn nghệ ở Nghệ An “nhắc nhở”: Quê ông ở Nghệ An mà chả thấy ông làm gì cho ví giặm, cứ thấy ông đi thẳng vô Quảng Bình! 

Minh họa: NGUYỄN NGHĨA CƯƠNG
Minh họa: NGUYỄN NGHĨA CƯƠNG

1. Nhắc vui thế thôi, nhưng là niềm vui thấy bạn “phát tác” cái tài sáng tác vào giữ và phát triển di sản; cũng là niềm mong cái tài ấy vun bồi thêm cho báu vật quê nhà. Quả là vậy khi tài thơ của thầy Vĩ những năm qua đã góp vào sự phục hưng của hò khoan Lệ Thủy lắm lắm! Điều ấy đã được đông đảo nghệ nhân, nhà quản lý văn hóa, nhiều câu lạc bộ hò khoan nơi này và cả tỉnh Quảng Bình, cùng báo chí ghi nhận rồi. Chỉ biết bây giờ, cứ “hơi một tý” là nhà nghiên cứu tài hoa nhận được điện thoại từ trong ấy gọi ra. Nào là nhờ tư vấn công việc, trao đổi bài ca ai đó mới viết, dàn dựng tiết mục phục vụ người xem vào một dịp lễ lạt nào đó, nhất là… xin bài! 

Hệ thống hàng nghìn bài ca của hò khoan Lệ Thủy, tập trung vào hiếu kính cha mẹ, tình cảm gia đình, nghề ngư, nghề nông, nghề rừng… của đồng bào. Để ứng dụng hiệu quả vào đời sống mới, rất cần những nội dung, ca từ mới. Nhưng lại phải là cái mới phù hợp chứ đừng trái ngược, bóng lộn quá! Mà người ta đã biết tài cùng nhiệt tình của thầy Vĩ rồi, thì thầy cứ bị “quấy quả” luôn. Thế là, hàng trăm bài ca lời mới trên giai điệu cổ “made in Hà Nội” do một “nghệ nhân” (người Nghệ An) là thầy Vĩ đã theo thời gian mà đang đi vào đời sống sinh hoạt di sản hò khoan Lệ Thủy của Quảng Bình. Có những nội dung giản dị, ứng dụng “luôn và ngay” như các bài thầy viết cho đám cưới để các câu lạc bộ ca mừng, góp phần cải thiện đời sống. Có những bài nghe đã gợi lên không khí thiêng liêng, cao cả, khiến khán giả xúc động, như viết về Phật hoàng Trần Nhân Tông, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về cảnh đẹp, địa danh quê hương Quảng Bình… 

2. Vừa gặp, thầy cho biết, mới hoàn thành bài hát văn “Bài ca mở cõi” dâng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng về công lao mở cõi ở Quảng Trị, gửi cho các anh chị em trong đó. 16 trổ của bài ca được thầy viết gọn gàng, sinh động, mỗi trổ bốn câu, khái quát công lao người xưa với những lời ca tươi sáng: “Ngược cửa Việt lên vùng Ái Tử/Chọn đất lành dựng cứ lập dinh/Triệu Phong nhân kiệt địa linh/Là thôn Cây Khế đất lành an cư… Đất Quảng Trị giữa lòng đất nước/Về Triệu Phong tiếp bước người xưa/Tâm nhang dâng trước điện thờ/Một lòng thành kính Chúa xưa xây nền”. 

Thú vị nữa là đáp ứng đề nghị của anh chị em làm công tác văn hóa cũng như hoạt động nghệ thuật quần chúng trong đó, thầy vừa xong một bài ca dài hưởng ứng năm Tân Sửu, chắc chắn sẽ được mọi người biểu diễn rộng rãi trong dịp xuân Tết. Bài này thầy dịch 10 bài thơ tứ tuyệt trên bộ tranh “Thập mục ngưu đồ” theo thể song thất lục bát. Thơ trên bộ tranh nổi tiếng của Thiền tông, gửi những ý cao siêu về quá trình tu tập, hành đạo, nay đưa vào lời ca cũng rất giản dị, thân thuộc với nhà nông, với đời sống xã hội hiện đại hôm nay vốn quá quen với hình ảnh con trâu. Câu chuyện người đi tìm trâu lạc trong núi rừng, dỗ dành, chăn thả rồi đưa về trong niềm thong dong nhẹ nhõm qua nội dung các bài thơ, được thầy Vĩ gợi ý tổ chức thành hoạt cảnh với mỗi bài ứng vào giai điệu cụ thể của ngâm thơ miền trung, hò lỉa trâu, hò hụi, hò mái nện…, có người khoác lốt trâu, hứa hẹn vừa quen vừa lạ, vừa cũ vừa mới và dễ “thấm”. Sẽ có cả diễn, cả hát, cả nhạc và tùy hứng sáng tạo của bà con theo những câu như: “Cưỡi trâu trở về dinh thong thả/Thổi sáo ngân lơi lả ráng chiều/Một ca một phách phiêu diêu/Tri âm ai đó lắng theo hơi dài” (bài Cưỡi trâu về nhà); “Cưỡi lưng trâu về nơi rẫy cũ/Quên luôn trâu, người rũ tay nhàn/Mơ mòng hồng nhật tâm can/Thừng buông vọt bỏ đâu gian chái ngoài” (bài Quên trâu còn người)…

Chính thầy Vĩ cũng đã viết cho Lệ Thủy một bài ca hò khoan lỉa trâu lời mới, tháng 10-2018 mang đi biểu diễn, được Huy chương vàng Hội diễn đàn, hát dân ca ba miền tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh. Năm Sửu này, đầu xuân bài ca đó sẽ lại vang lên nhiều. “Mình đi nghiên cứu bao năm, hỏi dân, nhờ dân, có khi dân còn nuôi mình, cho mình ăn, ngủ. Bây giờ thì phải nghĩ ra cái phù hợp cho dân để bà con sử dụng”, thầy Vĩ bộc bạch. Hiểu văn hóa, truyền thống vùng đất, hiểu đời sống người dân, hiểu khúc thức và nội dung bài ca, nghệ thuật sáng tác ca dao, dân ca của người xưa, thì sẽ cùng dân “nuôi” tiếp di sản một cách tự nhiên, tươi tắn, lúc nào nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cũng tâm niệm điều ấy, cái điều mà để đúc rút phải dành ra cả đời.