Vì dân phục vụ

Đoàn cứu nạn của Quân khu 4 rời Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 13 giờ ngày 12-10-2020, lên đường vào Thủy điện Rào Trăng 3 cứu nạn hơn 10 công nhân đang bị vùi lấp. Họ không cho phép mình chùn bước…

Lực lượng cứu nạn cứu hộ vượt bùn lầy lên Thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ vượt bùn lầy lên Thủy điện Rào Trăng 3.

Chúng tôi cũng như thân nhân của họ!

Không ngờ, hình ảnh những người lính mũ cối ướt nhèm, quần xắn cao với đôi dép rọ lội nước lũ, gió thổi tung áo bạt quân nhu lại là cuối cùng…

6 giờ ngày 13-10, bầu không khí lo lắng bao trùm Huyện ủy Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Thông tin về đoàn cứu nạn bị vùi lấp tại Trạm kiểm lâm tiểu khu 67  được đưa ra một cách nhỏ giọt. Khoảng 30 phút sau, sở chỉ huy tiền phương tại UBND xã Phong Xuân được kích hoạt. Những cán bộ, chiến sĩ thoát ra từ vụ sạt đất trở về mang theo những thông tin đầy đủ hơn về một tai nạn thảm khốc bất ngờ ập đến. 

Nhắc chuyện cũ, Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế không giấu đôi mắt đỏ: “Sau buổi chiều hành quân bộ khẩn trương, anh em đều thấm mệt và lạnh. Vừa nằm nghỉ được một lúc thì chúng tôi nghe thấy tiếng ầm ầm của đất đá lăn xuống. Chưa kịp định hướng thì một mảng tường đổ sập, đè tôi xuống. Anh em ở cùng phòng nhìn thấy, kéo tôi ra rồi tất cả cùng chạy. Thoát ra ngoài, nhìn về phía hai căn phòng bên cạnh thì không còn thấy gì. Lúc đó là 0 giờ ngày 13-10”. Đoàn đi 21 người, lúc trở ra chỉ còn tám, trong đó có ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Thượng tá Ngô Nam Cường.

Ngay hôm sau, Thượng tá Cường đề xuất được quay trở lại hiện trường thực hiện nhiệm vụ. “Mình đã thoát nạn nhưng không nguôi nghĩ đến đồng đội. Tôi chỉ mong sao có một phép màu để các anh quay trở về…”, Thượng tá Cường chia sẻ.

Chỉ sau một ngày, các lực lượng đã tìm thấy thi thể các liệt sĩ hy sinh tại Trạm 67. Công việc hối thúc họ tiếp tục tìm kiếm những công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Vì dân phục vụ -0
Buổi họp cuối cùng của đoàn cứu nạn Quân khu 4 trước khi vào Thủy điện Rào Trăng 3. 

Chạy đua với “giặc lũ”

Những ngày tìm kiếm ở Rào Trăng, Quân khu 4 huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia. Cùng với đó, còn có một lực lượng xung kích, sớm vào đến điểm nóng.  Tuyến đường 71 sạt lở nặng ở nhiều điểm, chưa được thông tuyến nên hướng tiếp cận vào Thủy điện Rào Trăng 3 duy nhất chỉ bằng đường thủy. Để đẩy nhanh việc tìm kiếm, cầu đường thủy được Công an tỉnh thiết lập từ bến đò ở lòng hồ thủy điện Hương Điền (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà) vượt qua lòng hồ thủy điện này đến đập Thủy điện Rào Trăng 4, sau đó đến Thủy điện Rào Trăng 3.

Trung tá Trần Văn Lâu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những người tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3 đầu tiên cho biết: Chúng tôi phải di chuyển bằng ca-nô cao-su. Đến ngã ba Tam Dần, dòng nước chảy rất xiết, lại thêm đập xả nước nên mênh mông là nước trắng xóa. Nhờ hai ngư dân địa phương dẫn đường nên chúng tôi xoáy ca-nô tấp vào bờ rồi tăng bo hơn một tiếng mới đến Rào Trăng 3. Bùn lầy dâng cao cả mét, anh em phải dùng dây tời kéo nhau lên từng người, từng người một… Cuối cùng, lực lượng CNCH đã tiếp cận khu vực nhà điều hành công trình Thủy điện Rào Trăng 3, nơi được xác định xảy ra sạt lở núi.

Từ ngày 13 đến 18-10, thời điểm thông tuyến đường bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng CNCH bằng đường thủy đã di chuyển khắp lòng hồ thủy điện Hương Điền để trinh thám địa hình, đưa công nhân bị thương nặng về Bệnh viện đa khoa Bình Điền cứu chữa và tìm kiếm tung tích, thi thể công nhân mất tích. 

Chạy đua ngăn “giặc lũ”, Đại úy Trần Trọng Bằng, Đội trưởng công tác PCCC&CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phải gác lại ngày cưới của mình. Đám hỏi của anh đã diễn ra vào ngày 18-11 năm trước. Dự kiến, hôn lễ sẽ diễn ra vào tháng 4-2020 nhưng vì dịch Covid-19 nên đành hoãn lại. Hai họ lại xếp lịch lễ cưới vào tháng 9 nhưng ai ngờ, dịch bệnh bất ngờ quay trở lại. Rồi đến tháng 10, khi cỗ bàn đã đặt xong thì bão lũ ập đến. “Chú rể” không kịp diện áo cưới, ngày ngày bận đồng phục CNCH và áo phao lao vào vùng sạt lở.

Cuộc chiến không tiếng súng

Những ngày cuối tháng 11-2020, hơn 200 con người, chủ yếu là bộ đội công binh của Quân khu 4 và lực lượng CNCH, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục đào xới, lật từng tảng bê-tông, khối đá tại khu vực lòng sông để tìm kiếm những công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích. Hơn một tháng ròng rã họ bám lại nơi triền núi vừa đổ sụp. Thượng tá Ngô Nam Cường cho biết: “Đây là giai đoạn khó khăn nhất bởi các lực lượng phải ngăn đập ở phía thượng lưu, nắn dòng chảy của sông Rào Trăng vào khu sạt lở theo về hướng tỉnh lộ 71. Lực lượng tìm kiếm đã đào, đắp nắn dòng chảy với khối lượng đất đá khoảng 25 nghìn m³”. 

Những đợt mưa lớn, lũ dâng cao trở lại, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm. Có những công đoạn, tất cả anh em đều lăn lộn làm thủ công, xắn quần, lội sông chuyền tay từng tảng đá to để bỏ vào rọ, tạo chắn ngăn đập. Có những lúc, anh em đặt được bao nhiêu đá, nước lại cuốn trôi bấy nhiêu. Nước lớn, phải dùng tời để kéo nhau lên khỏi lòng sông, tránh nguy hiểm. 

Hằng ngày, cứ 3 giờ sáng, bộ phận hậu cần đã nổi lửa để chuẩn bị đầy đủ các suất ăn phục vụ lực lượng tìm kiếm. Công việc bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng đến 17 giờ 30 phút chiều, làm xuyên cả buổi trưa. Buổi tối, ngay cả giấc ngủ của họ cũng chập chờn. Có thể họ nằm nhiều tư thế, nhưng ba-lô và mũ luôn sẵn sàng khi báo động lên đường. Giấc ngủ của người lính vùng bão lũ là vậy! Chỉ chợp mắt sau những giờ căng thẳng, bạt núi tìm kiếm người bị vùi lấp, ứng cứu người dân khỏi vùng nguy hiểm. 

Trong số ấy, nhiều người nhà cửa cũng bị lũ lụt ngập nhà, có mẹ già, vợ dại, con thơ… nhưng họ vẫn chưa về nhà. Các anh cứ thầm lặng trong những “cuộc chiến” không tiếng súng để hoàn thành nhiệm vụ “vì dân”.