Giấc mơ vượt núi

Chị Mẩy Vạc, tên thường gọi của Lý Tả Mẩy (người dân tộc Dao ở thôn Lủ Khấu, Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai) bắt đầu câu chuyện bằng điệu cười hồn nhiên: “Mình có đi được nhiều nước đâu, mới đi có Anh với Mỹ thôi”. Là chủ một xưởng thêu nhỏ, thời điểm này chị vẫn đang bận rộn hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu, mặc kệ đâu đó than thở vì khó khăn kinh tế mùa Covid-19. 

Lý Tả Mẩy vẫn đang bận rộn chuẩn bị những đơn hàng mới.
Lý Tả Mẩy vẫn đang bận rộn chuẩn bị những đơn hàng mới.

Chị Mẩy đi Tây

Chị Mẩy kể lần đầu đi Tây là sang Anh, đi cùng một cô bạn. Cả hai nhận lời mời mới lục tục đi làm hộ chiếu, rồi nộp hồ sơ xin visa. Lần đầu xuất ngoại chị Mẩy bảo chẳng có gì phải sợ, cứ bám theo mấy vị khách đằng trước rồi làm theo họ. Hành trang là những mảnh vải, áo thêu họ tự tay làm. “Lúc đó cũng không mang được nhiều lắm, chủ yếu mình đi dự hội chợ, xem người ta cách làm thôi”, chị kể. 

Lần đầu đến một hội chợ đông người, giữa những gương mặt xa lạ, khác hẳn với những vị khách du lịch chị vẫn gặp ở chợ Sa Pa, chị nói bằng tiếng Anh rõ ràng, thứ tiếng Anh tự học có thể không chuẩn ngữ pháp như ở các trường lớp vẫn dạy, nhưng mọi người ở đó đều hiểu: “Tôi ở một bản vùng núi rất xa. Tám tuổi tôi học thêu, 20 tuổi lấy chồng. Hôm nay được đứng đây tôi thấy mình rất may mắn. Tôi cũng muốn nhiều người phụ nữ may mắn được như tôi”. Chị bảo mình nói đơn giản thế mà nhiều người quan tâm. Cuối buổi, họ tìm đến chị, hỏi làm sao chị sang được đây. Họ hỏi hoàn cảnh của chị, có người còn rơm rớm nước mắt. 

Lần thứ hai xuất ngoại chị đi một mình. Máy bay quá cảnh ở Nga, gặp đúng lúc tuyết rơi dày, khởi hành chậm mất bốn giờ. Tôi hỏi chị có lo không, chị lắc đầu ngay: “Sợ gì chứ”. Năm đó chị tham dự triển lãm ở Bảo tàng Thời trang bền vững. Người ta trầm trồ với những mẫu thêu chị mang đến. Cái áo truyền thống của người Dao, hóa ra rất được yêu thích ở đây. Người ta mặc nó như một thứ áo khoác sành điệu. Lúc đó chị Mẩy đã có một trang Instagram riêng do đối tác ở Anh lập ra. Ở đó đồ chị gửi sang được trình bày như một thứ thời trang cao cấp, sinh động và thu hút. 

Giấc mơ vượt núi -0
Xưởng thêu của Lý Tả Mẩy có đội ngũ thợ giỏi tay nghề. 

Cứ cố rồi sẽ khá hơn

Chị Mẩy từng chẳng đi đâu ra khỏi bản làng. 20 tuổi lấy chồng, đó là cái tuổi không còn trẻ so mặt bằng chung lúc ấy. Chị bảo lúc ấy chịu nhiều ấm ức, thấm thía đủ nghi kỵ coi thường của cảnh làm dâu. Chồng đánh, rồi nhà chồng ghẻ lạnh, chị bảo cũng muốn khóc mà thấy khóc chẳng làm được gì. Cuộc sống quẩn quanh con đường từ nhà đến sạp hàng ở chợ. Lúc đó mỗi ngày ra chợ bán hàng là niềm vui duy nhất, là niềm hy vọng mà chị níu lấy, tự bảo cứ cố làm ăn, rồi sau này sẽ khá hơn.

Rồi chị tự học tiếng Anh, mỗi ngày một vài từ, để bán thêm được đồ cho du khách. Nhờ thế mà người ta thuê chị đi làm hướng dẫn viên du lịch. 

Cơ duyên đến vào năm 2008, chị làm quen với Hannah, cô gái Anh mê thổ cẩm Việt Nam. Hannah bảo muốn đặt hàng thêu của chị để mang sang châu Âu bán. Nhưng năm đó, cô gái Anh có việc phải trở về nước, tạm gác việc hợp tác. 

Mãi 5 năm sau, cô gái lại quay lại tìm chị Mẩy. Lúc này tiếng Anh chị Mẩy đã lưu loát hơn, quan trọng hơn là chị đã có trong tay cả một đội ngũ thợ ở ngay trong thôn bản. Đơn hàng đầu tiên Mẩy Vạc gửi sang cho Hannah là 70 chiếc áo thêu tay của người Dao. Vậy là từ đó chị Mẩy Vạc có các đơn hàng xuất khẩu đều đặn. Chị lo phần nhuộm vải, tìm thợ, tổ chức thêu. Hannah sẽ tiêu thụ sản phẩm ở châu Âu. Năm ngoái dịch Covid-19, có mấy tháng công việc của Mẩy phải tạm dừng vì đường vận chuyển gián đoạn. “Bình thường tháng 2, tháng 3 là mình nhuộm vải chuẩn bị đơn đặt hàng rồi đó, nhưng vì Covid-19 nên mình làm muộn hơn”, chị lý giải. Mặc dù thế, nhưng trong năm 2020, chị cũng đã kịp xuất đi hai đợt hàng lớn. Ngay cả thời kỳ giãn cách toàn xã hội, chị Mẩy vẫn có đơn hàng để hoàn thành. 

Nếu so sánh với nhiều công ty xuất khẩu lớn ở Sa Pa, những đơn hàng nho nhỏ của Mẩy Vạc chẳng thấm vào đâu. Nhưng vài trăm chiếc áo ấy đã thay đổi cuộc đời chị và còn thay đổi nhiều số phận nữa. Những người thợ chị tìm đến, có người cũng từng ở hoàn cảnh như chị, họ đều nói mình đã khác. 

Hỏi chị giờ có bị đánh không, chị bảo không, giờ mình biết rồi, ông ấy cũng hiểu nhiều rồi. Đó là niềm hạnh phúc giản đơn của người phụ nữ. Hỏi chị sao không nhận nhiều đơn hơn, chị nói bây giờ tìm thợ thêu giỏi không dễ: “Mỗi đơn hàng khoảng 200 cái áo, đơn nào ít cũng 100. Vì toàn thêu tay nên mình cần nhiều thợ, mỗi thợ may ít nhất cũng phải mất một ngày mới xong một cái áo. Đấy là chỉ thêu cơ bản, chưa tính thời gian dệt vải, nhuộm vải”. Người trẻ không thích học thêu, người thêu đẹp trẻ nhất cũng đều đã ở lứa tuổi trung niên như chị - cái thế hệ vắt mình từ giai đoạn Sa Pa đang bước chân vào phát triển du lịch. Nhưng chị nói rồi sẽ tìm ra giải pháp. 

Trong lúc chờ việc xuất khẩu ổn định lại, chị đã bắt đầu tìm kiếm đơn hàng từ trong nước. Hôm gặp lại chị ở ngay căn nhà cũng là xưởng thêu dưới chân đồi, chị bảo sắp đi Hà Nội một chuyến. Đây là lần thứ hai chị mang sản phẩm tới đó, mỗi lần đi, chị lại rút ra thêm một kinh nghiệm. Cũng như những lần đi nước ngoài, chị bảo mình bán hàng tại chỗ thì ít thôi, nhưng mình học được nhiều thứ lắm. 

Cuối năm, Mẩy Vạc gọi, nói là đã xong một lô hàng nữa. Chị cứ lặng lẽ như thế, lặng lẽ ở chân núi Hoàng Liên, nhưng cũng đã lặng lẽ mang những giấc mơ của mình đi rất xa. Tôi gọi đó là giấc mơ vượt núi.