“Tôi ở đây để thay đổi thế giới”
Đó là tuyên bố của Trí Nhân, robot AI đầu tiên của Việt Nam. Ngay từ khi ra mắt vào cuối tháng 11-2020, Trí Nhân đã gây ấn tượng mạnh với công chúng trong và ngoài nước. Không chỉ là robot AI đầu tiên của nước ta, Trí Nhân cũng là một trong số ít robot cùng loại trên thế giới. Đến nay, mới chỉ một số nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản sản xuất được robot AI hoàn chỉnh kiểu này.
Theo “cha đẻ” của Trí Nhân, nhà khoa học Phạm Thành Nam (sinh năm 1984), Trí Nhân là một “robot nam” có kích thước như người lớn, được in 3D bằng nhựa PLA, dựa trên dự án mã nguồn mở InMoov. Giống như con người, robot này cũng bao gồm năm giác quan: thị giác (hai camera trong mắt), thính giác (mảng micro tầm xa), khứu giác (cảm biến chất lượng không khí), xúc giác (các cảm biến áp suất, nhiệt độ và độ ẩm) và vị giác (đồng hồ đo điện với cơ chế “chống độc”).
Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Trí Nhân được ra đời với mục đích phục vụ giáo dục. Anh Phạm Thành Nam cho biết: “Theo cách học truyền thống, giáo viên sẽ mất rất nhiều thời gian để giảng đi giảng lại về các khái niệm, lý thuyết cho học sinh. Nếu được áp dụng vào lĩnh vực giáo dục, Trí Nhân sẽ đảm nhiệm vai trò trợ giảng, giúp các thầy, cô giáo không mất nhiều thời gian cho việc này. Không chỉ giúp đỡ giáo viên, bằng cách tương tác với học sinh, Trí Nhân sẽ thúc đẩy sự hứng khởi học tập ở các em”.
Ngay từ khi ra mắt, Trí Nhân đã nhận được những đánh giá tích cực từ công chúng trong và ngoài nước. TS Thoại Nam, Viện trưởng Khoa học và Công nghệ tiên tiến liên ngành, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc Việt Nam chế tạo một người máy AI đầu tiên như Trí Nhân sẽ truyền cảm hứng và tạo động lực rất lớn, đánh dấu một bước phát triển mới trong khoa học - công nghệ. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn tưởng là rất khó, nhưng đến nay người Việt Nam đã làm được. Rất cần khuyến khích các ý tưởng sáng tạo tương tự”.
Những dự án táo bạo
Theo anh Thành Nam, ý tưởng về robot AI đầu tiên của Việt Nam bắt nguồn từ xu thế áp dụng những công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi ngành nghề, lĩnh vực. Có kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin, anh Thành Nam cùng năm cộng sự khác chỉ mất khoảng một năm, từ tháng 8-2019, để biến ý tưởng về Trí Nhân thành sự thật và ra mắt công chúng.
Trong quá trình chế tạo robot này, dù tận dụng được mã nguồn mở trên thế giới song nhà khoa học trẻ cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, bởi robot là ngành còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Không chỉ vậy, việc chế tạo robot AI đòi hỏi kết hợp nhiều lĩnh vực, chi phí dành cho việc sản xuất một robot hoàn chỉnh cũng không hề nhỏ.
Những gian nan đã giúp tác giả bước đầu nhận được “quả ngọt” khi robot AI Trí Nhân, cùng vaccine Covid-19 Nanocovax, hay gạo ST25 được bình chọn là “Ba sản phẩm tự hào Việt Nam năm 2020”.
Thành công bước đầu của Trí Nhân đã thúc đẩy nhà khoa học Phạm Thành Nam theo đuổi những dự án kế tiếp về robot. Song song việc cải tiến Trí Nhân, anh đang bắt tay chế tạo “Hồng Tâm”, một “robot nữ” nhằm phục vụ lĩnh vực y tế. Robot này sẽ thay thế vai trò của điều dưỡng, giúp chẩn đoán hình ảnh, tư vấn kiến thức về sức khỏe hay kết nối bệnh nhân với bác sĩ, người nhà trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, một số dự án về robot mini dành cho trẻ em hay robot lễ tân phục vụ trong khách sạn, trung tâm thương mại; robot làm các thủ tục hành chính tại các cơ quan, ngân hàng… cũng đang trong quá trình lên ý tưởng.
Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, những dự án táo bạo về robot của nhà khoa học Phạm Thành Nam sẽ khiến các nước trên thế giới có cái nhìn mới về Việt Nam, giúp khẳng định vị thế nước ta trên trường quốc tế.