Kể từ ngày ấy sông đã trở thành một phần đời sống của tôi. Tôi thích tìm hái những bông cỏ gà dọc bãi sông. Những ngày đẹp trời, tôi hay ngồi xuống rệ cỏ sát mép sông, thả chân xuống cho sóng nước vỗ về. Sông mang chiếc thuyền lá tre của tôi đi xa, thay tôi khám phá những chân trời mới lạ và trở về thì thầm kể cho tôi nghe trong những giấc mơ.
Dòng sông của tôi còn gánh sứ mạng giải cứu cho thành phố mỗi khi bị ngập úng. Sông hào phóng cấp nước cho những cánh đồng vùng ngoại thành. Sông nuôi những bãi bờ xanh tươi màu mỡ. Sông chở ăm ắp những hò hẹn và ước ao…
Vậy tại sao dòng sông mang nước, chuyên chở và điều tiết nước ấy có thể bị nhấn chìm bởi nước?
Điều ấy đã xảy ra, đáng sợ hơn mọi sự hình dung, tưởng tượng. Trận mưa bão khủng khiếp năm ấy kéo dài cả tuần lễ đã khiến mảnh đất nơi tôi sống trở thành một túi chứa nước khổng lồ. Đường sá, vườn tược, nhà cửa bị nhấn chìm trong biển nước. Đất đai, cây cỏ bị mục rủn. Và dòng sông của tôi đã bị xóa sổ như thể chưa từng tồn tại.
Cả một tuần lễ, người dân quanh xóm tôi ở thon thót nhìn nước mưa trút xuống xối xả. Mọi lời nguyện cầu bị nước giận dữ cuốn phăng. Những ngày ấy, tôi ngồi co ro trong nhà, nhìn màn mưa như tấm lưới vây bủa quanh mình, buồn bã, ngột ngạt, thấy mọi sinh lực dường bị hút đến cạn kiệt. Ban đầu tôi còn lân la ngoài bậc cửa, rồi bậc cửa cũng bị nước xâm chiếm. Tôi đành trèo lên trên ghế, trèo lên trên giường và cuối cùng là leo lên nóc tủ. Cơn cuồng nộ của Thủy Tinh giờ đã không chỉ còn là truyền thuyết trong những trang sách tôi học mà đang thật sự diễn ra ngay trước mắt. Tôi sợ hãi nhìn vườn rau muống trước nhà bị mưa nuốt dần. Rồi đến khóm hoa bóng nước, vạt rau đay, bụi mía... Tất cả lần lượt bị nước chiếm đoạt.
Nhưng “nắng mưa là chuyện của giời”… Sau trận mưa lũ kinh hoàng năm ấy, tôi nhớ nhất hình ảnh mẹ xắn quần, vác cuốc lội ra mảnh vườn tan hoang, xơ xác trước nhà. Mẹ dọn dẹp lại những vạt cây đổ gục, trương nước. Mẹ xốc lại các vuông đất cho thẳng hàng ngay lối. Người trong xóm chia cho nhau những hạt giống, mầm cây. Và rồi những mầm sống ấy được gieo xuống mảnh đất mới đây còn bị vùi trong nước. Để rồi dăm bữa, nửa tháng sau, khu vườn nhà chúng tôi bắt đầu trổ lên những nhánh xanh rộn ràng. Mảnh đất đã được hồi sinh bởi sức người, bởi tình người. Nhìn khắp làng trên xóm dưới, mầu xanh của sự sống từ các mảnh vườn, ngõ xóm cùng nô nức vươn lên đón ngày nắng mới. Và dòng sông nhỏ hiền hòa chảy quanh xóm nhỏ lại bình thản cất giữ con nước hiền hòa để tưới tắm cho những cánh đồng, bờ bãi.
Tôi đã không thể đếm hết những cơn bão đã đi qua xóm nhỏ của mình kể từ đó đến nay. Tôi cũng không thể đếm xuể bao nhiêu nóc nhà trong xóm bị tốc mái, bao nhiêu hàng cây bị đốn gục, bao nhiêu mảnh vườn bị bão gió chà nát… Nhưng sau mỗi lần như vậy, sự sống trong xóm nhỏ lại được hồi sinh mạnh mẽ hơn. Người trong xóm giúp nhau dựng lại nhà cửa, chuồng trại, chia nhau nắm gạo gạn đáy thùng, san sẻ cho nhau manh áo còn lành lặn, mời nhau hoa trái vườn nhà vừa mới thu hoạch. Chưa bao giờ thiên tai, bão lũ chôn vùi được sự sống trên mảnh đất này. Sự sống ấy được chính con người nuôi dưỡng và không ngừng san sẻ, tiếp sức cho nhau, để cùng nhau vượt qua mọi thử thách.
Khi tôi biết nhìn rộng hơn ngoài xóm nhỏ của mình, biết theo những đám mây ngũ sắc đi xa hơn dòng sông của tuổi thơ, tôi nhận ra tinh thần tương thân tương ái của người Việt luôn hiện diện ở khắp mọi nơi, trong từng xóm làng, khu phố, từ miền ngược đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn. Và mỗi khi đứng trước gian khó, thử thách tinh thần ấy lại được thắp sáng, nhân rộng, trở thành một động lực to lớn, tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng giúp chiến thắng mọi nghịch cảnh để tiếp tục phát triển.
Năm 2020, chứng kiến cảnh thiên tai kinh hoàng trút xuống các tỉnh miền trung, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại cơn lũ năm nào đã hằn dấu trong ký ức tuổi thơ. Sự sống bị nhấn chìm trong biển nước. Nhưng ngay trong tình cảnh nguy nan ấy, tinh thần gắn kết, tương trợ tiếp tục được phát huy trong cộng đồng. Những ngôi nhà cao ráo được mở rộng cửa đón người dân đến tránh bão. Những thùng mì ăn liền, những tấm bánh chưng, những vắt cơm nóng được hối hả gửi vào vùng lũ. Cùng với đó là phao cứu hộ, thuốc men, quần áo, là những đường dây nóng để hỗ trợ kịp thời người gặp khó khăn. Là sự vào cuộc khẩn trương của chính quyền cùng rất nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân.
Và tôi lại nhìn thấy sau khi bão lũ lùi xa, những mầm sống được sinh sôi trên mảnh đất gian khó, nhọc nhằn này. Tôi hiểu trên mảnh đất mình đang sống đây không chỉ có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, mà còn một mùa đặc biệt, Mùa Yêu thương luôn ngự trị, bất chấp thử thách khắc nghiệt của thời tiết và thiên tai. Chính Mùa Yêu thương ấy nuôi chúng tôi lớn lên, dạy chúng tôi cách làm người.