Nhẩn nha dạo đồng làng Hội An (Quảng Nam), ta sẽ bắt gặp cảnh cũ cưỡi trâu, người mới - khách du lịch. “Đây là phân khúc cuối cùng chưa được tính đến nhưng khi đưa vào danh mục cho khách đạp xe dạo đồng làng, nó đã phát huy hiệu quả, đem đến cho khách trải nghiệm nông thôn Việt Nam”, hướng dẫn viên du lịch Mai Văn Chuyện cho biết.
Những chú trâu được thuần dưỡng hiền lành, đôi phần dịu dàng nữa. Khách cưỡi trâu thường dưới 50 tuổi hoặc phải trên 10 tuổi. Trong một nhóm khách không phải ai cũng can đảm “ngự giá” buffalo (trâu). Đa phần họ đứng xem, chụp ảnh, vỗ tay người cưỡi, thăng hoa lòng can đảm, mãn nguyện bản thân chinh phục. Giám đốc điều hành Công ty lữ hành Eco-Tour Trần Đăng Khoa, đơn vị đầu tiên đưa chương trình du lịch cưỡi trâu trên cánh đồng phường Cẩm Châu, Cẩm Hà (Hội An), cho biết: “Ý tưởng ban đầu của chúng tôi là nhằm đưa ra những sản phẩm du lịch đa dạng, nâng cao thu nhập cho người nông dân”.
Đưa vào du lịch, người ta chọn con trâu thuần, huấn luyện với nhóm người để khi có khách nó không sợ hãi, vọt chạy. Bên cạnh đó, phải chỉ dẫn cho trâu làm quen khẩu lệnh, như “nằm”, “đứng”, “dừng”, “đi”. Mỗi địa điểm cưỡi trâu chỉ được phép có một con nhằm tránh tình trạng trâu gặp trâu bất chợt nghênh chiến khiến du khách hoảng sợ. Những người chủ mua trâu về nuôi để làm du lịch cũng rất cẩn trọng khi xem tướng mạo, “dị hình” để tránh tình trạng trâu dữ, trâu “điên”.
Trong thế giới loài trâu, bước chân không quản ruộng bùn, ao sâu, nước lạnh... Bao nhiêu đời, cổ kéo cày bừa, vai kéo xe, chân chôn bùn, lưng thồ hàng nặng trĩu. Nay, được đồng hành “kiếm cơm” cho người, con trâu nhẫn nại bước theo sự hướng dẫn của chủ với phương châm “bạn sống cũng như tôi sống”. Mắt trâu mở to tròn nhìn lối đi, tai ve vẩy ruồi, đuôi vắt vẻo kiêu hãnh rằng giống loài của mình đã vượt ra khỏi tình trạng cũ. Nay, được đứng trong những khuôn hình của du khách và gửi lời chào thế giới.
Ông Boomkamp, từ Canada, nghỉ hưu tại Hội An, cho hay: “Tôi đi châu Phi và các nước nhiệt đới đều thấy có con trâu. Nhưng trâu ở Hội An là bạn tốt với khách. Tôi sinh năm 1961, người ở đây bảo tuổi tôi là tuổi trâu. Facebook của tôi cũng hình ảnh chú trâu ở đây đấy!”. Đến Hội An, Việt Nam rồi mới biết mình tuổi buffalo, ông Boomkamp vui vẻ kể: “Những ngày tôi đi dạo bộ đồng làng, thấy những con cò trắng đậu trên lưng con trâu. Thiên nhiên không phải trả tiền cho nhau nhưng chúng có câu chuyện với nhau thì phải. Con chim bay mỏi cánh, sà xuống lưng, xuống đầu con trâu. Con trâu lim dim đôi mắt, con chim rỉa lông cánh của nó hoặc tìm thức ăn trên mình con trâu. Giữa chúng có một tình bạn với nhau”.
Năm vừa qua, vắng khách du lịch, những chú trâu không nghênh tiếp đoàn và trở về nhịp sống sáng ra đồng ăn cỏ, tối về nằm. Nhưng buồn hơn trâu vẫn là các ông chủ. Ông Đặng Thanh Thế, ngụ khu An Mỹ (phường Cẩm Châu, Hội An), cho biết: “Khi trâu làm du lịch, mình chăm sóc nó tốt hơn, cho trâu ăn no buổi sáng, thỉnh thoảng xịt thuốc chống rận, pét... tránh tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, đầu lắc lư khiến khách hoảng sợ. Nay, những chăm sóc đó cũng không còn”.
Nghe vậy, con trâu tưởng nhàn năm qua, té ra dư thừa, bị bỏ bê, mặc kệ. Trâu kiệm lời, người phàn nàn vô số. Trâu đón năm trâu thần thánh trong thế giới loài người, người đón năm con trâu với những khởi đầu mới, hy vọng sẽ dễ chịu hơn năm cũ.