Hàng nhãn cổ thụ trầm tư trong gió đông. Vài xác lá rụng xuống hồ Vọng Nguyệt, bầy cá vàng tưởng mồi ngoi lên hớp lá trên mặt nước trong veo. Hoa mộc, hương trầm quyến gió đông ngòn ngọt, thấp thoáng đầu tường chậu trà phấn hồng hàm tiếu phong ngậm ngàn vạn lời bí mật đợi gió xuân về. Chuông đồng hồ Odo điểm giọt thời gian ngân lên thong thả. Nhìn quanh quẩn chẳng thấy nữ sĩ Anh Giang Vũ Thị Thơm. Hay bà đang mải uốn cây đặt thế đá ở vườn sau, hoặc đang tư lự bên chén trà ướp sen nghi ngút khói.
Thuở ấy, có người thanh nữ theo từ thân xuống Quần Anh hạ lập nghiệp. Gốc trâm anh thế phiệt cùng niềm thơ suối nhạc dằng dặc theo người. Mến cảnh sinh tình gắn bó miền chân sóng. Thảng lúc lòng lại nao nao nhớ bến sông con đò miền Sơn Nam thượng. Nhớ tiếng chầu văn đêm hội Phủ, nhớ đêm chợ Viềng ngơ ngẩn một miền xuân. Cánh cò lướt gió, chân quê yêu dấu vẫn dằng dặc theo cánh cò. Cái miền nhớ tưởng vô tận vô cùng ấy ủ vào đời sống tâm hồn người thanh nữ. Nàng bén duyên cùng người trai đất Quần Anh nồng hậu, nhưng người ấy nghe theo tiếng gọi tòng quân gửi lại mẹ già con dại cùng người vợ trẻ bao đêm đò đầy... mà hóa thân vào trời xanh mây trắng. Người quả phụ ngậm nước mắt thờ chồng nuôi con phụng hiếu mẹ. Bà gánh một gánh đa đoan suốt cuộc đời giông gió vất vả trầm luân. Hồn cỏ hoa, bóng đá cây, bảng lảng gió mây chắp cho thơ Anh Giang Vũ Thị Thơm cất cánh... Bà tìm đến Hội thơ Quần Phương như một sân chơi ấm áp tình người.
Gió đông thổi mạnh, cây bưởi đào ngoài vườn rùng mình, trái càng ửng đỏ hơn trong cước giá. Những trái hồng để dành chơi Tết giờ rực lên như ai thắp đèn lồng giữa vườn đông. Cái lạnh chợt dịu đi xui tôi cất bước tới ngõ nhà Vũ Oanh. Giờ này chắc thầy lang Oanh đang bận bịu với tần bì, cam thảo, đương quy... Có lần ghé chơi thấy thầy vừa bốc thuốc vừa đọc thơ cho bệnh nhân nghe khiến tôi buồn cười nhưng lại ấm lòng vì cái ngộ nghĩnh đáng yêu của thầy.
Thế nhưng lang Oanh đi đâu mà phòng mạch đóng cửa. Vài người khách chờ với vẻ sốt ruột đã quay xe ra ngõ. Có lần dự thơ Quần Phương, thầy đến thật muộn và xòe đôi bàn tay còn dính đầy thục địa cười như người biết lỗi: “Xin mọi người thông cảm! Tôi vừa phải cấp cứu bệnh nhân nên hơi muộn. Tôi xin tạ lỗi bằng bài thơ vừa mới làm trên đường tới đây”.
Men theo con đường ven biển qua những đồi cát hoang vu, tôi về cửa sông Hà Lạn xuôi qua nhà Lã Thanh An. Những trảng cát cuốn gió bay mù mịt, thấp thoáng những con thuyền đánh cá phồng căng cánh buồm đỏ thắm, neo trên bến vắng khiến biển như ấm lên. Lã Thanh An thường khoe với khách văn về cửa sông Sò nơi nhà Lã đang ở.
Nếu đi dọc triền đê theo hoàng hôn từ hướng Mão nhìn sang hướng Dậu thấy tơ lụa buông trên sông. Cả một vùng khói ráng của đất trời hội tụ về đây phiêu linh trên dòng Cẩm Hà. Tên đất toát lên sự cẩm tú và càng đẹp hơn nếu đặt chân tới cửa sông Hà Lạn tắm ánh bình minh. Một cửa sông vươn tay ra là chạm ngay vào biển. Những ánh sắc đỏ cam, lục lam, chàm tím... xòe ra đón chào một ngày mới. Để rồi lòng lại nhớ tiếng đàn của Lã Thanh An bồi hồi thổn thức ngóng bạn nơi cửa biển. Mái tóc bồng gió biển, nụ cười của Lã sẽ làm ấm lòng khách đường xa. Tiếng đàn Lã gieo sầu miên, gieo thương nhớ vào lòng bạn văn. Cõi lòng Lã ngổn ngang trang văn lúc khuya về. Cái hóm hỉnh tài hoa đã cho Lã rất nhiều nhưng cũng lấy đi của Lã bao nhiêu nước mắt… Có bận ánh nhìn của Lã hiu hắt, bàng bạc như khói phủ chiều đông bởi gánh cơm áo đời thường. Con gái đi học xa nhà tận Việt Trì nhắn bạn về xin tiền bố. Quà bố gửi cho con là mớ tép moi vùng biển mót lại sau buổi kéo lưới thuê. Sóng gió cũng qua đi, bây giờ Lã đã bình yên với những trang văn còn viết dở.
Có chiều tôi đưa bạn tới nhà Lã. Tới cổng không thấy Lã ra vồn vã như mọi khi. Tôi đẩy nhẹ thư phòng Lã, chợt bắt gặp những nhà sư đang chăm chú nhìn lên bảng cắm cúi tập viết. Những Hán tự của sư phụ Lã Thanh An đẹp như phượng múa rồng bay.
Mải suy nghĩ, tôi đến nhà Lã tự lúc nào. Nhưng thật đáng buồn cũng giống như mấy người kia Lã đi vắng. Không biết chừng họ đang tụ bạ nhau tại nhà Nguyễn Bổng cũng nên.
Con đường đến nhà Nguyễn Bổng là một vành đai xanh ngát hương. Những ruộng hoa láng ken dày đang trổ bông. Cành hoa tím mập mạp tỏa hương thơm lạ lùng nhưng tao nhã toát lên vẻ linh thiêng nơi thờ phụng. Trong bảng lảng hương thơm hoa láng, thấp thoáng những cây nêu ngày Tết đã được dựng lên. Nhà ai gói bánh chưng sớm gửi cho con cái nơi xa, khói bếp đã nồng ấm một khoảng vườn.
Giờ tôi đang đứng trước những chậu địa lan mướt xanh, những giò phong lan e ấp. Lan hồ điệp giống cánh bướm chập chờn tình tứ, lan đai châu phô sắc trắng ngà tỏa hương dìu dịu, một vài chậu hoàng vũ, thanh ngọc vươn cao những nụ hoa mà chủ nhân sẽ hãm nở vào sáng mồng Một Tết. Và kia dưới những gốc đào thất thốn đỏ thẫm, đào phai nụ còn hàm tiếu, đào bạch kiêu sa vắt vẻo uốn lượn theo bao dáng thế mềm mại là những con người của Hội thơ Quần Phương.
Tôi đứng giữa bạt ngàn hoa giữa nồng nàn Tết, nhưng cứ mải vui với nụ cười của bạn văn. Chiều cuối năm lâng lâng say chợt thấp thoáng bóng mỹ nhân trong từng cánh đào đang khoe sắc. Ra về trong chạng vạng, tôi mới giật mình vì chưa kịp xin ý kiến của mọi người về lễ thả thơ đầu xuân. Ôi chao! Ham vui quá... Chắc lại phải gặp Hội thơ Quần Phương vào ngày mai thôi.