Là nhớ lại những cái Tết đã xa, tháng Chạp đeo dao lên rừng chặt những cây phách đủ già đốt lên lấy tro để làm bánh nẳng. Ai chả biết gạo làm bánh nẳng phải ngâm trong nước tro than? Nhưng không phải ai cũng biết rằng, chỉ có tro cây phách mới cho ra những chiếc bánh nẳng đủ chất lượng để đặt lên mâm thờ cúng thần rừng, thờ cúng tổ tiên dịp năm hết Tết về! Vậy nên, lấy tro phách là phải lên rừng từ chiều hôm trước. Sáng ra lửa tàn, tro phách được gom về dùng đủ cho cả một năm.
Đã thấy suối Long hồi dòng sau mấy trận mưa xuân. Những con ếch ang ngủ đông thức dậy kêu âm âm khe đá. Những con ếch ang vàng ươm to cỡ đến vài lạng sống trong khe nước chảy về từ đỉnh núi cao. Thịt ếch ang trắng như thịt gà trống thiến và ngon hơn thịt gà trống thiến. Mùa đông mới qua, những trận mưa ấm báo mùa rải bụi, những con ếch ang cái kêu tiếng kêu mời gọi bạn tình.
Và cũng từ những ngày chưa xa lắm ấy, ông Mo của làng Dao thường mất nhiều công sức làm giấy tiền âm phủ từ vỏ cây giấy dó. Những tờ giấy tiền âm phủ mầu ngà được chạm hình hoa văn kỳ bí dùng cho cúng lễ quanh năm. Thì hồn thiêng cây giấy dó trong văn cụ Nguyễn Tuân là nói về loài cây giấy dó có ở nơi này. Thầy mo của làng biết làm giấy dó phải là người đức độ, đọc và thuộc những bài văn khấn bằng chữ Hán dài dằng dặc đã đành, lại còn phải là người không lẻ đôi. Nếu đang làm mo làng mà bỗng dưng lẻ đôi thì phải nhường vai cho người khác. Người đàn ông Dao sống một đời có biết bao nhiêu là dịp phải cúng lễ. Nào là lễ lập tịnh (lễ đặt tên), lễ cấp sắc, Tết nhảy… Mà mỗi dịp cúng lễ kéo dài không dưới ba ngày, tốn kém không biết bao nhiêu là của nả. Cây giấy dó cổ thành cũng là loài cây tích nhựa nên trầm. Trầm hương giấy dó thơm đầy lễ, Tết.
Đã thành tục lệ, trước Tết Nguyên đán 10 ngày, mấy làng Dao Hoàng Nông cúng lễ mở Tết. Lễ mở Tết được tiến hành vào ngày 22 tháng Chạp trên miếu làng. Trong lễ mở Tết, các gia đình mang theo hoa quả, bánh trái, rượu thịt đến góp phần và cùng nhau hưởng lộc. Chỉ sau lễ mở Tết, các dòng họ mới được lần lượt tổ chức Tết gia đình. Ba ngày Tết là dịp để con cháu, họ mạc chúc tụng nhau. Ba ngày Tết không ai sát sinh và cũng không ai được đi làm, nhất là không lên rừng vì bất cứ lý do gì. Là vì, những ngày đó thần linh và tổ tiên cùng cháu con vui Tết, không che chở được nên dễ gặp rủi ro. Ngày mồng bốn, mồng năm vãn hồi, các nhà ăn Tết lại, tiễn chân ông bà ông vải...
Tất cả phụ nữ Dao Hoàng Nông đều biết nghề thuốc nam gia truyền. Nồi nước thuốc tắm trong đêm Giao thừa của các bà, các chị đem lại cảm giác thanh sạch cả tâm hồn lẫn thể xác. Người Dao có biết bao điều kiêng kỵ. Ngày đó người làng Dao không ăn thịt chó và có rất ít người ăn thịt trâu, bò. Cả đến củi cho vào lò cũng phải đủn theo chiều từ gốc. Cơm nếp không được chan canh tránh tình duyên lỡ dở. Tiếng nói của người phụ nữ cao tuổi nhất trong gia đình có sức nặng độc tôn. Sống với rừng nên con dao luôn là vật dụng được các gia đình coi trọng. Nhưng nếu có ai bỏ quên con dao, cái cuốc ở bất cứ nơi nào xin đừng lo mất. Người Dao Hoàng Nông cho rằng, dùng con dao, cái cuốc không phải của nhà mình, tay chân mình có ngày chảy máu…
Tết Hoàng Nông có nhiều loại bánh khác nhau. Bánh nẳng là thực phẩm mát lành. Những tấm bánh nẳng làm từ nước lọc tro phách, gói bằng lá chít bóc ra có thể trông thấu tay em bởi nó trong veo mầu hổ phách. Gia đình làm Tết phải mượn thanh niên trai tráng mổ lợn và giã bánh dày. Bánh dày thường được làm một năm hai lần trong Tết Nguyên đán và Tết Thanh minh. Chày giã bánh dày là những đoạn tre hóp bánh tẻ nguyên lành phần vỏ để bánh không bám chày. Không nhà nào không gói bánh chưng và làm thêm bánh khảo. Từ xa xưa, muối ăn là thực phẩm tối cần thiết. Người vùng cao biết rằng, thiếu gạo có thể thay bằng bột cây báng, bằng các loại củ rừng, nhưng thiếu muối thì không thể được. Để không thiếu muối, từ xưa, người Dao đan những chiếc sọt thưa, lót lá ráy và lèn chặt sọt muối khi có dịp. Sọt muối ăn để một năm có thể gỡ lá, gỡ sọt bỏ ngoài mưa nắng bao ngày không sợ hư hao. Nếu trát tro đất lên thì khi đó, sọt muối chỉ như một cục đá và có thể có muối dùng cả khi loạn lạc. Tích trữ muối ăn, ngay từ đầu năm cũng là việc cần làm cho một năm mặn mòi, may mắn...
Làng Dao luôn giữ được thuận hòa. Cho đến tận bây giờ, người Dao vẫn có thể chuyển nhà đi làng khác, xã khác, thậm chí là huyện là tỉnh khác nếu có gì đó làm họ bận lòng. Minh triết Dao xưa không giữ mộ phần. Khi đủ điều kiện sắm bàn thờ độc lập với người giám hộ, người Dao cho rằng, hương hồn người khuất luôn ở tủ thờ mỗi nhà. Di cư đến đâu đem theo tủ thờ đến đó. Tết là dịp để người đã khuất về với cháu con, không tổ chức giỗ hằng năm như người dưới đồng bằng. Và, một cô gái nết na vẫn có thể ở với mẹ với cha dù đã có chồng nếu gia đình cưới rể. Chàng rể phải đổi họ, đổi tên theo nhà vợ và trở thành thành viên chính thức của nhà vợ cho đến hết đời.
Làng Đồng Khuôn treo trên sườn đồi triền tây Tam Đảo. Con suối Long từ mạn La Bằng luồn trong rừng rậm lọt qua Cửa Tử chảy dọc Hoàng Nông, chảy qua ngã ba Khôi Kỳ, Tiên Hội ra đến Hùng Sơn hòa vào dòng sông Công cấp nước cho hồ Núi Cốc huyền thoại.
Cửa Tử nằm ngay trước mặt làng Đồng Khuôn, xã Hoàng Nông. Đó là một khe đá hẹp. Vách đá dựng thành. Con suối Long về đến đây luồn qua Cửa Tử. Thác Cửa Tử gấp khúc hiểm yếu như một tiền đồn. Phía trong Cửa Tử là thung lũng đất bằng rộng có đến vài chục héc-ta, có thể chở che cho vài chục gia đình. Phía ngoài Cửa Tử, suối Long chảy một dặm dài giữa thung lũng Suối Chùn - Đình Cường trù phú.
Chuyện kể rằng, xưa, một thời loạn lạc. Giặc phương bắc nhiều lần tràn đến Hoàng Nông. Bà con mấy làng Hoàng Nông dắt díu nhau vào sau Cửa Tử. Một chốt chặn của tráng đinh phục ở nơi này. Một tên giặc nhô mình qua khe đá sẽ thành một thây ma cụt đầu. Tất nhiên, trên chiến lũy, máu không chỉ đổ một chiều. Và từ đó, nơi này có tên Cửa Tử.
Nhưng không có nhiều người biết rằng, nơi này, xuân về, có một loài hoa ánh lên mầu ngọc. Hoa giấy dó! Hương hoa giấy dó nồng nàn vướng bận bước chân người đi xa trở về, vấp cái nhớ lâu ngày hụt bước. Sắc hoa và mùi hương kỳ bí ấy chạm khắc vào tâm khảm những ai từng ăn bánh nẳng qua Tết Đồng Khuôn… Và nhất là vào một đêm đầu xuân mưa bụi về đây, nằm nghe tiếng ếch ang âm vọng từ khe núi thẳm. Tiếng kêu đôi thao thiết gọi mời kết giao phồn thực.
Với những ai đã từng đến ở nơi này, mỗi dịp Tết về, những cái tên Hoàng Nông - Cửa Tử - Đồng Khuôn sẽ làm nên một vùng đất nhớ!