Vực lại loài sen trắng
Nhà Huyền ở Kim Long, thành phố Huế. Ngay trước nhà cô, cứ đến hè những hồ sen tỏa sắc, hương bay cả một vùng trời. Huyền ước sau này sẽ có được một hồ sen để ngắm cho thỏa đam mê.
Ngày Phạm Thị Diệu Huyền (sinh năm 1985) vào nam học ngành Công nghệ sinh học cũng là thời gian cô không còn thấy bóng dáng của những đặc sản Huế. Cô không còn được ngửi hương sen Huế mỗi mùa hè về. Năm 2014, Huyền trở về, bắt tay vào một dự án khởi nghiệp, nhưng mọi chuyện không suôn sẻ. Huyền chuyển qua bán nước mía, bán hàng dọc tuyến phố đi bộ bên sông Hương, bán áo quần... Cô vẫn nung nấu ý tưởng một ngày…
Đầu năm 2019, Huyền thông báo với gia đình “con sẽ trồng sen”. Nghe cô thông báo, cả nhà ngớ người ra, bảo: “Người dân muốn thoát khỏi bùn đất không hết, giờ con lại lao vào. Có điên không?”. “Nhưng con quyết định rồi, đừng cản con. Ủng hộ con đi”, Huyền đáp lại lời ba mẹ. Trần Tuấn Anh, chồng cô xuất thân từ quản lý bán hàng, ủng hộ đam mê của vợ, anh nghỉ việc, ở nhà phụ giúp cô.
Hai vợ chồng bắt tay vào việc tìm hiểu, nghiên cứu trồng sen cổ trắng từng một thời nổi tiếng, được xem là đặc sản của Huế, nhưng trải qua thời gian, sen bị khan hiếm giống, khó trồng và đứng bên bờ suy tàn. Hai vợ chồng đặt vấn đề với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - đơn vị quản lý các hộ thành hào, các hồ nước ở khu vực lăng tẩm. Đặc biệt là những ao hồ dày đặc bèo tây bỏ hoang. Cô muốn tận dụng mặt nước các khu vực đó để trồng sen, vừa làm được kinh tế vừa đem đến vẻ đẹp, tôn vinh hơn nữa diện mạo cho các khu di tích, đô thị Huế. Rồi Huyền tìm đến các nghệ nhân trước đây có tiếng về trồng sen trắng ở Huế.
“Thích chi cái nghề bùn đất ni mà cực khổ rứa con”, nghệ nhân trồng sen cổ trắng có tiếng, ông Võ Văn Phúc, ái ngại khi cô mở lời nhờ vả. “Chú cứ giúp con đi”, Huyền trả lời. Thấy Huyền quyết tâm làm, chú Phúc cũng không nỡ từ chối. Sau chú, có thêm bốn người sành trồng sen cổ trắng hợp tác giúp cô.
Giống sen cổ trắng còn lại ở Huế không nhiều. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là đơn vị hiện vẫn còn, hứa giúp đỡ cô phần nào đó về giống. Hè 2019, các hồ, hộ thành hào được Huyền cho người dọn bèo, rau muống sạch sẽ, sen được đem đến trồng. Cô cùng với chú Phúc và cộng sự dầm mình mấy ngày liền trong bùn đất, trồng sen.
Sen cổ trắng được cắm xuống các hồ nước, nhưng mọi chuyện cũng không thuận. Ao đọng, nước tù khiến sen chết đi phần nhiều. Chú Phúc hỏi: “Giờ con tính răng?”. “Trồng lại đi chú”, Huyền đáp, rồi cả mấy người lại ngược xuôi tìm giống, khắc phục lại sự cố nước, trồng tiếp.
Sau nhiều lần trồng, sen cổ trắng cũng bén duyên được với bùn đất ở các khu vực hộ thành hào, các hồ ở lăng tẩm Huế. Sen phát triển nhanh, chỉ hai tuần sau lá đã phủ kín mặt nước. Huyền nghĩ mình đã thành công. Cô và chồng suốt ngày đi khắp các hồ, xem sen có bị bệnh gì không để chữa trị kịp thời.
Huyền thiết lập những món hàng xoay quanh loài cây này. Sản phẩm trà hoa sen sấy lạnh, trà hoa sen ướp xổi, trà tâm sen, trà lá sen… Hai vợ chồng ngày nào cũng dầm mình trong nước, ướp trà. Ngoài những sản phẩm dùng trong sinh hoạt, Huyền còn bán cả hoa sen trắng tươi cho những ai muốn thưởng thức hoa. Những đơn hàng về các sản phẩm sen và hoa tươi dần nhiều lên. “Mạo hiểm” của Huyền không những đem lại bộ mặt mới cho đô thị Huế, nó còn giải quyết công ăn việc làm cho một số người dân.
“Mình muốn thuê lại mặt nước các hồ của người dân để mở rộng diện tích trồng sen cổ trắng này. Phải bằng cách nào đó, không thể để giống này thêm một lần đứng bên bờ suy tàn được”, Huyền chia sẻ dự định của mình.
Đưa di tích Huế lên quà lưu niệm
Mộc Truly là thương hiệu ra đời sau nhiều lần thất bại, vấp ngã của Phạm Thị Diệu Huyền. Với thương hiệu này, Huyền bán tất cả các đặc sản của Huế. Điều làm nên sự độc đáo trong việc quảng bá đặc sản của Huyền là bao bì. Những hình ảnh đặc trưng của di tích Huế, của vẻ đẹp Huế, của tranh làng Sình… đều được Huyền sưu tầm, chăm chút rồi thuê thợ thiết kế đưa lên bao bì.
Với tranh làng Sình, Huyền tìm về gặp nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người cuối cùng trong làng còn lưu giữ nghề làm tranh. Từ thành phố về nhà nghệ nhân Phước khá xa, nhưng cô vẫn miệt mài đi đi về về, học cách làm và xin được khai thác từ mầu sắc, họa tiết đó.
Những gói mè xửng, qua sự chỉn chu của Huyền, nó nằm trong một bao bì nhìn rất sang trọng. “Mình muốn người thưởng thức không chỉ biết đến mỗi mè xửng ở bên trong. Họ phải biết đến di tích Huế, văn hóa Huế”, Huyền nói về ý tưởng đưa các hình ảnh lên bao bì. Ngày thuyết trình về sản phẩm, Huyền đưa ra thông điệp: Với những bao bì nhãn mác bình thường, khi bóc một gói mè xửng ra, bạn sẽ vứt đi cái vỏ. Nhưng, với những nhãn mác này bạn sẽ vừa ăn đặc sản Huế vừa được ngắm các thắng cảnh, di tích Huế. Với những bao bì, nhãn mác này các bạn có thể giữ lại, trưng cất làm kỷ niệm như một bức tranh, thứ đồ chơi.
Huyền dứt lời, bên dưới khán phòng vang lên tiếng vỗ tay. Dự án Mộc Truly của Diệu Huyền sau đó đạt giải A, cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào năm 2019. Phạm Thị Diệu Huyền gọi những đặc sản của Huế, những hình ảnh về vẻ đẹp Huế nằm trên sản phẩm là: “Gói ân tình xứ Huế”. Một xứ Huế “thu nhỏ” - mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng tinh tế và trang nhã xin được gửi trao với tất cả chân thành.
Trong mỗi sản phẩm Huyền luôn đem đến cho người dùng một câu chuyện riêng: Câu chuyện về nón Hương Toàn; câu chuyện về mứt gừng ngã ba Tuần; câu chuyện về hạt sen sấy…, những câu chuyện được cô chắt lọc, in lên mặt sau bao bì gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt. Sáu bộ về tranh làng Sình và tám bộ về di tích Huế đã được Huyền đưa lên nhãn mác, bao bì và được sự đón nhận rất nhiệt thành của người dùng. Mộc Truly đang tiến tới sẽ làm một bộ nhãn mác về chùa Huế, các lăng ở Huế, 20 danh lam thắng cảnh đất thần kinh.