Sapa O’Chau ở cao nguyên đá

Ước mơ du lịch bền vững, quảng bá văn hóa dân tộc qua dự án Chai”to của chàng trai H’Mông Sùng Mí Phìn đang mở ra hướng thoát nghèo cho nhiều thanh niên trên địa bàn.

Hẻm Tu Sản nhìn từ sông Nho Quế.
Hẻm Tu Sản nhìn từ sông Nho Quế.

Để khách như ở nhà của họ

“Đó là một buổi sáng cuối năm 2018, mặc cho mẹ gọi lại cố đưa ít tiền, nhưng trong lòng bực dọc vì cãi nhau với cha tối hôm trước, em ra đi chỉ với 500 nghìn đồng trong túi, sang Sa Pa học tiếng Anh”, Phìn cười và kể với chúng tôi. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Sùng Mí Phìn, sinh năm 1994, đã từ bỏ công việc giáo viên mà cha mẹ muốn để làm du lịch. Nhưng cũng nhờ “đã là” thầy giáo, Phìn hiểu làm du lịch phải có kiến thức và ngoại ngữ. Qua YouTube, Phìn biết doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau của chị Tẩn Thị Su bên Sa Pa (Lào Cai) có hỗ trợ cho các bạn người dân tộc thiểu số được học tiếng Anh miễn phí để làm du lịch. Phìn đã liên hệ với chị Su, khi nghe câu chuyện, chị đã nhận Phìn học và miễn phí cả chỗ ăn ở. Bỏ qua những tự ái, xấu hổ khi học tiếng Anh cùng với các em nhỏ, trong tám tháng, Phìn vừa học vừa xin đi làm bồi bàn, dọn phòng, lễ tân, dẫn tour du lịch… để có thêm chi phí, trau dồi tiếng Anh và mở rộng hiểu biết về du lịch. Năm 2019, Phìn tạm biệt Sa Pa về với cao nguyên đá, bắt tay làm du lịch theo cách mà Phìn mong muốn.

Năm 2019, Phìn năn nỉ mẹ bán con bò được 40 triệu đồng và cùng người anh mở một căn homestay tại trung tâm thị trấn. Nhưng rồi, như Phìn chia sẻ: “Thay vì một căn nhà hiện đại, Phìn muốn có yếu tố bản địa, văn hóa của dân tộc mình trong đó”. Và Phìn đã cho ra đời “White H’mong homestay”, có nghĩa là homestay của người Mán Trắng - một nhóm của dân tộc H’Mông. 

“Mình cứ để khách được tự do, được sống thật như đang ở nhà của chính họ. Du khách đến homestay này sẽ bắt đầu ngày mới và kết thúc một ngày như những người đồng bào thật sự. Sáng sớm, gùi quẩy tấu lên nương cắt cỏ, hái rau, trồng ngô… mùa nào việc nấy; chiều đến se lanh, dệt vải; tối cùng nấu nướng và ăn các món ăn truyền thống, cùng nghe và thưởng thức những câu chuyện đời thường nhất...”, Phìn nói. Khách cứ truyền tai nhau về căn “homestay đúng nghĩa” này. Mỗi tháng trừ hết chi phí, Phìn thu về được xấp xỉ 10 triệu đồng.

Mong có nhiều Chai”to

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh, huyện đánh giá cao và khuyến khích phát triển mô hình homestay như của Phìn. Ở phố cổ Đồng Văn hay một số làng văn hóa như Lô Lô Chải (Lũng Cú), hoặc Lũng Cẩm, xã Sủng Là thuận lợi làm homestay vì còn giữ được nét nguyên bản kiến trúc truyền thống dân tộc. “Tôi đánh giá cao quyết tâm của Phìn, rất mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”, ông Chinh nói.

Ở độ tuổi của Phìn, nhiều thanh niên hoặc đã lập gia đình, hoặc sẽ đi làm ăn xa thì Phìn chọn hướng về quê hương. Để phát triển du lịch bền vững, cần bắt nguồn từ chính văn hóa truyền thống, do chính đồng bào thực hiện. Phìn đã lập ra dự án (DA) có tên Chai”to (nghĩa là cố lên) với mong muốn đưa người dân địa phương vào làm nhân tố chính trong phát triển du lịch. DA tập trung vào các mảng như: tour trải nghiệm, cho thuê xe, homestay… Nguồn lợi từ các dịch vụ sẽ được trích sử dụng vào mục đích xã hội như dạy học tiếng Anh cho các chủ homestay, cho người bản địa và giúp đỡ cộng đồng giải quyết các vấn đề về du lịch.

Ông Nguyễn Văn Chinh đánh giá: “DA rất khả thi theo định hướng phát triển du lịch của Đồng Văn. Tôi đã trao đổi ý kiến với đồng chí Bí thư Huyện đoàn để tìm những phương pháp hỗ trợ, giúp đỡ những mô hình như Phìn”.

“Ước mong của mình là sẽ mở một trung tâm giống như Sapa O’Chau của chị Su về Hà Giang”, Phìn bộc bạch. Mới đây, DA Chai”to của Sùng Mí Phìn đã đoạt giải nhì cuộc thi “DA khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn” lần thứ 6 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức và được các chuyên gia đánh giá cao.