Lạc bước ở Đồng Lâm

Cánh đồng cỏ Đồng Lâm (xã Hữu Liên, Hữu Lũng, Lạng Sơn) rộng hàng trăm ha, xanh ngút ngàn nằm lọt thỏm, sâu trong lòng núi. Đến đây, không ít người giật mình trước vẻ đẹp tựa bức tranh sơn thủy hữu tình.

Toàn cảnh thảo nguyên.
Toàn cảnh thảo nguyên.

1/ Người dân Hữu Liên gọi đây là vùng đất hai mùa: mùa mưa và mùa khô. 

Vào mùa mưa, Đồng Lâm ngập nước, thảo nguyên bát ngát chìm trong dòng nước xanh thẳm. Thời điểm này, du khách có thể chèo mảng, bơi thuyền kayak, câu cá thư giãn và tận hưởng không khí trong lành của lòng hồ sinh thái hay cập thuyền vào sườn núi để trải nghiệm leo núi, tham quan khám phá các hang động. Mùa khô đến, nước rút, Đồng Lâm thay áo mới. Nơi đây là một thảo nguyên rộng lớn. Cỏ xanh mướt trải dài trên lớp đất tơi xốp màu mỡ sau mấy tháng ngập nước, để những đàn trâu, ngựa thẩn tha nhá cỏ. Sự mềm mại của nước, sự kiên định của đá và mênh mang của đồng cỏ đưa du khách trở về với cội nguồn thiên nhiên. 

Nhiều người ví von Đồng Lâm giống như “vịnh Hạ Long trên cạn”. Những núi đá vôi hiểm trở, những hang động kỳ bí, những dòng suối ngầm, hồ nước trong veo cùng nhiều loại cây quý hiếm, nhiều loài động vật có tên trong Sách đỏ sinh sống trong rừng đặc dụng đã tạo nên một hệ sinh thái đặc thù, hoang sơ và bí ẩn. Quanh xã Hữu Liên, giữa những thung lũng lúa nước, những nếp nhà sàn thấp thoáng trong mây núi rừng già. Nhà sàn cao rộng, thoáng đãng với phần lớn bốn gian hai chái, chiếm đến 85% trên tổng số 815 hộ dân. Trong khung cảnh yên bình trù phú ấy, một cộng đồng người Kinh tồn tại từ lâu cùng các dân tộc Dao, H’Mông, Tày, Nùng… quây quần trong các nếp nhà sàn ấm áp. Các dân tộc sinh sống cùng nhau trong thời gian dài nên có sự hòa đồng nhiều mặt, tạo nên một nét văn hóa đa dạng biểu hiện trong cách ăn mặc, tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống. “Hữu Liên có gốc đào tiên!/Nam nữ đến đó bén duyên chẳng về/Hữu Liên có gốc bồ đề!/Bạn khách đến đó muốn về ngay đâu”.

Lạc bước ở Đồng Lâm -0
Du khách chèo thuyền kayak du ngoạn cảnh hồ. 

2/ Cảnh đẹp thiên nhiên cùng nét văn hóa truyền thống độc đáo đang được chính quyền và người dân khơi dậy. Trong đó, “bài toán” về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn luôn được quan tâm hàng đầu. Chị Lèo Thị Thim, chủ chuỗi homestay Rừng Xanh cho biết: Hữu Liên có ba thôn Là Ba, Làng Bên và Làng Cóc hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng với sáu hộ đạt chuẩn homestay đón tiếp, phục vụ khách. Từ năm 2018 đến nay, làng du lịch cộng đồng ở Hữu Liên đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Du khách đến đây được trải nghiệm kỹ thuật đan lát, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, tham gia gặt lúa, bắt cá, thưởng thức từ các làn điệu truyền thống như hát Pá Xoan, hát Nhà Tơ, hát chèo cổ, hát Then… do các nghệ nhân sở tại biểu diễn. Được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, đặc biệt là những món ăn chế biến từ các thực phẩm lấy từ chính con suối của đất Hữu Liên như ốc suối, cá nướng, rau rừng mang hương vị rất riêng.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ đón khách, các khu homestay phải đáp ứng đủ 19 tiêu chí do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn ban hành. Ban quản lý giới thiệu và điều phối để khách đến được gia đình mà mình thấy thích hợp nhất. Ngoài ra, còn có các tổ dịch vụ, an ninh, môi trường, khuân vác… được tổ chức khá quy củ. Nhờ thế, các hộ dân đều hào hứng tham gia mà không có sự tị nạnh, tranh giành khách. Ai cũng hiểu giữ gìn nét đẹp của cộng đồng là giữ gìn cho chính gia đình mình.

Chủ tịch UBND xã Hữu Liên Hoàng Đức Thuận cho biết: Dự án Khu lưu trú và nghỉ dưỡng sinh thái Hữu Liên đang được Công ty cổ phần Du lịch Nối Vòng Tay thực hiện các thủ tục để trình UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư, thiết kế xây dựng theo mô hình nhà sàn truyền thống bản địa. Mục tiêu là xây dựng một khu lưu trú và nghỉ dưỡng sinh thái thân thiện môi trường, nằm giữa thung lũng. Qua đó, sẽ góp phần gìn giữ cảnh quan và hệ sinh thái thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, nâng cao cơ sở hạ tầng và các hoạt động sẵn có của xã. Đây là hướng đi đúng đắn cho đồng bào các dân tộc nơi này.