Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

Xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển, nền tảng của xã hội, những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh, góp phần hình thành những vùng quê đáng sống với cuộc sống của người dân ngày càng sung túc, diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Tour du lịch Dấu ấn Bạch Đằng kết hợp các trò chơi tái hiện chiến thắng lịch sử năm xưa thu hút nhiều du khách trải nghiệm.
Tour du lịch Dấu ấn Bạch Đằng kết hợp các trò chơi tái hiện chiến thắng lịch sử năm xưa thu hút nhiều du khách trải nghiệm.

Đến nay, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang được đầu tư, đưa vào sử dụng, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là điểm du lịch hấp dẫn như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long; Khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày ở huyện Tiên Yên và Làng người Dao thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái.

Văn hóa - động lực cho sự phát triển

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Tỉnh tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, đồng thời, thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2020, thị xã Quảng Yên đã phối hợp Sở Du lịch tổ chức chương trình kết nối phát triển du lịch MICE với hơn 100 doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc để tổ chức các tour đưa khách đến với địa phương.

Tiêu biểu là tour du lịch dấu ấn Bạch Đằng kết hợp giữa trải nghiệm với các hoạt động và trò chơi tái hiện chiến thắng lịch sử năm xưa, chụp ảnh checkin xếp hình quảng bá di tích, hình ảnh đất nước tại sân đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang, bãi cọc Bạch Đằng và tổ chức cho du khách đi xe đạp đôi tham quan thị xã, khu di tích…

Với việc đầu tư thêm các dịch vụ, điểm checkin và phối hợp tổ chức những hoạt động trải nghiệm cho nhiều đối tượng du khách, các khu di tích ngày càng có sức hút hơn, tạo thành điểm nhấn đặc sắc cho du lịch Quảng Yên.

Trong khi đó, huyện Bình Liêu đang là điểm sáng về thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96%, bên cạnh việc tổ chức các lễ hội, huyện còn phục dựng các trò chơi dân gian, các hoạt động tái hiện nghi lễ truyền thống, như: Lễ cấp sắc của người Dao, các nghi lễ đám cưới, rước dâu của người Dao, Sán Chỉ, lễ thôi nôi của người Tày…

Trong đó, nghi lễ Then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Hệ thống giao thông nội bộ của huyện kết nối đồng bộ đến các điểm du lịch, các công trình văn hóa, di tích lịch sử ngày càng được đầu tư nâng cấp, tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế. Từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa

Việc bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội đã được thực hiện quyết liệt, bài bản, đạt được kết quả quan trọng.

Tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng 25 di tích gồm: tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt; đã tổng rà soát, phát hiện, củng cố, xây dựng hồ sơ, thuyết trình được Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 bảo vật quốc gia. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức kiểm kê lập 28 hồ sơ di tích bổ sung vào danh mục di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Các địa phương trong tỉnh cũng đã tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, xây dựng các đề án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống.

Trong đó, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, hằng năm đều tổ chức các tuần văn hóa-thể thao, văn hóa-du lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc, vừa tạo sân chơi, giao lưu văn hóa lành mạnh, vừa góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa tới du khách.

Từ thực tiễn địa phương, huyện Ba Chẽ đã sớm xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Tỉnh xác định đây sẽ trở thành không gian văn hóa dân tộc Dao và là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Dao cả nước.

Bên cạnh đó, huyện vẫn duy trì sáu lễ hội truyền thống, trong đó có Lễ hội Trà hoa vàng, Lễ hội Bàn vương, Lễ hội Miếu Ông-Miếu Bà, Lễ hội Lồng tồng.

Anh Lý Quang Cường ở thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn cho biết: “Thông qua những hoạt động văn hóa truyền thống, chúng tôi càng hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình và thấy mình phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những nét văn hóa riêng, để bản sắc văn hóa đó sẽ không bị mai một theo thời gian.

Bí thư Huyện đoàn Ba Chẽ Lê Minh Đạt chia sẻ: Góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đưa công tác bảo tồn văn hóa trở thành những việc làm thường xuyên trong đời sống, nếp sinh hoạt của mỗi đoàn viên, thanh niên.

Đồng thời, tích cực tham gia, tái hiện, truyền dạy cho nhau các trò chơi dân gian, nghề thêu thổ cẩm, làm món ăn truyền thống...

Với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, trước mắt, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể mang thông điệp văn hóa đặc trưng.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tập trung hoàn thiện sớm và đưa vào triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc..., qua đó thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.