Vòng quanh thế giới bằng xe máy

Một mình, một xe, lại là chiếc xe Wave cũ, vậy mà Trần Đặng Đăng Khoa vẫn quyết tâm hành trình chinh phục giấc mơ thuở bé: Chu du thế giới. Ban đầu dự định dừng tại Pháp, nhưng rồi chuyến đi kéo dài 1.111 ngày đã đưa chàng trai quê Tiền Giang băng qua đường xích đạo tám lần, tới bảy châu lục, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
0:00 / 0:00
0:00
Cùng Meo, chiếc xe cà tàng mang biển số Việt Nam, Trần Đặng Đăng Khoa đã có chuyến chu du thế giới dài hơn 80 nghìn cây số. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cùng Meo, chiếc xe cà tàng mang biển số Việt Nam, Trần Đặng Đăng Khoa đã có chuyến chu du thế giới dài hơn 80 nghìn cây số. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đi để không hối tiếc

Lúc vào trạm đóng dấu xuất cảnh từ Việt Nam sang Campuchia, nghe hỏi thăm khi nào trở về, Khoa chỉ cười, nói sớm thôi. Thời điểm bắt đầu chuyến đi, chàng trai sinh năm 1986 không hề biết mình có thể tạo nên một chặng đường ngoạn mục, đưa anh trở thành người Việt Nam đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng xe máy.

Memo là cái tên thân thương Khoa đặt cho chiếc xe. The Memo, nghĩa là The Mekong Delta Motorboat (xuồng máy miền Tây), cũng có thể hiểu là từ tiếng Anh “memo” trong “memory”. Khoa nảy ra cái tên thú vị đó khi đang chạy xe trên những con phố ở Thụy Sĩ, lắng nghe tiếng “pô” xe nổ phành phạch như tiếng xuồng máy quen thuộc ở quê hương miền Tây. Memo theo Khoa từ ngày mới tốt nghiệp đại học và giờ thành bạn đồng hành để anh không đơn độc trên chặng đường dài hơn 80 nghìn km nối liền hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhiều người nghĩ phải thật sự giàu có mới dám bỏ công việc ổn định ở công ty nước ngoài để đi chơi, nay châu lục này, mai quốc gia nọ. Thế nhưng, Khoa tự nhận mình chỉ như bao người, xe “cùi bắp”, gia đình bình thường, tiền bạc chẳng rủng rỉnh. Cái anh tự thấy mình “giàu” nhất chính là niềm tin và đam mê. “Nếu có gì đó tôi tự hào về bản thân thì có lẽ là tính nhẫn nại không bao giờ bỏ cuộc, lúc nào cũng tính toán kỹ lưỡng và có phương án dự phòng. Tôi muốn đi nhiều nơi để nhìn cuộc đời dưới nhiều lăng kính khác nhau. Đáng ra chuyến đi này sẽ kéo dài nhưng dịch Covid-19 không cho phép, tôi và Memo phải quay về trong tiếc nuối”, Khoa kể lại.

Trước khi có chuyến đi dài ngày ra thế giới, Khoa đã quen với những cung đường xuyên Việt và các nước thuộc Đông Nam Á. Đánh dấu được cột mốc xa hơn, khó hơn, anh bao giờ cũng tự hỏi “Sao mình không đi xa hơn?”. Anh đặt mục tiêu sẽ kiếm tiền trong chuyến đi bằng những công việc thú vị với một người đi du lịch trải nghiệm. Đó là lúc nhiều đối tác nhận ra “Hóa ra Khoa làm thật chứ đâu nói chơi”.

Hai năm sau ngày trở về, Khoa ra mắt cuốn sách đầu tay mang tên “1111 - Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng”. Cuốn sách là cách anh chọn để gửi đi thông điệp tích cực với những ai đam mê xê dịch nhưng còn ngại ngần chưa dám bắt đầu. Năm 2023, anh lên kế hoạch cho một chuyến phiêu lưu mới. Khoa nói, khi nhận ra đâu là đam mê, tự khắc mỗi người sẽ biết cách thực hiện mọi thứ tốt nhất.

Chiếc áo dài và lá cờ Việt Nam

Trên chuyến đi, Khoa bỏ lại rất nhiều món đồ giúp Memo thoải mái hơn khi leo đèo, băng sa mạc hay vượt mưa tuyết, sương mù… nhưng có hai món theo anh đến cuối hành trình là chiếc áo dài có hình chim lạc và lá cờ đỏ sao vàng lấy về từ Trường Sa. Ban đầu, trên chiếc áo dài xanh có hình bản đồ thế giới, Khoa nhờ người may thêu lên hàng chỉ đỏ đánh dấu chặng đường từ Việt Nam đến Pháp. Về sau, đường chỉ ấy tiếp tục được nối dài, như chính niềm đam mê khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa mới. Được đem lá cờ Tổ quốc đến nhiều nơi trên thế giới, được mặc áo dài chụp hình lưu niệm tại cửa khẩu các nước, với Khoa đó là ký ức không thể nào quên.

Thấy chàng trai Việt đi khắp nơi với chiếc xe cà tàng, nhiều người bạn dọc đường tỏ rõ sự bất ngờ. Khoa hay nói, quan trọng không phải chiếc xe của bạn đủ lớn, mà là giấc mơ của bạn đủ lớn, đam mê của bạn đủ lớn, quyết tâm của bạn đủ lớn. Giấc mơ ngày xưa đã đủ lớn, thôi thúc Khoa vượt qua những sợ hãi, lo lắng, những khó chịu thậm chí đớn đau trong cuộc độc hành đầy ấn tượng.

Ba năm chu du thế giới, tưởng sẽ tiếp tục hành trình như dự kiến nhưng vì dịch Covid-19, Khoa bị mắc kẹt tại Mozambique (châu Phi) và về nước trên chuyến bay cứu trợ. Đó là điều khiến anh cảm thấy luyến tiếc vì kế hoạch “để đời” không trọn vẹn. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn ấy, Khoa biết mình lạc quan hơn. “Tôi không mong có thể thay đổi được thế giới hay nhân loại. Tôi đơn giản chỉ là một người Việt Nam nhỏ bé, với khát khao được lang thang khắp nơi để hoàn thành tâm nguyện phiêu du, khỏa lấp những nỗi trống trải của mình”, Khoa thổ lộ.