Cây sống được là mừng
Giữa tháng 8, chờ mãi mới có một ngày biển êm, giữa mùa biển động, Trung tá Danh Hiếu, Chính trị viên Đồn biên phòng Thổ Chu, hồ hởi bảo đó là ngày đẹp để trồng cây. Nhưng vì ngày đẹp, nên nắng 40 độ như thiêu đốt. Cái việc trồng cây tranh thủ thời tiết này, chỉ có ở mấy hòn đảo. Hòn Nhạn bốn bề là các vách đá, trời mưa sẽ rất khó để cano cập đảo, càng khó để chuyển cây và dụng cụ trồng lên. Cách đó vài hôm, anh em Đồn Biên phòng Thổ Chu đã ra tới đảo rồi phải ngậm ngùi trở về vì gặp mưa lớn, sóng đánh trùm lên cả nửa tàu. Thế nên có thời điểm mà lên được đảo, thì phải trồng cây ngay. Ngay cả Trung tá Danh Hiếu cũng xắn tay vào đào hố, cẩn thận bứng cây bồ đề chôn xuống đất. Có mấy chục cây xanh, nhưng cả đội vài chục người căng sức ra trồng mất cả một buổi.
Năm nào quân và dân Thổ Chu cũng ra Hòn Nhạn trồng cây, mỗi năm một chút. Năm xưa Hòn Nhạn chỉ toàn đá. Những bóng cây đầu tiên trên đảo, là bộ đội Trung đoàn 152 trồng trong những ngày đầu trở lại Thổ Chu. Lâu dần, những bóng cây nhiều lên. Cả hòn đảo chỉ tầm 2.000m2, diện tích có thể trồng cây chắc một nửa chỗ đó, nhưng như Trung tá Danh Hiếu, “sống được một nửa là mừng lắm rồi”. Năm 2021, Đồn Biên phòng Thổ Chu mang ra 100 cây, đợt này kiểm tra có độ 2-30 cây sống, anh em đã hò reo. Đó là lý do suốt nhiều năm qua, người Thổ Chu vẫn phải miệt mài trồng cây ở Hòn Nhạn như vậy.
Hòn Nhạn không có nước ngọt, không có người sống cố định, những cây xanh sau khi được trồng phải tự sinh tồn giữa khí hậu biển khơi khắc nghiệt. “Toàn các cây lấy từ các đảo trong quần đảo Thổ Chu thôi, nhưng không phải cây nào cũng sống được đâu. Có mấy loại cây ngoài Thổ Chu lên tốt mà ngoài này không sống nổi”, Trung tá Hiếu giải thích. Lần này, đoàn trồng dừa, bồ đề, cả mấy cây cọ, mấy cái cây đã chứng minh được sức sống qua bao nhiêu năm thử nghiệm trước đó. Cần mẫn như vậy, bây giờ một nửa hòn đảo đã xanh. Thậm chí, có cả một cây bồ đề cho bóng mát để ngư dân ghé lên đảo có thể nghỉ ngơi trong những ngày nóng nực.
Đảo xa ít cây, ai cũng biết. Những cây xanh khó khăn để tồn tại ở nơi không có nước ngọt và hiếm hoi cả những cơn mưa, nhưng lại thừa gió giật và muối biển. Ngay cả với những nơi nghe ra không xa lắm, để giữ một mầm cây, cũng đầy sự gian nan. Trung úy Lê Khắc Hóa, Phó trạm trưởng 545 trên đỉnh Sơn Trà (Đà Nẵng), độ cao hơn 600m so mực nước biển, chỉ ra cây bưởi ngoài sân, ngượng nghịu: “Em ở đây mấy năm mà chưa từng được ăn quả bưởi nào của cây này luôn. Năm nào nó cũng có quả, nhưng cứ chỉ to bằng nắm đấm là bị thui chột hết”. Cây bưởi nằm ngay vị trí hứng gió nhất từ biển vào. Cứ nhìn thấy có quả là anh em trạm ra-đa lại cẩn thận chống đỡ, gói bọc, hồi hộp chờ những cây trái bưởi đủ tháng, đủ ngày. Nhưng cũng chỉ tầm nhỡ nhỡ, trái bưởi lại chột dần đi, “Chỗ đó gió quá, chẳng quả nào chịu được, có cây sống là mừng rồi”. Cây bưởi ấy dễ đã trải qua mấy năm lính đến và đi, nhưng hầu hết đều như Hóa, chưa ai được thưởng thức quả bưởi chín từ nó cả. Trên đỉnh cao nhất Đà Nẵng này, gió thì thừa, cỏ cây dại cũng thừa, nhưng cây ăn quả thì khó sinh trưởng. Mấy cây chuối quanh trạm cũng bị quật tơi tả vì gió. Lá cây cũng chẳng mấy khi được xanh tươi mà thủng lỗ chỗ, rách tướp.
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trên đỉnh cao nhất núi Thới Lới là trạm ra-đa 550. Ở Lý Sơn, mùa mưa bão từ tháng 7 âm lịch kéo dài tới tận tháng 3 âm lịch năm sau. Suốt cả mùa đó, mỗi bận bão về thì cánh cửa sổ còn khó đóng lại, nói gì tới mấy cái cây mong manh ngoài trời. Đại úy Trần Công Tài chỉ ra mấy cái cây xơ xác trước mặt: “Bị bão đấy, cả vườn rau cũng hỏng hết. Chứ mấy tháng trước trạm đẹp lắm, xanh mướt. Bây giờ phải trồng lại chị ạ”. Những cây cứ đổ là lại trồng cây mới, những màu xanh cứ không ngừng được tiếp sức. Không ai bảo ai, chỉ cần một cây còn sống, thì vẫn có thể có mầu xanh.
Thay nhau giữ mầu xanh
Đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, kể hơn 30 năm trước, khi ra tới đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), điều ông băn khoăn nhất là làm sao giữ được mấy cây dừa. Dừa dễ sống trên đất cát thật, nhưng để chúng sinh sôi trên đảo này cũng chẳng dễ dàng. Ông Đỗ bắt đầu trồng những cây dừa đầu tiên, bên cạnh những bóng dừa dại. Lâu lâu, khi ông về bờ, mỗi anh em bộ đội ra đảo, đều cố gắng trồng một vài cái cây. Có cây sống, cũng có những cây không chịu được cái nắng gió biển khơi. Nhưng bây giờ Sơn Ca đã là một đảo dừa của quần đảo Trường Sa với cả một đường dừa sai quả. Dừa Sơn Ca nhỏ hơn ngoài đất liền, nhưng có vị đậm đặc biệt. Đại tá Đỗ nói, thời xưa dừa không nhiều như vậy. Đều là do những lớp người đến và đi, chăm bẵm mà thôi.
Đặc thù của người lính là đến và đi theo nhiệm vụ, có người quay lại, cũng có người đi miết. Nhưng họ vẫn cố gắng gây dựng những cây lâu dài, rồi giao cho đồng đội mới. Những bóng cây được nhiều thế hệ bộ đội nuôi nấng, giữ gìn, trồng mới. Trung úy chuyên nghiệp Đỗ Đăng Đại kể, hồi ra nhận nhiệm vụ tại Nam Yết, anh trồng một cây đu đủ. Hơn một năm sau trở lại, cái cây đã cao hơn cậu. Nam Yết là vương quốc đu đủ ở Trường Sa, có những cây cho quả tới 7,5kg. Đại hy vọng một ngày nào đó cái cây đó sẽ cho quả phá kỷ lục như thế. Hết mấy năm đi đảo, Đại về bờ nhận nhiệm vụ mới, thi thoảng anh vẫn hỏi bạn bè ngoài đó về cây đu đủ. Mừng là nó vẫn sống và có quả ăn rồi.
Đại úy Hoàng Đình Văn cũng đã nhận nhiệm vụ mới, chỉ vài tháng sau trồng những cây mới trên Hòn Nhạn. Nhưng những cái cây vẫn được các đồng đội ở lại trông chừng.
Trung tá Danh Hiếu nói, anh thích bài hát “Một rừng cây, một đời người”, anh thấy nó hợp với việc trồng cây trên Hòn Nhạn. Bởi chỉ cần có một cây sống, rồi năm sau sẽ thêm một cây nữa, nhiều thế hệ sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ mang mầu xanh cho những hòn đảo, rồi chúng ta sẽ có những cánh rừng. Những cánh rừng dù ở nơi đảo cát như Trường Sa, hay những cái cây hiếm hoi trên những đỉnh trời Sơn Trà, Lý Sơn, đều là những mầu xanh tiếp nối. Cũng có những cái cây lụi đi như dã tràng xe cát rồi bị sóng vùi, nhưng cũng có những cây vươn lên mạnh mẽ. Hơn cả một mầu xanh, đó là niềm hy vọng bất diệt.