Những đôi tay nở hoa

Đó là những cặp vợ chồng cùng tham gia công tác thiện nguyện, làm nên những mùa hoa yêu thương, nhân thêm nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Lê Tiến Vượng và các cộng sự trong một chuyến thiện nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Họa sĩ Lê Tiến Vượng và các cộng sự trong một chuyến thiện nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nên duyên từ… mùa yêu thương

Vợ chồng Đại úy Nguyễn Văn Nguyên (Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, Học viện An ninh nhân dân) và Đại úy Bùi Hoàng Ly Ly (Học viện Cảnh sát nhân dân) nếu cộng lại, cả hai đã hiến máu 115 lần. Còn nhớ chương trình “Hành trình đỏ” tại Hà Nội năm 2013, Nguyên và Ly đã cùng hiến máu nhưng mới nói chuyện qua. Sau đó, Ly thấy mình và Nguyên xuất hiện trên cùng một bài báo và thấy ấn tượng hơn về nhau. Mấy tháng sau, trong chương trình hiến máu khác, hai người gặp lại với cảm xúc xao xuyến… Sau này, Nguyên chia sẻ: “Đất trời có bốn mùa xuân hạ thu đông, riêng chúng tôi có thêm một mùa nữa, là mùa yêu thương. Mà mùa yêu thương rộng lắm, lúc nào cần là chúng tôi lên đường”.

Hai vợ chồng cùng trở thành gương mặt quen thuộc đối với các y, bác sĩ tại Viện Huyết học-Truyền máu T.Ư, Viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Việt Đức trong những lần hiến máu cấp cứu, hay trên những nẻo đường thiện nguyện “Mùa đông ấm”, “Cơm có thịt”, “Nâng bước chân em đến trường”… Nguyên đã hiến tiểu cầu 10 lần năm 2021. “Dịch Covid-19 hoành hành, nhiều bệnh viện khó khăn lắm. Nên cứ đến hạn cho phép có thể hiến là tôi lập tức đi ngay.

Trong quá trình thiện nguyện, nhờ sự “kết nối” của… trái tim, không ít bạn trẻ khác cũng nên duyên vợ chồng, như Nguyễn Bá Quyền, Phó Bí thư xã đoàn Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và Trần Thị Tươi, Phó Bí thư một công ty trên địa bàn xã. Hay vợ chồng Lê Thị Thu Thảo, sinh năm 1998 và Ngô Văn Lợi, sinh năm 1994 ở xã Nam Đà, huyện Krông Nô (Đắk Nông), hai thành viên tích cực của Câu lạc bộ tình nguyện Krông Nô. Hay vợ chồng anh Nguyễn Quang Tiến, chị Trần Thị Trang, trú tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) là bạn học, nhưng đến khi cùng tham gia các chương trình thiện nguyện mới nảy sinh tình cảm.

Vợ chồng “trên từng cây số”

“Tận tay trao những suất cơm cho người nghèo và nhận về nụ cười tươi, chúng tôi rất hạnh phúc”. Đó là chia sẻ của vợ chồng anh Lâm Văn Sáng - chị Ngô Ngọc Thảo ở phường 1, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Vợ chồng anh quê Cần Thơ, 11 năm trước về TP Cao Lãnh thuê trọ và mở một quán nước nhỏ, vừa rửa xe máy. Cách đây 5 năm, công việc đỡ vất hơn, anh Sáng thấy ở ngoài đời còn nhiều hoàn cảnh nên đã bàn với vợ phải làm thiện nguyện. Hai vợ chồng thống nhất mỗi ngày sẽ nấu 200 suất cơm phát miễn phí. Lúc đầu cũng có người nghi ngờ, có người nói vợ chồng anh bao đồng. “Nhưng rồi, mọi người thấy chúng tôi chẳng mưu cầu gì khác nên đã hiểu đúng và ủng hộ, tạo điều kiện cho chúng tôi làm từ thiện”, anh nhớ lại. Vợ chồng anh Sáng còn vận động hỗ trợ quần áo, xây nhà tình thương cho người nghèo. Hướng tới mùa xuân 2023, anh chị đã chuẩn bị những phần quà tặng bà con hoàn cảnh khó khăn. “Tôi không nghiện bia rượu, không hút thuốc nên nhu cầu cuộc sống cũng đơn giản, nhờ thế có thời gian và điều kiện để giúp người khác, dù vợ chồng tôi vẫn ở nhà thuê”, anh Sáng bộc bạch.

Một cặp có cách làm khác song cũng góp phần làm cho nhiều vùng heo hút thắm hoa. Đó là họa sĩ Lê Tiến Vượng và chị Phạm Thị Hải Yến đã nhiều năm qua làm thiện nguyện. Anh Vượng nguyên là Trưởng ban biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trái tim hồng Hà Nội do anh sáng lập năm 2013, nơi thường hỗ trợ giúp đỡ bà con, học sinh các dân tộc vùng cao, người nghèo… Anh kể, năm 2013, tình cờ anh biết được cựu chiến binh Đinh Văn Sang ở Nho Quan (Ninh Bình) bị ung thư gan, anh đã tâm niệm phải làm thiện nguyện nhiều hơn trước. “Tôi đã nghĩ đến việc thành lập câu lạc bộ. Chia sẻ trên mạng xã hội, chung tay giúp đỡ anh Sang, nhưng rồi anh đã không qua khỏi. Sau đó, chị Nguyễn Thị Huyên, vợ anh Sang cũng phát hiện mình mang bệnh hiểm nghèo khi trong căn nhà xiêu vẹo còn lại chị cùng hai con nhỏ. Lập tức, các thành viên và vợ tôi đã đồng hành, giúp tiền cho chị Huyên xạ trị lành bệnh, mua bò, lợn, gà giúp chị tăng gia sản xuất và tiếp tục vận động lần hai xây lại căn nhà cho ba mẹ con, giúp chị và các con có cuộc sống mới. Từ đó tôi có thêm động lực làm thiện nguyện”, họa sĩ Vượng nhớ lại.

Sau đó, họa sĩ cùng các thành viên tích cực hướng đến bà con vùng sâu, vùng xa, nơi anh từng biết, từng sống cùng hồi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Với khẩu hiệu “Xây trường, dựng ước mơ” vợ chồng họa sĩ cùng các thành viên câu lạc bộ đã xây được 22 điểm trường, bốn nhà tình thương cho trẻ em các dân tộc tại Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Ninh Thuận… Và còn hàng trăm chuyến quà Tết, quà trung thu, các chuyến hàng cứu trợ bà con bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Hai vợ chồng cũng xây dựng được hàng chục tủ sách và tủ thuốc cho các lớp học, trường nội trú, bệnh viện. Hiện, Câu lạc bộ Trái tim hồng Hà Nội đang chuẩn bị xây dựng một điểm trường tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), sẽ mời bà con trong xã dự liên hoan ngày khánh thành dự kiến vào dịp Tết Nguyên đán 2023.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Trái tim hồng Hà Nội chia sẻ: “Anh Vượng luôn dùng tranh vẽ, các tập thơ riêng bán gây quỹ. Anh cũng vận động nhiều họa sĩ danh tiếng cùng tặng tranh, tiền và nhiều quà tặng qua các đêm nhạc đấu giá gây quỹ cho các dự án xây trường. Anh còn viết, vẽ tặng cho các thầy, cô giáo, các anh chị trong câu lạc bộ nhiều bài thơ hay, nhiều bức tranh đẹp”.

Các cặp vợ chồng nhân ái cũng lan tỏa tinh thần ấy cho các con để cùng tham gia thiện nguyện. Cháu Lê Hương Thảo - con gái thứ hai của anh Lê Tiến Vượng đã dành toàn bộ phần thưởng tại một cuộc thi sắc đẹp ở Nhật Bản, đồng thời vận động Ban Tổ chức cuộc thi và bạn bè quốc tế quyên góp được 350 triệu đồng cùng dựng thêm hai điểm trường mới tại Pú Piến (Tuần Giáo, Điện Biên). Họa sĩ Lê Tiến Vượng vui mừng: “Trong quá trình thiện nguyện, tôi có thêm bốn con nuôi, trong đó có cháu Nguyễn Thị Trang ở Bắc Giang, mồ côi cả bố lẫn mẹ, giờ đây trở thành một thành viên rất tích cực làm thiện nguyện”.

Sống là hành trình chia sẻ yêu thương, là biết cho đi. Đó là tinh thần của những cặp vợ chồng giàu nhân ái. Với họ, dựng nhà tình nghĩa, xây thêm điểm trường, tặng suất quà cho người nghèo là khơi dậy lòng tin, sức sống cho người khác. Đó là cách gieo những màu hoa nhân ái.