Chắp cánh văn hóa Việt bay xa
Cuối tháng 9/2015 tôi sang Pháp dự Festival quốc tế Cộng đồng Pháp ngữ tại TP Limoges (thuộc Tây Nam nước Pháp) theo thư mời của bà Marie-Agnès Sevestre, Giám đốc Festival. Trước đó, tôi dừng chân ở Paris tham gia hội thảo về văn học Việt Nam đương đại do Viện quốc tế ngôn ngữ và văn minh phương Đông phối hợp cùng NXB Riveneuve tổ chức. Tâm-một nghiên cứu sinh người Việt, đang công tác tại viện, nồng nhiệt mời tôi về nhà chơi.
Bước vào căn hộ của vợ chồng Tâm, tôi bị bao bọc trong hương thơm ngào ngạt từ các món ăn đặc trưng Việt Nam: Mùi canh măng sườn, xôi gấc, dưa muối, mùi mộc nhĩ, nấm hương quyện trong món nem rán thân thương đến khó tả. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, Tâm lập tức dẫn tôi vào gian bếp, nơi đã bày sẵn mâm cơm gia đình kiểu truyền thống; mở tủ lạnh khoe hàng trăm chiếc nem đang xếp chật, sẵn sàng phục vụ tiệc nhẹ tại hội thảo mà tôi chuẩn bị tham gia! Hóa ra cả ngày hôm qua vợ chồng Tâm, thêm mấy người hàng xóm phụ giúp nên “công trình” đã hoàn tất. Tâm kể, cạnh nhà có đôi vợ chồng trẻ người Pháp tham gia phụ bếp. Ngày mới dọn về đây, mỗi lần thấy Tâm sửa soạn làm đồ ăn Việt Nam, cô vợ nhà bên ấy nhất định đòi sang học để có thể tự tay nấu món ăn Việt cho gia đình mình cùng thưởng thức. Đặc biệt món nem của Tâm thì vẫn được “tín nhiệm cao” bởi bí quyết trộn nguyên liệu ngon không chê vào đâu.
Ký ức về không khí ấm cúng tại gia đình Tâm khiến tôi nhớ đến TS giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, hiện đang giảng dạy tại một trường đại học danh tiếng tại Paris. Có một điểm chung giữa Phương, Tâm cùng nhiều bạn trẻ người Việt đang sinh sống học tập ở nước ngoài, đó là nhu cầu gìn giữ văn hóa truyền thống của ông cha ngày càng được coi trọng.
Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình mình ở ngoại ô Paris, Phương bài trí một không gian thuần Việt với những bức tranh Đông Hồ, những chú chuồn chuồn tre đậu chấp chới trên tường và quan trọng nhất bàn thờ tổ tiên luôn bịn rịn khói hương vào những ngày giỗ chạp, lễ, Tết. Dù đã có gần 20 năm sinh sống và làm việc tại Pháp, nhưng “chất Việt” trong con người Phương vẫn toát ra thật tự nhiên và vô cùng cuốn hút. Phương tâm sự, từ khi có con, nhận thấy những đứa trẻ mang dòng máu Việt sẽ trở thành “công dân Pháp” nên chị ý thức rõ rệt về việc cần phải duy trì tiếng Việt và văn hóa Việt ngay khi các con còn nhỏ.
Cùng với người bạn thân từ thuở học trò là Nguyễn Quỳnh Mai, tháng 1/2014 họ đã cùng nhau lập nên nhóm Cánh Diều, mong thiết lập một không gian thân thiện giúp các con được thực hành tiếng Việt, làm quen, tìm hiểu văn hóa Việt. Tên gọi Cánh Diều gửi gắm ước nguyện các em nhỏ chính là những cánh diều, được tạo mọi điều kiện để bay cao, bay xa nhưng luôn luôn có một sợi dây neo giữ, đó chính là nguồn cội, văn hóa truyền thống của dân tộc. Hoạt động của nhóm Cánh Diều được tổ chức khá đa dạng dưới nhiều hình thức. Cùng với việc học tiếng Việt, các bé còn được học vẽ, múa dân gian, võ, nhạc cụ dân tộc, tham gia tổ chức các lễ hội truyền thống như Tết Trung thu, Tết cổ truyền…
Điều đặc biệt của nhóm Cánh Diều là tổ chức dã ngoại văn hóa. Tháng 4/2022, nhóm đã chọn làng Noyant d’Allier, một trong hai ngôi làng Pháp đón nhận những người Pháp Đông Dương sang cư trú từ năm 1955. Chuyến “về nguồn” của nhóm được đích thân ngài thị trưởng đón tiếp, giới thiệu về lịch sử, đồng thời dẫn đi tham quan để các thành viên tận mắt quan sát những nét đặc sắc, độc đáo của một ngôi làng Pháp đậm chất Việt. Sự hiện diện của những bạn nhỏ người Việt ở ngôi làng giống như tia nắng của mùa xuân, mang lại sự ấm áp và luồng sinh khí mới. TS Nguyễn Thụy Phương tâm sự: “Là những “Cánh Diều”, chúng tôi mong và hy vọng các con sẽ phát huy và tận hưởng nền văn hóa kép chúng mang trong mình suốt cuộc đời. Và các con sẽ hiểu ra rằng, về nguồn có thể ở bất cứ nơi đâu!”.
Một buổi học của nhóm Cánh Diều. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tiếp tục khơi nguồn
Dáng người mảnh dẻ, khuôn mặt nhẹ nhõm, đậm chất Á Đông nên Erin Steinhauer luôn tự tin khi giới thiệu mình đang mang dòng máu Việt. Bà còn được biết đến là người thuộc dòng dõi danh nhân Phạm Phú Thứ, vị đại thần triều Nguyễn đã có nhiều đóng góp trong quá trình khai hoang, ổn định nội trị và đặc biệt là bang giao với phương Tây vào thế kỷ XIX. Hiện Erin Steinhauer là người sáng lập và là CEO của Vietnam Society, một tổ chức phi lợi nhuận quảng bá nghệ thuật và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Trong năm 2022, “Tuần lễ Việt Nam” (từ ngày 29/10 đến 5/11) do Vietnam Society tổ chức đã diễn ra tại những địa điểm nổi tiếng của Thủ đô Washington (Hoa Kỳ), đó là Bảo tàng Nghệ thuật châu Á quốc gia (Smithsonian) và Trung tâm Kennedy. Chương trình có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giới thiệu điện ảnh, văn học, ẩm thực, mỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Trân trọng các giá trị truyền thống cũng như văn hóa xưa và nay của Việt Nam, bà Erin Steinhauer luôn đau đáu cần phải cho bè bạn quốc tế và các thế hệ người Việt sinh trưởng tại Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về sự độc đáo và đa dạng của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Bà chia sẻ: “Ở bên này, các con cháu gốc Việt những thế hệ sau, nhiều người không biết gì về Việt Nam. Việc tổ chức các Tuần lễ văn hóa nhằm giúp người Việt Nam sinh trưởng tại Hoa Kỳ biết về nguồn cội của mình”.
“Tuần lễ Việt Nam” do Vietnam Society tổ chức có thể coi là một trong những nỗ lực tuyệt vời của người phụ nữ gốc Việt và các cộng sự để đưa đến với thế giới một hình ảnh đa dạng, sinh động và thân thiện về đất nước, con người Việt Nam. Một trong những điểm nhấn của sự kiện đó là hoạt động trưng bày, trình diễn đồ cưới và dệt may truyền thống Việt Nam thế kỷ 18 do TS Đào Thành Lộc, một nhà nghiên cứu về văn hóa cổ truyền Việt Nam có uy tín hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh chủ trì. Người xem đã chiêm ngưỡng, tìm hiểu được nhiều thông tin bổ ích về sự đặc sắc trong trang phục truyền thống của Việt Nam, và còn được mặc thử các bộ áo dài may ở Việt Nam gửi sang như một trải nghiệm văn hóa thú vị.
Theo Erin Steinhauer, việc tạo ra không gian văn hóa đậm chất Việt, giúp giới trẻ có thể tiếp cận trực tiếp cũng như “sống” ở trong không gian văn hóa đó chính là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để gìn giữ, phát huy văn hóa Việt trong cộng đồng. Bà ấp ủ dự định “Tuần lễ Việt Nam” sẽ trở thành hoạt động thường niên, bên cạnh đó sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa để quảng bá văn hóa Việt.