Chất lượng là tiếng nói cuối cùng

Các em học sinh lớp 4, lớp 5 Trường tiểu học Hanoi Toronto School đang xếp hàng theo hai cô giáo và bác Đính - người phiên dịch và hướng dẫn - dạo quanh khu xưởng may thú đồ chơi của Kym Việt (Kymviet, 123 phố Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tò mò và rón chân trong tiếng mấy chục chiếc máy khâu, chợt em Ngô Tuấn Hiệp, lớp 4 giơ tay: Thưa bác, tại sao anh chị, cô chú đang làm việc, có tiếng điện thoại trên bàn kêu to thế mà chẳng ai nghe hay tắt đi thế ạ? Người hướng dẫn chưa kịp giải đáp, thì bạn nữ cùng lớp Nguyễn Diệu Châu đã lên tiếng đáp. Lập tức cả nhóm cùng cô giáo òa ra cười rộ, vừa nghe lời giải thích của bác Đính - cũng không nén được cười…!
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm chào năm Quý Mão của Kymviet.
Sản phẩm chào năm Quý Mão của Kymviet.

Thành công qua 6 năm trải nghiệm…

Câu của em Nguyễn Diệu Châu là: “Nhìn thế mà cậu không biết à, các anh chị, cô chú ấy khiếm thính, làm sao mà biết điện thoại nó kêu, thế nên có sợ tiếng ồn như bọn mình đâu”… Vừa cười, vừa nhìn học sinh, hai cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang - chủ nhiệm lớp 4 và Vũ Hải Hà - lớp 5 cho chúng tôi biết, trường mới thành lập năm 2022, đây là chuyến trải nghiệm đầu tiên ở Kymviet.

Còn lũ trẻ thì đang hăm hở xem đồ chơi thú nhiều loại đang được các nhân viên sản xuất, bên cạnh là bác Đính vừa ra cử chỉ bằng tay để hỏi, nói với các nhân viên khiếm thính, vừa dịch lại cho các em nghe. Chỉ một lúc sau, lũ nhỏ ào ạt xông vào ngồi xuống chiếu, vung vẩy chân tay nhồi bông vào các con thú bằng que. Vừa làm, vừa trò chuyện, có cháu kêu: Ối ối, sao con nhận con voi mà nhét khó thế… (bởi vì con voi nhỏ này đã may vỏ xong, bông tuồn vào lại… qua vòi).

Chị Nguyễn Thị Đính, sinh năm 1966 là nhân viên quản lý nhiều năm của Kymviet, từng làm cho các tổ chức quốc tế hỗ trợ người khuyết tật. Chị nói, tôi biết nhiều ngoại ngữ nhé, trong đó thành thạo “hai ngoại ngữ đặc biệt” là… chữ nổi Braille - dùng cho người khiếm thị, và ngôn ngữ cử chỉ - dành cho người khiếm thính. Việc đón học sinh ở nhiều lứa tuổi đến trải nghiệm giáo dục - giao lưu với Kymviet bắt đầu từ cuối năm 2016. Đến giữa năm 2017, Kymviet phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam làm chương trình “Kymviet Chơi - Tay trong tay - Gắn kết cộng đồng”, tạo được tiếng vang. Từ đó đến nay, Kymviet mỗi năm đón hàng trăm lượt các trường đưa học sinh đến trải nghiệm. Các em vừa được “chơi” nhét bông, vừa hiểu được người khiếm thính bằng việc học… “múa tay” và biết rằng, người khuyết tật có khả năng cống hiến cho xã hội ra sao. Khi về nhà, trở lại trường, lớp trẻ sẽ là nhân tố lan tỏa tư duy, góc nhìn về người khuyết tật với cộng đồng đông đảo.

Chất lượng là tiếng nói cuối cùng ảnh 1

Chị Đính cùng nhân viên khuyết tật Ngô Phương Thảo đang diễn giải bằng tay với các em học sinh.

Hướng tới sau 9 năm trường kỳ…

Tôi gặp được Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Kymviet Phạm Việt Hoài, sinh năm 1973. Vừa trở về, anh đã lái xe lăn vèo vèo lên xuống tầng một, hai, giữa văn phòng và xưởng để kiểm tra và thăm hỏi nhân viên. Anh vừa trở về từ hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chuẩn bị cho Ngày Quốc tế về người khuyết tật 2022. Anh cười ngoác miệng nói vui rằng, bây giờ tôi hay “bị” và “được” đi họp trên một số bộ lắm. Vì Kymviet sau 9 năm “trường kỳ”, đã trở thành một trong những đơn vị điển hình của tám nhóm yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ.

Khi tôi hỏi về những điều được và mất, thành công ra sao sau “9 năm trường kỳ”, thì Phạm Việt Hoài trầm ngâm một lúc lâu rồi mới trả lời. Để có được cơ sở rộng 350m2, vừa là quán cà-phê, vừa là văn phòng, xưởng, khu trải nghiệm như hiện nay, thì trong 9 năm qua, bươn chải không thể nào kể hết. Kymviet đã dịch chuyển đến năm chỗ khác nhau… Ba thành viên góp cổ phần thành lập đầu tiên (đều bại liệt, xe lăn) thì đến nay một người tách ra, còn một bạn thì đã qua đời. Kymviet chúng tôi - anh Hoài nói tiếp - giờ chỉ giữ được hai họa sĩ thiết kế đều gốc là người Sơn Tây, tham gia cổ phần và sáng tạo mẫu mã cùng tôi như thế “chân kiềng”. Nên các mặt hàng của Kymviet mới có được diện mạo, phong cách, thương hiệu đặc biệt như thế này. “Một tự hào không nhỏ là đây nhé, quà tặng linh vật được đặt hàng trao tặng không chỉ trong nước, mà còn quốc tế nữa…”, nói xong, anh Hoài mở máy tính cho chúng tôi xem một loạt ảnh các quan chức cấp cao tặng linh vật do Kymviet sản xuất. Trong đó có hai tấm ảnh Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tặng linh vật hổ tới Thủ tướng; và tặng linh vật tê giác tới Thống đốc bang Whashington (Mỹ) đều trong năm 2022…

Hai năm dịch vừa qua, để tồn tại, Kymviet buộc phải thích ứng để xoay chuyển. Trước thì bán trực tiếp vào các khu du lịch hoặc sân bay Nội Bài. Sau đó quay sang bán online, làm thêm mẫu mã để tăng thêm ứng dụng, như túi xách các loại. Đến năm 2022, có những đơn hàng như mong muốn chỉ mới bắt đầu từ tháng 5. Điều Kymviet đang dự định - anh Hoài trở nên phấn khởi - là tháng 8 vừa qua, Kymviet được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đến thăm trực tiếp cơ sở và khuyến khích sẽ hỗ trợ nếu mạnh dạn mở được cơ sở mới trên trục đường ra sân bay.

Phát triển rộng ra thêm sẽ thu hút, giúp đỡ được người khuyết tật nhiều hơn nữa, mong là tới con số trăm nhân viên. Nhưng khó là để đào tạo nhân công là người khuyết tật, thì cũng khá lâu người ta mới thành thạo được. “Với cá nhân tôi”, anh Hoài nói tiếp: “Việc đầu tiên đáng tự hào là tìm được những người bạn, người đồng hành suốt 9 năm qua. Niềm tự hào thứ hai là các nhân viên lao động (ba người thiểu năng, còn lại là người khiếm thính) rất thông minh và khéo léo, lành nghề, thực hiện được những sản phẩm do đội thiết kế đưa xuống. Khi cảm thấy lãng phí, tốn kém, thì các bạn ấy tìm mọi cách để nói bằng tay với tôi hay người quản lý. Điều cuối cùng đáng tự hào là chúng tôi tạo ra được văn hóa doanh nghiệp, tất cả mọi người như một gia đình ấm áp. Mọi người quan tâm, lo lắng đến cho nhau, chăm chút cho cơ sở này”.

Liệu mô hình như Kymviet có nhân rộng được không? Anh Hoài khẳng định ngay là hoàn toàn có thể, đặc biệt ở những khu vực lớn về kinh doanh du lịch, như ở Đà Nẵng, Nha Trang, hay TP Hồ Chí Minh… Những người khuyết tật ở địa phương đó tham gia sẽ được hưởng lợi nếu chính quyền, cộng đồng địa phương chú tâm và đầu tư tốt, thì cũng là một “món quà” để nâng cao kinh tế địa phương. Thế nhưng mọi việc cần có nguyên tắc - anh Hoài nhấn mạnh - Thí dụ như khẩu hiệu ngắn gọn của Kymviet ở mọi nơi là: “Sản phẩm thay lời nói - Product instead of Speech”. Đó chính là: Không chỉ dựa vào tình thương của cộng đồng với người khuyết tật. Mà chất lượng sản phẩm sẽ là tiếng nói cuối cùng. Đây cũng là tiêu chí để mở “con đường đại lộ” lâu dài và bền vững, từ trong nước hay ra quốc tế.