Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển

Trên hòn đảo tiền tiêu này, không ít gia đình đã nhiều đời đi biển. Mặc những vất vả, hiểm nguy rình rập ngoài kia, họ vẫn miệt mài vươn khơi, chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Những ngư dân can trường ấy đã coi biển là một phần máu thịt không rời.
0:00 / 0:00
0:00
Nét hoang sơ của đảo.
Nét hoang sơ của đảo.

Chuyện người bên sóng

Là một trong những đảo thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có diện tích chừng hơn 40km2, tên gọi Ngọc Vừng (tức vầng ngọc sáng) là do người xưa khi thấy vùng này có các loài trai quý hiếm phát sáng trong đêm mà đặt tên. Có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, đảo Ngọc Vừng còn giữ vị trí quan trọng về an ninh-quốc phòng.

Thấy có khách lạ, ông Đào Đức Minh (thôn Ngọc Nam) bắt chuyện: “Quê hương anh đấy, chú thấy đẹp không?”. Rồi ông thích thú giới thiệu, nghề chính trên đảo là nuôi trồng thủy sản, đi biển và làm du lịch. Chuyện làm du lịch khoan nhắc đến, còn chuyện đi biển thì sao? Khách hỏi. Ông Minh cười khà: “Ở đây mà không đi biển, không dựa vào biển thì đâu phải là dân đảo, có người tới 4-5 đời rồi. Biển với mình là một mà!”.

Ông Minh năm nay 60 tuổi, sinh ra và lớn lên nơi xã đảo nên ông nắm rõ đến từng vũng nước ở đây. Nhờ kinh nghiệm hơn 40 năm trên biển, nhìn con nước, nghe gió trời, ông biết nơi nào có cá, nơi nào có tôm, hôm nào nặng lưới, hôm nào về không. Nay tuổi cao, sức mỏi nhưng ông chẳng bỏ đi biển ngày nào. “Không đi là nhớ. Đi cho cái tay đỡ chán, cái chân đỡ buồn. Loanh quanh trong vụng thả mẻ lưới chơi chơi, được con gì hay con đó, chịu khó chút trời chẳng phụ. Nhưng đánh bắt cũng có ngày, hôm nhiều, hôm ít. Một phần để nhà ăn, còn lại mang bán hàng xóm quanh đó, có khi cho luôn. Tính tôi vậy”, ông nói.

Với người dân đảo Ngọc Vừng, dịch vụ du lịch mới chỉ phát triển vài năm trở lại đây, còn trước đó, từ người già đến trẻ nhỏ đều lấy mũi tàu làm hướng mưu sinh. Cả đời đi biển, không ít lần ông Minh đối mặt những hiểm nguy chực chờ. Thong thả buông lưới, ông chậm rãi kể về mấy chuyến đi biển trước. Có lần, trời nổi gió mạnh, chiếc tàu nhỏ tung lên, hất xuống như lá tre cuốn theo dòng nước. Đèn bão tắt ngúm, biển đêm đen đặc, sóng gầm gào như muốn nuốt chửng mấy sinh linh đang vùng vẫy. Bão về không báo trước, sóng to, gió cả, mỗi người trôi một nẻo, ông Minh may mắn dạt vào một bãi hoang trong vịnh, mãi sau mới tìm được đường về. “Chuyến ấy đi về tay không, tàu mất, vốn liếng cũng tan nhưng vẫn còn giữ được mạng. Ở nhà vài bữa, tôi lại đi tiếp. Thời thanh niên trai tráng, nào ngại gì bão tố ngoài kia”, ông kể.

Biển ngoài cho nguồn sống còn luyện cho lớp trai tráng tính bản lĩnh, kiên trì nhưng biển cũng dữ dội, không phải lúc nào cũng để ngư dân thoải mái thả lưới buông câu. Chẳng thế mà có thời điểm, thanh niên trong làng lớn lên đều vào đất liền kiếm kế sinh nhai khiến đảo thưa vắng, chỉ còn người già và trẻ nhỏ.

Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển ảnh 1

Đến trường.

Đảo Ngọc hôm nay

Dù là đảo trên biển nhưng Ngọc Vừng có sông, bãi ngòi, bến cảng, hồ nước ngọt, rừng ngập mặn. Đặc biệt, nơi đây có vùng nước mở, vũng vịnh kín gió, nước sạch, bờ biển dài lại nhiều bãi cạn bao quanh nên nuôi trồng thủy sản thuận lợi. Bởi thế, người dân trên đảo vừa có thể trồng lúa, cũng có thể đánh bắt ghẹ, tôm, cá, mực ở khu vực biển hoặc nuôi trồng thủy sản ở khu nước lợ.

Hiện nay, khai thác tép ở Ngọc Vừng được duy trì và phát triển mạnh. Nhờ mùa vụ tự nhiên, nguồn nước mặn, sạch, xa bờ mà mắm tép nơi đây trở thành đặc sản thơm ngon. Hằng năm, sản lượng mắm tép Ngọc Vừng đạt từ 30-50 tấn, chủ yếu phục vụ khách du lịch, các nhà hàng hoặc xuất khẩu nên nhiều cơ sở đang đầu tư máy móc, thiết kế bao bì, nhãn mác hợp quy chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa ra thị trường sản phẩm đạt chuẩn mang thương hiệu địa phương.

Ngày 12/11/1962, quân và dân xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Khắc ghi lời căn dặn của Bác, hơn 60 năm qua, Ngọc Vừng đã có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2015, xã đảo có điện lưới quốc gia. Phục hồi, ổn định kinh tế sau đại dịch, Ngọc Vừng là xã đầu tiên trong tỉnh Quảng Ninh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

Xã đảo hôm nay đón chào du khách bằng gương mặt mới. Lấy phát triển du lịch-dịch vụ làm trung tâm, một số tour trải nghiệm, du lịch “xanh”, mô hình homestay đã được hình thành. Người nhiều vốn thì xây nhà nghỉ, khách sạn, người ít vốn thì buôn bán, mở nhà hàng, buôn bán, nhờ đó thu nhập được nâng cao. Xã tự cân đối ngân sách, không còn hộ cận nghèo, hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo theo tiêu chí mới. Bài toán phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đã tìm được lời giải. Trên đảo có trường học để trẻ em đến lớp, có bến bãi, cầu cảng phục vụ nhu cầu đi lại, buôn bán, kinh doanh. Cuộc sống không khác đất liền là mấy khi điện, đường, trường, trạm đã được Nhà nước đầu tư đầy đủ. Cái ăn, cái mặc không còn là mối bận tâm như ngày trước. Thế nên khi khách hỏi có muốn thay đổi, vào đất liền sinh sống, ông Minh chỉ lắc đầu cười khà.

Với những ngư dân vẫn ngày đêm bám đảo như ông, vị mặn mòi của biển đã trở thành một phần máu thịt tự bao giờ.