1/Chúng tôi gặp cô Mùa Thị Mão, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng thuộc xã Xà Hồ lúc cô đang trú cơn mưa bất chợt ở một lán nhỏ ven đường. Mưa núi cao dữ dội lắm, cô vừa buộc lại chiếc thùng chở chút đồ chơi mới được gửi lên, vừa thở dài: “Thế này các em đi học lại khổ rồi!”.
Cô Mão kể, ở trên này còn nhiều hạn chế, nhiều phụ huynh không xem việc con em mình đi học lớp vỡ lòng thế nào mà quan tâm đến khoản phụ cấp ăn trưa 200 nghìn đồng mà các cháu được nhận theo chính sách. Nhiều cháu bé lắm đã tự đến lớp, rồi tự đi về. Vậy nên giáo viên ở đây không chỉ dạy học mà còn chăm lo cho đời sống các em.
Ở xã Bản Mù nơi cô Mão lớn lên, 15-16 tuổi đã lấy chồng sinh con. Cô là một trong số rất ít những phụ nữ vượt qua sự cấm đoán, kể cả mắng nhiếc để đi học. Đến giờ, khi chưa sinh được con trai, áp lực phía nhà chồng lại tiếp tục đè nặng. Nhiều phụ nữ hầu như chỉ có con đường duy nhất là lấy chồng, sinh bằng được con trai và lên nương. Những “búp măng vươn khỏi lũy tre làng” rất hiếm.
2/Theo lời cô Mão, chúng tôi xuống núi, qua một cây cầu sắt thủng lỗ chỗ đến nhà cô Nguyễn Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng, cũng đã gần chục năm bám bản gieo chữ. Điểm chính của trường tại xã Xà Hồ được đầu tư cơ sở vật chất, dễ đi nhất, còn những điểm trường ở bản Khấu Dê, Háng Thồ, Tà Chì Nhù… đi lại khó hơn rất nhiều. Những hôm trời mưa, bão lũ, cô trò bám víu nhau ngã lên ngã xuống. Và khi mà các điểm trường đều cheo leo trên núi cao, thì nơi đây chỉ có duy nhất một thầy giáo, còn lại đều là các cô giáo chân yếu tay mềm.
Các tuyến đường tại thị trấn Trạm Tấu đã khang trang nhưng đường lên bản vẫn chỉ là những lối mòn, đi lại không thuận tiện. Để đến được điểm trường, các em nhỏ phải vượt qua những đường mòn, dốc cao và dài uốn quanh ngọn núi, một bên là vực sâu, hoặc là những con đường ngập dưới suối, nước dâng đến đầu gối không thể đi xe qua được. Chúng tôi hiểu vì sao khi thấy cơn mưa, cô Mão lại thở dài. Mưa xuống, đường thành những vũng bùn trơn trượt, ngập đến nửa bánh xe. Lên điểm trường bản Tà Đằng (xã Xà Hồ), có những đoạn lầy và sạt lở, phải đi bộ, bốn thanh niên bám vào nhau, người kéo, người bám, người đỡ, 15km mà phải mất hai tiếng đồng hồ. Với các cô và các em, đó là một con đường như bao con đường khác hằng ngày vẫnđi qua.
Con đường đến trường. |
3/“Cũng nhiều giáo viên không bám trụ được mà bỏ, mình cũng không trách họ được, khổ quá mà! Nhưng cứ nghĩ đến các con mà mấy chị em động viên nhau cố gắng, giờ ai cũng bỏ thì tương lai bao giờ mới thoát nghèo, xóa mù chữ đây. Các cô thường dậy sớm, đưa các em đến trường để giảm rủi ro khi để các em đi một mình, cũng như để các em không bị lỡ buổi học”, cô Thoa cho biết. Việc các cô ngã trên đường, thậm chí gãy chân, gãy tay được coi là chuyện bình thường. Cứ như thế trên những chiếc xe số cà tàng, đường đến trường cách núi, cách sông, chỉ cần một học sinh đến lớp thì gian nan mấy các cô cũng chẳng ngần ngại. Hai năm dịch bệnh, mọi nguồn cung ở Trạm Tấu đều phụ thuộc vào những chuyến xe từ Nghĩa Lộ chở lên. Khi dịch căng thẳng, nguồn cung không có, giá cả leo thang, một tháng lương chưa sống nổi nửa tháng. Nhưng các cô vẫn bám trường. Mùa đông Xà Hồ cắt da, cắt thịt, có những ngày lạnh quá, các lớp trên bản chỉ được ghép lại từ các tấm tôn, tiếng gió rít qua khe hở mà chỉ nghe kể lại cũng cảm thấy rùng mình. Khi ấy cả cô và trò cùng đốt củi giữa nền đất, co ro chụm lại sưởi ấm.
“Hầu hết các cô ở Nghĩa Lộ, Văn Chấn và Sơn La, lên đây làm việc, lấy chồng và gắn bó với nghề này. Mỗi cô giáo sẽ là lao động chính trong gia đình trung bình 5 người, gồm chồng và ba con. Như cô Mão, không muốn bỏ nghề nên phải tranh thủ làm thêm nghề may truyền thống”, cô Thoa tâm sự.
Gặp các em nhỏ dân tộc H’Mông ở điểm trường, những khuôn mặt lấm lem, những ánh mắt long lanh hồn nhiên chào chúng tôi bằng tiếng phổ thông và nói về những ước mơ nào là bác sĩ, nào là cô giáo… Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Xà Hồ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người H’Mông) chiếm hơn 99,7%, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập của người dân thấp, địa hình cheo leo lưng chừng núi. Với nỗ lực rất lớn, Đảng bộ, chính quyền và người dân đã hoàn thành được 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.