Sức bật

“Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động là chương trình thể hiện tinh thần thi đua yêu nước của người lao động. Chương trình đã tạo sức bật cho những đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng thu nhập và phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 39% số sáng kiến đăng ký trong giai đoạn II của chương trình. Ảnh: HẢI NHƯ
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 39% số sáng kiến đăng ký trong giai đoạn II của chương trình. Ảnh: HẢI NHƯ

Sớm cán mốc một triệu

Anh Hoàng Quang Sáng, thành viên công đoàn xưởng hàn thuộc Công đoàn Công ty Toyota Việt Nam (Công đoàn Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp, Công đoàn Công thương Việt Nam) là một trong ba người cập nhật sáng kiến vào thời điểm 15 giờ 34 phút ngày 3/10/2022. Đây là thời điểm đạt mốc thứ một triệu sáng kiến, đánh dấu sự kiện chương trình “Một triệu sáng kiến…” về đích sớm 332 ngày. Sáng kiến “Vị trí tay cò súng” của anh giúp công nhân dễ thao tác, không còn nguy cơ kẹp tay, bảo đảm an toàn lao động. Anh Sáng chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, khi cảm thấy những điều bất an toàn thì chúng tôi sẽ khắc phục, cải tiến để mang lại an toàn cho người lao động, tăng năng suất. Tôi rất vui mừng, cảm ơn công ty đã luôn động viên người lao động chúng tôi trong quá trình làm việc”.

Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn một, từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022 với mục tiêu sẽ có 300 nghìn sáng kiến. Giai đoạn hai, từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023, mong đón 700 nghìn sáng kiến. Nhưng đến ngày 3/10/2022, chương trình đã cán đích một triệu sáng kiến. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đánh giá: “Qua phong trào một triệu sáng kiến lần này, chúng tôi nhận thấy có một sự gặp gỡ giữa tổ chức công đoàn và doanh nghiệp. Không chỉ những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, mà doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã nhận thức được, sáng kiến cải tiến là một trong những giải pháp phát triển của doanh nghiệp. Họ tổ chức đào tạo cho người lao động về ý thức phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để làm cho mọi người, từ lao động có trình độ cao hay lao động phổ thông đều thấy mình phải có trách nhiệm”.

Trong giai đoạn hai của chương trình một triệu sáng kiến, khu vực doanh nghiệp đã tăng mạnh về số sáng kiến được đăng ký. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39%. Như ở Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam (Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng) được thành lập chưa lâu nhưng đến thời điểm hiện tại, sau ba năm bộ phận Sáng tạo (Innovation) được thiết lập thì phong trào cải tiến của nhà máy phát triển rất mạnh mẽ. Công ty đã thành lập cả một ngân hàng sáng tạo. Sau dịch Covid-19, hoạt động cải tiến lại càng được củng cố tốt hơn để tạo sức bật cho sản xuất. Trung bình trong một tháng, công ty nhận được 1.961 đề án, cải tiến được 1.326 đề xuất. Bình quân năm 2022 số lượng được cải tiến là 21.561 đề án so 27.079 đề xuất đưa lên, đạt thành tích khoảng 1,4 đề án/người/tháng. Năm 2022, với sự hỗ trợ đắc lực từ cấp trên, nhóm đề tài gồm các kỹ sư giỏi của Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó có hai kỹ sư trẻ 9X mới ra trường, đã đầu tư sáng tạo cho đề án: “Cải tiến giảm thiểu thời gian thay LOT model R13C tại công đoạn Up/Down”. Đề án đã áp dụng LOT Change Continue bằng cách thay đổi giá trị cài đặt của máy. Theo đó, sản lượng chạy trong một ngày của máy được nâng lên, giảm thời gian hay LOT ngắn từ 6:02 giây xuống 1:35 giây. Nhờ đó, giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí làm lợi cho công ty hơn 73 tỷ đồng. Trưởng nhóm, kỹ sư Bùi Đại Nghĩa, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ của LG Innotek Việt Nam cho biết: “Đề án được đánh giá cao trong nước và nước ngoài. Điều quan trọng hơn, đã khẳng định sức trẻ của các kỹ sư Việt Nam: Dám đương đầu với cái khó bằng sức sáng tạo, trí tuệ, quyết tâm và sự đoàn kết. Điều này càng nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp FDI cũng như trên thị trường lao động quốc tế”.

Sức bật ảnh 1

Cán bộ Đài Viễn thông Hà Nội - VNPT Net1 ứng dụng các sáng kiến kỹ thuật trong công việc. Ảnh: BBT Net

Mỗi sáng kiến là một câu chuyện vượt khó

Kỹ sư Nguyễn Viết Khu, Công ty cổ phần tập đoàn VAS, Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, ban giám đốc nhà máy luôn đặt vấn đề cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ để đưa vào sản xuất nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và bảo đảm về môi trường cho người lao động. Trong quá trình sản xuất, anh Khu nhận thấy, còn tồn đọng nhiều lượng kim loại dạng nhỏ (đinh, xỉ sắt…) lẫn trong đất mịn khiến công ty tốn rất nhiều chi phí máy móc, nhân công phân tách và xử lý mà tỷ lệ thu hồi được kim loại nhỏ chỉ là 40%. Mong muốn tận dụng tối đa việc tách kim loại dạng nhỏ ra khỏi đất mịn để đưa vào sản xuất, anh đã chế tạo thành công Máy sàng liệu tách kim loại nhỏ lẫn vào trong đất mịn. Khi đưa máy vào vận hành, công ty đã thu hồi được 99% kim loại nhỏ như đinh, vít lẫn trong cát, đất mịn. Chi phí vận hành rất thấp và không phát tán bụi ra môi trường. Anh Khu chia sẻ: “Quá trình sàng quay này vừa tiết kiệm được chi phí trong sản xuất, đồng thời tận thu tối đa nguyên liệu để phục vụ cho nhà máy cán thép Nghi Sơn. Đồng thời nhờ sàng quay này, vấn đề môi trường được bảo đảm vì không phát sinh ra bụi và tiếng ồn. Qua đó, bảo đảm được môi trường cho cán bộ, công nhân viên làm việc khu hậu cần và hạn chế phát sinh bụi đến khu vực nhà dân”.

Sáng chế được ứng dụng đã làm lợi hơn 7,2 tỷ đồng cho công ty và giảm phát tán bụi ra môi trường ở cảng Nghi Sơn một cách rõ rệt. Ít ai biết rằng, trong quá trình tìm tòi và thực hiện sáng kiến, kỹ sư Khu đã tìm các vật tư tận dụng trong sản xuất để chế tạo mà không phải đi mua bên ngoài.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải: “Mỗi sáng kiến là một câu chuyện mà ở đó không chỉ có giá trị làm lợi cao mà ý nghĩa sâu xa là những người lao động bình thường hay lao động trí thức hoặc nhà nghiên cứu đều có những sáng kiến thiết thực. Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn, từ đôi tay, từ trí óc và hơn thế là từ lòng đam mê công việc mà chỉ những người thật sự yêu lao động mới có được. Do vậy, tất cả các sáng kiến của người lao động cần phải được người sử dụng lao động quý trọng, có hình thức ghi nhận, biểu dương, khen thưởng tương xứng”.

Trước kia, nhiều sản phẩm của nhà máy cán thép thuộc Công ty TNHH một thành viên VAS Nghi Sơn thường phải thuê chuyên gia thiết kế với chi phí lớn, khoảng 20 nghìn USD/sản phẩm và chờ đợi tới ba tháng. Sau dịch Covid-19, tình hình kinh tế và sản xuất trên thế giới càng khó khăn và doanh nghiệp thép Nghi Sơn cũng vậy. Ban lãnh đạo nhà máy đã khuyến khích phong trào cải tiến kỹ thuật nhằm phát huy các sáng kiến, mang lại hiệu quả kinh tế, đưa ra giải pháp để nội bộ tự thiết kế nhiều sản phẩm. Chỉ sau hơn một tháng nghiên cứu, kỹ sư trẻ Phạm Quang Tuyến đã có sáng kiến “Thiết kế sản phẩm thép cán cuộn Ø9”, được đánh giá cao và đồng ý đưa vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả cao sau lần sản xuất đầu tiên. Cho đến nay, mỗi tháng công ty đưa ra thị trường khoảng 9-10% tổng sản lượng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm. Phạm Quang Tuyến chia sẻ: “Trong thời gian nghiên cứu, em cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì với ngành cán thép, em phải học từ đầu, chuyên ngành của em là cơ khí chế tạo máy. Đặc biệt, thiết kế sản phẩm cán thép là công nghệ cao hiện đại của nước ngoài nên mọi vấn đề liên quan đến thiết bị, em đều phải xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn từ ban giám đốc nhà máy và sự đồng ý của chuyên gia nước ngoài. Qua đó, mới tính toán và tìm giải pháp nghiên cứu từ thiết kế lỗ hình, tính toán tỷ số truyền của hộp giảm tốc, vòng quay của động cơ và đưa vào chạy thử…

Tại Công ty VAS Nghi Sơn, tất cả các sáng kiến của người lao động được các cấp lãnh đạo đón nhận, cùng xem xét, trao đổi nghiêm túc để tìm ra lối đi tốt nhất cho công ty và động viên tất cả người lao động phấn đấu tìm hiểu công nghệ để có những sáng kiến tốt nhất, mang lại hiệu quả cho công ty và đem lại thu nhập cao cho người lao động. Kỹ sư Tuyến nói: “Sáng kiến của em được áp dụng vào sản xuất là một điều rất vui. Đó cũng là nguồn động viên tinh thần to lớn để em cố gắng hơn nhiều trong công việc và trong cuộc sống”.