Hòa cùng dòng chảy thương mại Việt Nam - Campuchia

Mỗi khi có nhu cầu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao, cộng đồng người Việt cũng như người dân ở Thủ đô Phnom Penh thường tìm đến siêu thị Vinamart, một trong những trung tâm thương mại - ẩm thực Việt có mặt sớm nhất ở đất nước Chùa Tháp.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Lê Thị Hồng Thuyên giới thiệu sản phẩm lịch Tết.
Chị Lê Thị Hồng Thuyên giới thiệu sản phẩm lịch Tết.

Thành lập từ năm 2003, Vinamart nằm trên đại lộ Preah Monivong, con đường tấp nập với nhiều tòa nhà lớn, khách sạn, ngân hàng, chạy từ bắc xuống nam Phnom Penh, hòa vào tuyến đường xuyên Á, kết nối nước bạn Campuchia với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.

Sau gần 20 năm hoạt động, cùng với những doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, sản xuất và kinh doanh tại Campuchia, công ty đã nỗ lực giới thiệu với người tiêu dùng bản địa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, chị Lê Thị Hồng Thuyên, 45 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại - dịch vụ - vận tải Việt Cam, chủ siêu thị Vinamart cho biết, giai đoạn đó, người tiêu dùng Campuchia hầu như chưa biết đến hàng Việt Nam, trong khi trên thị trường đã có nhiều hàng hóa từ Thailand và Trung Quốc. “Nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các anh chị ở Saigon Co.op, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Campuchia nên doanh nghiệp của chúng tôi từng bước tích lũy được kinh nghiệm, có thêm những mặt hàng của Việt Nam chất lượng cao để quảng bá, phân phối tại thị trường Phnom Penh cũng như các địa phương”, chị Thuyên chia sẻ.

Hiện nay, Vinamart đang bán khoảng 400 mặt hàng, gồm đồ gia dụng, bánh kẹo, thực phẩm, sữa, trà, cà-phê, rượu, bia, hàng đông lạnh... của các hãng có tiếng như Kinh Đô, Vinamilk, Trung Nguyên, Yến Nhung, Bibica, Hương Nguyên, Chin-su... Theo các nhân viên bán hàng của siêu thị, hàng Việt Nam ngày càng được người bản địa ưa chuộng.

Ông Seyha, sinh sống tại Phnom Penh cho biết, ông và gia đình chưa có dịp sang Việt Nam. Tuy nhiên, từ nhiều năm trước, ông đã biết đến hương vị đậm đà của trà và một số món ăn Việt. “Hôm nay, tôi mua hai gói trà xanh Thái Nguyên, còn vợ tôi thì mua nước mắm, mì ăn liền và bánh đậu xanh. Trước đây, bạn tôi đi Việt Nam mới có quà đem về tặng, còn bây giờ ở Phnom Penh người dân cũng mua được hàng Việt Nam”, vị khách 50 tuổi hồ hởi nói.

Cũng đến Vinamart vào ngày cuối tuần, chị Nguyễn Thu Hương từ Hà Nội sang cho biết, làm việc tại Campuchia, chị thấy gạo, thịt, cá và rau quả ở bên này rất ngon. Người dân bản địa có những sản phẩm đặc sắc, như cá khô, mắm Prahok, hủ tiếu. Tuy nhiên, chị và chồng con vẫn thường nấu ăn ở nhà theo khẩu vị quen thuộc. “Ngày nghỉ, gia đình tôi thường đi chơi, ra ngoài thưởng thức những món ăn Khmer, như hủ tiếu, thịt bò nướng chấm mắm Prahok hay bún cá. Sau đó, cả nhà tranh thủ qua Vinamart mua xì dầu, mì ăn liền, bánh đa nem, gạo nếp, sữa chua, măng khô và giò lụa nhập từ Việt Nam để ăn hằng ngày”, chị Hương cho biết.

Mấy năm qua, siêu thị hàng Việt Nam của chị Hồng Thuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Khi dịch bùng phát, chị đưa các con về Việt Nam và trong suốt hơn một năm không thể quay lại Campuchia được. Khi hai nước khống chế dịch thành công, chị quyết tâm khôi phục lại doanh nghiệp, sửa sang cửa hàng, sắp xếp tái cấu trúc nhân sự. Cùng với đó, Vinamart đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, đưa hàng sang trở lại. Hiện, Vinamart tạo việc làm cho hơn 30 lao động bản địa. Cùng với hoạt động vận chuyển, phân phối hàng hóa, doanh nghiệp đang khôi phục lại nhà hàng chuyên món ăn Việt Nam ở ngay trong khuôn viên siêu thị.

Sang năm mới 2023, Vinamart sẽ mở rộng mảng bán rau và trái cây sạch của Việt Nam. Trong đó, chú trọng đến những loại rau củ hiếm trên thị trường Campuchia, như rau thì là, tía tô, su hào và rau mầm.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có vốn đầu tư đăng ký tại Campuchia đạt hơn 2,93 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu ASEAN và trong tốp năm nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so năm 2020 và có khả năng sẽ vượt mốc 10 tỷ USD trong năm 2022. Những doanh nghiệp lớn như Công ty Viettel Campuchia, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Campuchia, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), Agribank Chi nhánh Campuchia, Thagrico hay các công ty trồng và chế biến cao-su... đã và đang góp phần mạnh mẽ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Chùa Tháp. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ như Vinamart cũng góp phần hòa vào dòng chảy kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Campuchia, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị, vì sự phồn vinh và cuộc sống ấm no của nhân dân hai nước.