“Vua bóng đá” đương đại
Những ngày đầu năm 2023 là thời gian để xem lại sự nghiệp của Messi cùng những người nổi tiếng khác trên thế giới, cũng như những khoảnh khắc rực rỡ nhất của kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử tranh tài vào mùa đông, với trận chung kết đáng nhớ. Cuộc rượt đuổi 3-3 trên sân Lusail giữa Argentina và Pháp, rồi định đoạt danh hiệu bằng loạt luân lưu (Argentina thắng 4-2) là bản tổng hợp cho kỳ World Cup đầy sắc màu.
Trên sa mạc Ả-rập, giải đấu trở thành “Messi Cup”. Người đội trưởng Argentina trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử World Cup ghi bàn từ vòng bảng, vòng 1/8, vòng tứ kết, bán kết cho đến trận chung kết. Anh là người duy nhất tham gia vào hơn 20 bàn thắng kể từ khi sự kiện lần đầu tiên được tổ chức năm 1930 (13 bàn, cùng 8 kiến tạo).
Kể từ Copa America 2021, không ai nghi ngờ về sự đồng nhất của Messi với “La Albiceleste”. Trên thánh đường bóng đá Maracana, anh cùng Argentina đánh bại kỳ phùng địch thủ Brazil để giành danh hiệu đầu tiên sau 28 năm. Trong khoảng thời gian ấy, những chiếc cúp mãi lẩn tránh những “vũ công tango”. Họ vào chung kết bốn lần và đều thất bại (ba Copa America, một World Cup). Nhưng tại Qatar lần này, Messi đã đưa đội bóng đến đỉnh cao vinh quang.
Ở tuổi 35, sau khi vô địch từ Tây Ban Nha đến Pháp, chiến thắng Champions League, Cúp thế giới các câu lạc bộ, giành rất nhiều giải thưởng Vua phá lưới và Chiếc giày vàng châu Âu, cùng bảy Quả bóng vàng, cuối cùng Messi đã có được Cúp vàng danh giá. “Vua bóng đá” đương đại đã được trao cho anh.
Tuyển Nhật Bản lại gây sốc với cuộc ngược dòng trước Tây Ban Nha. Ảnh: AFP |
Không còn biên giới
Qatar tôn vinh Messi, cũng đánh dấu kỷ nguyên vàng của Pháp với trận chung kết thứ tư trong bảy kỳ World Cup gần nhất (thắng hai trận các năm 1998 và 2018, thua 2006 và 2022). Nhưng không một tập thể nào để lại ấn tượng nhiều hơn so với Morocco. Với những câu chuyện đầy thú vị của Nghìn lẻ một đêm, Morocco đã viết nên tác phẩm cổ tích hiện đại.
Mặc dù thua Croatia của siêu sao không tuổi Luka Modric trong trận tranh hạng ba, Morocco vẫn là niềm tự hào của bóng đá châu Phi. Trở thành đại diện đầu tiên của Ả-rập và châu Phi lọt vào bán kết World Cup, trên đường đi, “Những chú sư tử Atlas” cầm hòa Croatia, đánh bại thế hệ vàng của Bỉ, vượt qua Canada trẻ trung. Ở vòng 1/8, Morocco loại Tây Ban Nha. Trong trận tứ kết, họ tiễn Bồ Đào Nha về nước khiến cho Cristiano Ronaldo kết thúc sự nghiệp World Cup trong nước mắt.
Thành công của Morocco truyền cảm hứng cho những đội bóng vốn không được đánh giá cao, đặc biệt là bóng đá châu Phi và châu Á. Những đội tuyển nằm ngoài “giới thượng lưu” bóng đá thế giới có quyền mơ mộng về điều kỳ diệu tại World Cup 2026, sự kiện đầu tiên được tổ chức tại ba quốc gia (Mỹ, Canada và Mexico), đồng thời mở rộng lên 48 đội đến từ sáu liên đoàn thành viên của FIFA. Trang sử mới mà các cầu thủ Morocco viết tại Qatar cũng phản ánh mô hình bóng đá hiện đại: Thế giới phẳng không còn biên giới.
Không thành công như Morocco nhưng hai đại diện của bóng đá châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng làm nên bất ngờ thú vị khi cùng lọt vào vòng 16 đội, trong khi Nhật Bản để lại dấu ấn riêng khi đánh bại hai “gã khổng lồ” Tây Ban Nha và Đức. “Samurai xanh” thiếu một chút may mắn nên phải dừng bước trước Croatia. Với cách làm bóng đá đúng đắn, xuất khẩu cầu thủ sang Đức, rất có thể Nhật Bản sẽ là ngọn cờ đầu giúp châu Á cất cánh trong kỳ World Cup tiếp theo.