Vượt qua mùa thương đau

Đau thương, mất mát cũng đã làm cho con người xích lại gần nhau, yêu thương, đùm bọc, chở che. Nhiều người cầm bút không chỉ lao tâm khổ tứ bởi trang viết mà còn như một chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Tranh: HOÀNG DUNG
Tranh: HOÀNG DUNG

1/Giữa đông mà Sài Gòn như đang mùa hạ với những cơn mưa dai dẳng sụt sùi. Mưa kéo dài, dằng dai khó dứt, khó rời như thứ nợ ân tình, nợ thế nhân và còn mang lại cái cảm giác se sắt buồn vui như là định mệnh. Mà suy cho cùng, tất cả đều mang gương mặt của định mệnh. Giọt mưa, cơn mưa, những chiếc lá non đang vật vã sống sót dưới cơn mưa, giọt cà-phê đắng ngọt vương nơi đầu lưỡi, đóa hồng xòe nở đến cánh cuối cùng, những tỏ bày yêu thương, khát vọng được dưỡng nuôi hay chối từ…

Lại nhớ bài thơ “Định mệnh” tôi viết trong một đêm tháng 7 sau vài ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội khi đại dịch bắt đầu gây nên nỗi kinh hoàng: “Định mệnh con sói già lắng nghe tiếng tru của bầy sói trẻ/Định mệnh tiếng thì thầm rót mật vào tai/Định mệnh hố sâu đào huyệt mộ/Định mệnh phận người không cho phép mình gục ngã”.

2/Và định mệnh người cầm bút là con chữ, là không thể không viết. Và thơ, thể loại trực diện đi từ trái tim đến trái tim. Thế là, người sống trong vùng cách ly, người chôn chặt chân trong vùng phong tỏa, các nhà văn quyết định phát động cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”. Website “Văn chương TP Hồ Chí Minh” vận hành vào sáng ngày 2/8/2021, cùng thời điểm phát động cuộc thi thơ, lần lượt đăng hơn 130 chùm thơ với hơn 350 bài của hơn 160 tác giả và có hàng trăm nghìn lượt truy cập. Vào thời điểm khốc liệt này, một câu thơ hay, một bài thơ hay, một đoạn văn hay cũng như liều “vaccine” cho chính người viết.

Cũng vào thời điểm mà đại dịch gây ra biết bao tang thương không chỉ cho thành phố phương Nam này, tôi càng nhận rõ hơn, sinh mệnh con người quá đỗi mong manh và định mệnh đất trời quá nghiệt ngã. Một thành phố cưu mang trên dưới 10 triệu con người sinh sống, làm việc, sáng tạo, năng động là thế, hối hả đến thế, bỗng chốc lặng phắt như một vùng đất chết.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung, bệnh nhân Covid-19, nhắn tin cho tôi từ giường bệnh ở Bệnh viện Quân y 175: “Tôi không sao đâu. Chắc chỉ ít hôm nữa là xuất viện”. Nhưng rồi, ba ngày sau, nhà văn đại tá từng xông pha trận mạc lại rời khỏi bệnh viện bằng xác thân lạnh giá mà không có một người ruột thịt thân yêu tiễn đưa. Nhà thơ Trần Hữu Lục, nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Nguyễn Thành Chơn… người nhiễm Covid, người vì dịch Covid mà không thể đến được bệnh viện kịp thời, đã vĩnh viễn ra đi trong đơn độc. Nhà thơ Huệ Triệu đã trực tiếp góp và vận động đóng góp hàng chục tấn gạo giúp người nghèo hoạn nạn trong đại dịch, nhưng đau đớn thay, chị lại phải chịu cảnh ly biệt với người chồng thân yêu của mình.

Ngày 18/11/2021, trước một ngày cả nước tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã trao giải thưởng thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”. Giải nhất được trao cho tác giả Tự Hàn, là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện tuyến đầu chống dịch. “Tưởng niệm”, một trong chùm thơ ba bài đoạt giải, tác giả viết tưởng niệm đồng đội - bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch. Một năm đã trôi qua, nhưng đọc lại “Tưởng niệm”, mắt tôi vẫn cay xè: “Anh ơi! ống nghe còn đây, áo blouse còn đây và cả hũ tro còn đây/sao anh chưa kịp nói một lời với mẹ, với vợ, với con đã theo loài mây trắng…”.

3/Chúng tôi tiếp tục phát động cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng” nhằm viết về những tấm gương hy sinh cứu người của các y, bác sĩ; sự dấn thân của các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch… Bài dự thi đã chấm qua vòng sơ kết. Ban giám khảo đang đọc và có phiên họp chung khảo vào thượng tuần tháng 12. Trao giải cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng” sẽ được tổ chức đúng vào dịp Ngày thơ Nguyên tiêu 2023.

Từ cuộc thi, nhiều hình ảnh, nhiều con người với những hy sinh thầm lặng mà cao cả cho con người, cho cuộc sống, cho sự đấu tranh sinh tử giữa lằn ranh cái chết và sự sống khiến tôi xúc động và vô cùng thán phục. Đó là sự tận hiến tài năng và sinh mệnh của những bác sĩ ở bệnh viện tuyến đầu; là “kỳ nữ” Kim Cương với tấm lòng nhân ái, tỏa lan; là nhà văn Trình Quang Phú, Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh, tuổi hơn 80 vẫn đảm nhận vị trí “tổng chỉ huy” túc trực ở bến xe miền Đông suốt nhiều ngày đêm, kết nối nhiều đơn vị, tổ chức 730 chuyến xe đưa khoảng 17.000 người lao động rời tâm dịch trở về Phú Yên; là doanh nhân trẻ Hoàng Tuấn Anh, “cha đẻ” của những ATM gạo, ATM oxy, ATM khẩu trang; là “Di sản từ trái tim Cường béo”, bài viết về anh Vũ Quốc Cường, một người nghèo mở quán cơm từ thiện phục vụ người nghèo, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh bùng phát. Khi biết tin Vũ Quốc Cường qua đời vì Covid-19, ngày 28/8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư bày tỏ sự tiếc thương một trái tim nhân ái đã ngừng đập: “Những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội…”.

Sau đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và gây biết bao mất mát đau thương, thành phố phương Nam đang hồi sinh, hồi sinh từng ngày... Sự hồi sinh trong mất mát và trải qua mất mát còn là sự hồi sinh định mệnh “Định mệnh phận người không cho phép mình gục ngã”. Hồi sinh trong ưu tư, trong lắng đọng, trong sẻ chia mất - còn và trong nhịp đập của trái tim - mà tôi gọi là “Một siêu linh”.