Ươm tơ mở lối cho lụa Việt

Qua những thăng trầm của con đường tơ lụa, các nghệ nhân xứ B’Lao (Bảo Lộc, Lâm Đồng) vẫn vẹn nguyên một tình yêu với sợi tơ, con tằm. Sau thời kỳ khủng hoảng, lụa Bảo Lộc đã kiêu hãnh vươn ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Thời trang ứng dụng đưa lụa đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thời trang ứng dụng đưa lụa đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giấc mơ thủ phủ tơ tằm

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, thông qua chương trình bồi thường chiến tranh (Colombo plan), các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu và xác nhận vùng đất Bảo Lộc hội đủ các yếu tố cho trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Năm 1985, ngay sau khi thành lập, Liên hiệp các Xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) đã xây dựng nhà máy nhằm biến Bảo Lộc thành “thủ phủ lụa tơ tằm” của cả nước. Thời điểm ấy, phong trào di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc cùng chính sách kinh tế mới khiến diện tích trồng dâu tăng lên vùn vụt. Đến năm 1995, chỉ riêng Lâm Đồng, đã có 17.850ha dâu, chiếm 47% diện tích dâu cả nước cùng số công nhân Viseri có lúc lên hơn 25 nghìn.

Phát triển nóng bằng vốn vay ngắn hạn nhưng sản xuất không đủ chi phí khiến các công ty thua lỗ kéo dài, phải phá sản, vườn dâu bị chặt phá, công nhân bỏ nghề… Vậy nhưng giữa những năm tháng lao đao ấy vẫn có những người nặng lòng với sợi tơ, con tằm. Một số cán bộ trẻ, tâm huyết của Viseri đã vay mượn, mua lại trang thiết bị chế biến tơ lụa. Từ đống sắt tưởng bỏ đi đó, họ bắt đầu giấc mơ hồi sinh lụa tơ tằm Bảo Lộc.

Từng là nhân viên kỹ thuật, chị Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH xe tơ-dệt lụa Hà Bảo sau hơn 10 năm lay lắt với nghề, năm 2008 đã vay mượn mua lại dàn máy cũ của một công ty đang thua lỗ và bắt đầu làm lụa tơ tằm nguyên chất. Thời gian đầu chỉ bán được cho một số cơ sở trong nước và vài đầu mối ở Trung Quốc, Campuchia… rồi dần thêm thị trường Nhật Bản, Anh, Brazil… Chị tâm niệm: “Để đi đường dài, mình phải giữ cốt cách lụa tơ tằm truyền thống, thuần tự nhiên; đồng thời cải tiến kỹ thuật, công nghệ. Từng có những đơn đặt hàng làm lụa pha tơ tằm và sợi tổng hợp nhưng tôi không bao giờ nhận”.

Từng là nhân viên văn phòng một công ty dệt lụa thua lỗ, xót xa nhìn cỗ máy ươm tơ hàng tỷ đồng phơi nắng, phơi mưa, anh Huỳnh Tấn Phước đã tìm cách mua lại rồi sửa chữa và thành lập Công ty TNHH tơ tằm Nhật Minh. Nhiều năm mày mò phục hồi cỗ máy, vừa tìm kiếm khách hàng. Cùng với anh Phước, chị Hoa, câu chuyện khởi nghiệp còn có ở nhiều nhà xưởng khác. Có thể kể đến anh Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk; anh Trịnh Thế Minh, Giám đốc Công ty TNHH tằm tơ Minh Tuyết; Chị Hồ Thị Dáng, Giám đốc Công ty TNHH tơ tằm Minh Thành… Họ đã tạo nên chuỗi sản xuất khép kín từ ươm tơ đến dệt lụa, hoàn tất lụa tơ tằm và xuất khẩu. Theo đó, các công ty Nhật Minh, Minh Tuyết, Minh Thành… thu mua kén tằm từ bà con nông dân về ươm ra tơ sống làm nguyên liệu đầu vào cho các công ty Việt Silk, Hà Bảo… để dệt ra lụa.

“Lụa tốt đủ để xuất khẩu phải có nguyên liệu tơ sống tốt. Muốn vậy phải có kén ươm tốt. Mà như thế phải có con giống tốt và kỹ thuật nuôi tằm tốt. Để hoàn thiện chuỗi này, các công ty ươm tơ đã mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu, hướng dẫn bà con cách nuôi tằm đạt chất lượng cao, áp dụng mô hình liên kết Nông dân-Nhà máy ươm tơ-Nhà máy dệt lụa-Nhà máy hoàn tất-Nhà máy may mặc xuất khẩu”, ông Hồ Hữu Nghị, Chủ tịch Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam nhận định.

Nối đường tơ lụa ra thế giới

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, TP Bảo Lộc có thể sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ các loại, khoảng 3 triệu mét lụa và hơn 200 nghìn sản phẩm tơ lụa khác. Nhưng dù chiếm 80% sản lượng tơ lụa Việt Nam và có chứng nhận độc quyền “Tơ lụa Bảo Lộc” nhưng lụa Bảo Lộc vẫn “âm thầm lặng lẽ” bởi như cách lý giải của chị Hà Thị Hoa thì “bán vải hiển nhiên có số phận vô danh”. Nỗi trăn trở của những người tâm huyết với lụa đã tìm được sự đồng cảm từ nhà thiết kế (NTK) thời trang Minh Hạnh.

Những năm qua, tơ lụa Bảo Lộc đã cùng NTK Minh Hạnh liên tục đến với các show diễn lớn cả trong và ngoài nước. Lụa Bảo Lộc đã hai lần xuất hiện tại Tuần lễ cấp cao APEC (năm 2006 và năm 2017) trong những trang phục của nguyên thủ các quốc gia. NTK còn kết nối, vận động các doanh nghiệp xe tơ, dệt lụa thành lập Vietnam Silk House (ngôi nhà tơ lụa Việt Nam) với hệ thống cửa hàng đặt tại nhiều thành phố trong cả nước và hiện đang thu hút được nhiều nhà thiết kế trẻ tham gia sáng tạo để tơ lụa phổ biến hơn trong thời trang ứng dụng. NTK trẻ Phương Thanh chia sẻ: Cách tiếp cận của công chúng với các bộ sưu tập thời trang lụa đang thay đổi qua mỗi năm. Không chỉ khách nước ngoài rất ưa chuộng và đón nhận các sản phẩm thời trang từ lụa mà người tiêu dùng Việt Nam cũng dần thay đổi quan niệm. Vẫn là dòng thời trang xa xỉ nhưng lụa không khó mặc, khó bảo quản. Thậm chí công nghệ thay đổi đã giúp lụa Bảo Lộc có thể giặt máy, họa tiết in bền mầu, không bị phai. Phương Thanh cho biết, bên cạnh duy trì đơn hàng đều đặn từ các đối tác nước ngoài, cô sẽ đẩy mạnh việc dùng lụa làm các dòng sản phẩm quà tặng chính trị, ngoại giao, doanh nghiệp.

Tận dụng triệt để vòng đời của con tằm, Vietnam Silk House cũng đang phát triển các dòng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Cuộc gặp gỡ giữa những người làm lụa và các NTK đã khiến người tiêu dùng có cái nhìn mới về tơ lụa Bảo Lộc - vẫn sang trọng, quý phái, đậm chất cổ điển, nhưng hiện đại trong đường nét, mầu sắc, bố cục… Đó sẽ là con đường tơ tằm cho lụa Bảo Lộc vươn ra thế giới.