Về nơi nói“chuẩn nhất nước”!

Dường như một điểm chung nhất có sức sống xuyên thời gian, bao trùm và ôm ấp, hội tụ tất cả chúng ta, gạt qua mọi sự khác biệt giữa những con người sinh ra hoặc có nguồn gốc trên quê hương Việt Nam, đó là “tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi” (“Tình ca” - Phạm Duy).

Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Phục Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Phục Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

1. Thứ 6, ngày 2-12-2016, chúng tôi dự giờ đột xuất không báo trước ở lớp 8A, Trường THCS xã Phục Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Lớp có 35 em, cô Phạm Thị Thanh Bình dạy văn là chủ nhiệm. Cả lớp đang học tiết Luyện nói: Thuyết minh về một thứ đồ dùng. Bài tập đã được giao chuẩn bị sẵn ở nhà, đến giờ học, các em đứng lên thuyết trình “vo” trước lớp. Gần như cả lớp sôi nổi giơ tay, rồi các em Hùng, Mạnh, Đức, Hạnh… được cô giáo mời lên thuyết trình, cả lớp trao đổi, bổ sung.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là tất cả các em trình bày không cần giấy đọc, nhưng đều tự tin và lưu loát như nhau. Cả người nói lẫn người hỏi, đáp, không bạn nào ngọng đã đành, mà còn phát âm rất chuẩn, nhanh các từ khó nhất mà người ta thường lẫn như: r, gi, d/ tr, ch/ s, x... Đặc biệt âm “d” được các em phát âm rất lạ tai, phân biệt hẳn với “gi” và khác hẳn tất cả các vùng khác ở miền bắc…

2. Gần đây, dư luận phê phán tình trạng “nói ngọng tràn lan” với cách dùng phương ngữ lệch chuẩn cả trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Có ý kiến còn nêu “đố tìm được vùng nào không nói ngọng”. Nhưng xin thưa, nếu về xã Phục Lễ thì người ta sẽ rút lại lời “thách” này. Cụ Phạm Văn Soàng, 76 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch xã vẫn nhớ như in câu chuyện 40 năm trước: năm 1973, Phục Lễ được phong xã Anh hùng, đi đầu trong phong trào sản xuất, chiến đấu, từ đó, có rất nhiều đoàn về tham quan học tập, có tháng tới 23 đoàn khách, cả trong và ngoài nước. Năm 1976, có đoàn Ủy ban Văn hóa - Khoa học của Quốc hội, trong đó có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, sau khi nghe cán bộ xã đọc báo cáo và nghe người dân nói chuyện, ông rất ngạc nhiên phát hiện ra rằng người Phục Lễ không hề nói ngọng, kể cả khi đọc và nói. Khi trở về, nhạc sĩ đã nhiều lần đề xuất lấy tiếng Phục Lễ làm chuẩn phát âm (chính âm), rồi từ đó là chuẩn chính tả cho cả nước. Nhưng do chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể, mọi việc chìm lắng đi. Câu chuyện trở thành một “điển cố” để người dân Phục Lễ kể cho nhau nghe.

3. Nhưng sự kiện này đã không bị những nhà nghiên cứu bỏ qua. Năm 1982, GS Ngữ văn Nguyễn Kim Thản từng đề cập trong cuốn sách “Tiếng Việt trên đường phát triển” với ý kiến “Có người muốn lấy xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên làm điểm âm chuẩn” bởi tiếng nói ở đây “có đủ các âm và các thanh như chữ viết đã phản ánh”. Năm 2007, TS Võ Xuân Hào trong cuốn “Dạy học chính tả cho học sinh tiểu học theo vùng phương ngữ” có nêu lại ý kiến này. Nhưng phải đến năm 2014, nhà nghiên cứu - giảng viên Tạ Thành Tấn (Khoa Ngữ văn - Trường đại học Sư phạm Hà Nội) công bố một loạt các bài viết trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và luận văn thạc sĩ: “Hệ thống ngữ âm thổ ngữ Phục Lễ, Thủy Nguyên - Hải Phòng” dựa trên cứ liệu phân tích bằng các phần mềm máy tính hiện đại, thì mọi việc được xác định sáng tỏ. Nghiên cứu của Tạ Thành Tấn khẳng định: Thổ ngữ Phục Lễ có hệ thống phụ âm đầu phong phú nhất cả nước (23 phụ âm); sự chênh lệch về âm sắc cao-trung-thấp với thổ ngữ Hà Nội không lớn với tám thanh điệu (sáu thanh chính cộng hai thanh phụ). Hệ thống vần và âm sắc tương ứng phương ngữ Bắc Bộ. Trong cách đọc phụ âm phân biệt rõ ràng các âm quặt lưỡi: tr, r, s tương ứng với các âm không quặt lưỡi ch, gi, x (phân biệt rõ hơn hẳn “tiếng Hà Nội” một nấc). Không hề lẫn lộn l/n như nhiều địa phương đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt tiếng Phục Lễ còn bảo lưu “phụ âm tắc hữu thanh thở”: “d”, được người sáng tạo quốc ngữ ký âm lại bằng con chữ “d”. Khiến cho việc phân biệt các âm biểu thị với ba chữ: r/gi/d là hoàn toàn thực tế, trùng khít với trạng thái ghi âm của chữ Quốc ngữ. Cách đọc phụ âm “d” lè lưỡi chạm răng kiểu người Phục Lễ (mà chúng tôi cảm thấy lạ tai khi nghe các em học sinh nói) theo thạc sĩ Tấn, chỉ còn tồn tại ở một số vùng ở Quảng Bình (khu IV cũ), và tiếng Tày ở Cao Bằng, là sự bảo lưu âm tiếng Việt từ trước thế kỷ 17. Điều này đã được giáo sĩ Alexandre de Rhodes miêu tả và ghi lại trong cuốn từ điển Việt-Bồ-La năm 1651.

Và tác giả kết luận: “Hệ thống ngữ âm thổ ngữ Phục Lễ tương ứng hoàn toàn với sự thể hiện của chữ Quốc ngữ của tiếng Việt hiện nay (chính âm trùng khít với chính tả); giữ vững được nét khu biệt âm vị học; bảo tồn được cả dấu vết cổ của tiếng Việt lịch sử. So sánh với thổ ngữ Hà Nội và phương ngữ Bắc Bộ nói chung, thổ ngữ Phục Lễ có một sự đa dạng, phong phú hơn cả”.