Giữa rộng dài sóng nước Tam Giang

Tên ông được đặt cho ngôi trường tại địa phương. Ông mất, dân rước linh vị về lập miếu thờ. Người cộng sản ấy hết lòng vì dân, giúp dân thay đổi cuộc đời, được dân coi như vị phúc thần. Ông ra đi từ hơn hai mươi năm trước nhưng ngọn lửa tinh thần vẫn tỏa sáng giữa rộng dài sóng nước Tam Giang…

Cuộc sống của người dân vùng phá Tam Giang đang đổi thay từng ngày.
Cuộc sống của người dân vùng phá Tam Giang đang đổi thay từng ngày.

1. Về miền trung, không ít lần tôi được nghe nhắc tên ông. Người dân thôn 14 và cả xã Quảng Công (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đều nói, cuộc sống của họ được như bây giờ là nhờ ơn ông. Ông là Phan Thế Phương, một người cộng sản.

Ngày xưa muốn qua phá Tam Giang để về xã Quảng Công phải đợi đò lâu lắm. Đêm tối hết đò thì phải quay về... Nay chỉ vài phút xe đã qua cầu Ca Cút. Phía bên tê, làng mạc trù phú. Tấm biển mang tên Trường THCS Phan Thế Phương khiến chúng tôi dừng lại. Thầy Nguyễn Phước cùng các cháu học sinh tiếp chúng tôi với câu chuyện đầy tự hào về “bác Phương”, “ông Phương”. Công lao của ông đã được thầy trò dưới mái trường này ghi khắc từ lâu. Thầy Phước nói, những câu chuyện về ông đã được giáo viên thuộc làu rồi kể lại cho học sinh qua những buổi chào cờ, những lần sinh hoạt tập thể. Những học sinh nghèo vượt khó, những học sinh xuất sắc được vinh dự nhận học bổng Phan Thế Phương…

Phải qua những lối đi nhỏ, qua cây cầu khỉ với những hồ nuôi trồng thủy sản mới đến ngôi miếu mà người dân lập để thờ ông. Gương mặt người cộng sản Phan Thế Phương nghiêm nghị và nhân hậu. Linh hồn ông hòa vào sóng nước, đồng cảm với dân mỗi đêm mưa, ngày nắng nơi này. Mỗi sáng, mỗi chiều người dân xuống phá mưu sinh, họ lại qua đây thắp vọng ông một nén nhang hay chỉ là cúi đầu tưởng niệm.

Giữa rộng dài sóng nước Tam Giang ảnh 1

Ngôi trường mang tên ông Phan Thế Phương ở xã Quảng Công. Nguồn: Báo Thanh Niên

2. Những động cát triền miên suốt chiều dài những xóm làng như những lũy thành phân ngoài biển, trong phá. Những động cát nghìn đời vây hãm che chắn tầm nhìn, tạo cho người dân vùng nhiều bão tố này trạng thái tâm lý trú ẩn. Mênh mông nước hai phía, ở giữa không gian ấy là hiu hắt những ánh đèn dầu le lói trên những vạn đò đêm trường. Họ sống bám vào mặt nước với tư duy lệ thuộc, nặng trĩu những phận đời di thủy không biết rồi đi đến bến bờ mô…

Sau trận bão lịch sử năm 1985, người dân vạn đò vùng đầm phá lên bờ định cư. Ông Phạm Kính, một đảng viên ở thôn 14, nhớ lại: “Dân vốn sống trên đò, làm nghề theo đuôi con cá, nói lên bờ định cư ít người chấp nhận. Năm 1986, do chưa thích nghi điều kiện sống, nhiều hộ lại bỏ bờ xuống đò. Cuộc sống lại bấp bênh…”. Thời điểm đó, Phan Thế Phương là Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên. Sau khi khảo sát kỹ, ông nghĩ, cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách sống, cách làm cho dân.

Từ đó, cứ mỗi ngày cuối tuần, ông Phương cùng các cán bộ Sở mang theo áo quần, gạo muối về ở trong nhà dân. Ông đắp đập, be bờ, chọn con giống, hướng dẫn quy trình nuôi tôm cho dân. Sau một năm cùng ăn ở với dân, 2 ha tôm thử nghiệm đầu tiên ở thôn 14 đã thành công. Với sự hỗ trợ của ông và đội ngũ kỹ sư thủy sản, người dân trong thôn, trong vùng chia sẻ kinh nghiệm, đưa nghề nuôi tôm trở thành nghề chính.

Ông Phạm Dũng, một người giàu lên từ nghề tôm, nói: “Gia đình tôi bắt tay vào nuôi tôm, nuôi cá từ năm 1989, nay ổn định 2,5 ha, cho lãi ròng hằng năm hơn 200 triệu đồng. Nhớ lại, ngày mới bắt tay đào hồ nuôi tôm, thấy tôm chết trắng, tôi hoảng lắm, có lúc đã lại muốn xuống đò sống cuộc đời nổi trôi. Nhưng khi được bác Phương và các kỹ sư hướng dẫn, tôi mới an lòng” . Giọng ông Dũng bùi ngùi: “Có được ngày hôm nay là nhờ bác Phương”…

Thôn 14 của xã Quảng Công này, từ con số không, nay đã có 250 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng xuất hằng năm cao nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế với hơn 300 tấn. Số nhà giàu từ con tôm, con cá rất đông khi nhiều hộ lãi ròng 250-300 triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống đổi thay, con cháu đi ra mở mày mở mặt, xóa tan những ám ảnh của chuỗi ngày u ám với những con đò cô độc neo mình lênh đênh trên đầm phá mênh mông. Ngư dân Phạm Việt, nhớ lại: “Thời đó không những dân làng tui mà cả tỉnh, cả miền trung ni có ai nghĩ đến chuyện nuôi con tôm mô. Nhưng bác Phương thuyết phục, tụi tui nghe theo”. Ông nói tiếp: “Từ Huế về thôn 14 hồi đó đâu có gần, chưa có cầu đường chi cả. Muốn về đây, bác phải ra bến chợ Đông Ba, đi đò chợ mấy tiếng rồi đi bộ cả giờ đồng hồ mới tới. Rứa mà tuần mô bác cũng về”.

Ông Dũng tiếp lời ông Việt: “Bác còn vô miền nam kiếm con giống về cho chúng tôi. Lúc đầu chưa thành công, bác động viên, cùng tụi tui tìm nguyên nhân, rồi làm lại. Năm 1988, ngày vụ tôm đầu tiên thành công, bác Phương ôm chầm lấy từng người rồi khóc nức, khóc nở…”.

3. Từ thành công ban đầu, ông Phan Thế Phương tổ chức “hội nghị đầu bờ” ở xã Quảng Công với sự tham gia của 150 đại biểu. Sau Hội nghị, ông nhân mô hình Quảng Công ra toàn tỉnh. Phong trào nuôi tôm phát triển khắp Thừa Thiên - Huế và đến giờ toàn tỉnh đã có hơn 4.000 ha. Nhiều năm liền, nghề nuôi tôm góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp hàng nghìn gia đình các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc… trở thành triệu phú, tỷ phú.

Năm 1991, trong một lần đi công tác, Phan Thế Phương bất ngờ bị tai nạn và mất trên địa bàn Bình Thuận. Ngư dân Phạm Hóa, nhớ lại: “Tin bác Phương mất về tới Quảng Công như sét đánh ngang tai. Ngày đó, tui dẫn đầu đoàn thôn 14 lên Huế viếng. Đám tang bác, người đi đưa tang đông đời tui chưa từng thấy…”. Hàng vạn người dân chài vùng đầm phá Tam Giang đã lặn lội lên thành phố Huế tiễn ông. Họ rước linh vị của ông về lập miếu thờ, tôn ông là thành hoàng. Từ đó, miếu ông Phương trở thành một địa chỉ hành hương của ngư dân đầm phá…

***

Trước di ảnh ông, tôi nhẩm lại vài câu trong bài thơ “Mồ anh hoa nở” của nhà thơ Thanh Hải: “Trên mồ người cộng sản. Hoa hồng đỏ và đỏ. Như máu nở thành hoa…”. Sống vì dân, chết dân kính, dân thương, dân chôn cất, dân lập miếu thờ. Bài thơ ấy nhà thơ xứ Huế viết dâng hương hồn người chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đọc trước hương hồn người cộng sản Phan Thế Phương chiều nay sao hợp cảnh, hợp tình đến thế!

Ông Phan Thế Phương sinh năm 1934, quê xã Phú Dương (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên sau đó là Thừa Thiên - Huế (từ năm 1983-1991). Ông tham gia cách mạng năm 1945, là đội viên đội tự vệ vũ trang bí mật nội thành Huế. Năm 1950, ông vào Đảng khi mới 16 tuổi. Phan Thế Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 16-9-2003.