Những kỷ niệm về người cha đỡ đầu

Sinh ra vào đúng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Pháp năm 1946, đến nay qua 70 năm, bà Elisabeth Helfer Aubrac luôn nhớ người cha đỡ đầu vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, ân cần và nhân ái. Tình bạn đặc biệt giữa phụ thân bà, ông Raymond Aubrac và Bác Hồ đã truyền tới bà những tình cảm gắn bó với nhân dân cũng như đất nước Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái nuôi Elisabeth. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái nuôi Elisabeth. Ảnh tư liệu

Dù rất bận, Elisabeth Helfer Aubrac vẫn nhận lời tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở trung tâm Thủ đô Paris, cũng là để “khoe” những “báu vật” liên quan Bác Hồ. Bà là con gái của nhà cách mạng người Pháp Raymond Aubrac, người có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập hòa bình ở Việt Nam.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt bà khi đón chúng tôi vào căn hộ được sắp xếp, trang trí bằng những đồ vật rất đặc trưng của Việt Nam. Rồi bà chỉ vào những kỷ vật mà cha đỡ đầu tặng bà, gồm quả cầu, con trâu bằng ngà. Cạnh đấy là những cuốn album ảnh tràn ngập những hình ảnh của Bác Hồ với ông Raymond Aubrac, rồi tới bức bà được Bác Hồ bế lúc mới chào đời.

Những khoảnh khắc năm xưa lại ùa về, bà kể: “Lúc Bác Hồ ở Pháp, tôi còn quá nhỏ để nhớ những giây phút được gần gũi với vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam. Không thể nhớ phút giây may mắn được Người bế trên tay nhưng bố tôi kể lại khi tôi được sinh ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhà hộ sinh Port-Royal thăm, tặng hoa mẹ tôi và nhận làm cha đỡ đầu của tôi. Thật vinh dự khi gia đình chúng tôi được đón Người tới thăm, rồi ở lại từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9, khoảng thời gian đáng nhớ nhất với gia đình Aubrac. Bố tôi vẫn thường nói rằng cuộc gặp gỡ năm 1946 tại buổi chiêu đãi ở Paris là cơ duyên, là bước ngoặt trong cuộc đời ông để gắn bó với đất nước Việt Nam như ông đã nhắc đến trong cuốn sách “Những gì để nhớ”.

Những kỷ niệm về người cha đỡ đầu ảnh 1

Bà Elisabeth vẫn lưu giữ những kỷ vật Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.

Qua những câu chuyện do cha bà kể lại, rồi theo dõi những giai đoạn đấu tranh chính nghĩa vô cùng gian khó của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà cho rằng không phải ngẫu nhiên người dân Việt Nam cũng như những ai có dịp được ở bên Người đều dành những tình cảm kính yêu nhất. Vì Người là hiện thân của tinh thần yêu nước, nhân ái, có tầm vóc vĩ đại, tinh tế nhưng rất giản dị. Nâng món quà của Bác ra khỏi hộp, bà nói với giọng vô cùng hãnh diện: “Ngay một món quà nhỏ này mà Bác tặng tôi nhân dịp sinh nhật - một quả cầu, dù nhỏ nhưng tượng trưng cho trí tuệ, sự thành công, may mắn, cho tương lai tươi sáng trọn vẹn”.

Sinh thời, dù bận việc nước, Bác Hồ luôn quan tâm, gửi thư, ảnh có ký tên và cả quà cho con gái đỡ đầu Babette, tên thân mật mà Người vẫn gọi Elisabeth Helfer Aubrac. Babette cũng thường xuyên vẽ tranh, viết thư gửi người cha đỡ đầu ở đất nước Việt Nam xa xôi.

Trong lúc chúng tôi xem đi xem lại những bức ảnh và món quà của Bác, bà Elisabeth lấy từ trong tủ một gói được bọc rất cẩn thận, trải ra bàn rồi xúc động nói: “Đây là món quà vô cùng đặc biệt mà Bác Hồ gửi tặng tôi trong lần gặp cuối cùng giữa Người và bố tôi năm 1967. Một tấm lụa Vạn Phúc - Hà Đông để con gái đỡ đầu ở nước Pháp may áo cưới khi lập gia đình, nhưng tôi không sử dụng. Suốt mấy chục năm qua, tấm lụa còn nguyên vẹn, là kỷ vật thiêng liêng mà tôi luôn trân trọng và luôn nhớ về Người. Cũng từ những kỷ vật này, tôi cảm thấy có sợi dây liên lạc gần gũi với nhân dân và đất nước của người cha đỡ đầu kính yêu. Mỗi lần xem lại, tôi lại nhớ đến Bác Hồ”.

Bà được đi cùng ông Aubrac đến Việt Nam một vài lần và rất tự hào vì cha mình đã có nhiều đóng góp tích cực, luôn sát cánh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, cũng như vun đắp tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp. Giữa ông Aubrac và Chủ tịch Hồ Chí Minh có một mối gắn bó vô cùng bền chặt, dù cách xa nhưng vẫn luôn có sự quan tâm chân tình.

Tiếp nối mối quan hệ đặc biệt đó, bà Elisabeth cùng chồng hằng năm sang Việt Nam giảng dạy về đào tạo về quản lý tại Trung tâm Pháp - Việt. Mỗi lần trở lại Việt Nam, bà lại thấy vui cùng những đổi thay không ngừng trên đất nước này như Bác Hồ vẫn hằng mong muốn. Với bà, những lần tới Việt Nam luôn mang lại cảm xúc bồi hồi, bởi trên đất nước Việt Nam luôn có hình bóng cũng như những di sản của Người về tinh thần độc lập, niềm tin tất thắng và hy vọng của tương lai tươi sáng.