Đàn gà ăn Tết

Đàn gà này phải “chắt chiu” từ những “tháng ba ngày tám”. Ấy là lúc mới Tết xong, cái mồm quen ăn ngon với những bánh chưng, giò, chả trệu trạo trở lại nhịp sống bình thường chỉ có canh nấu tóp mỡ và cơm trắng. Những quả trứng đẹp nhất, “có sống”, tức là được bà soi rất kỹ theo kinh nghiệm riêng mà chỉ bà mới biết, kết luận là có trống, được mang ra để con gà mái duy nhất “có thâm niên” ấp và gây đàn. Thương cháu, nhiều lúc bị chúng vật nài, muốn gật đầu quách cho rồi nhưng ăn thì hết, trong khi gây đàn thì còn được bao nhiêu con gà nay mai. Lúc ấy các cháu nào biết bà dằn vặt thế nào. Chỉ biết, trời cuối

Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Ai biết, lúc ấy bà ngồi canh con gà ấp, những nếp nhăn cũng xô hết cả lại trên gương mặt nhẫn nhịn.

Rồi chỉ chừng hai chục ngày sau, một đàn gà con lông vàng như nắm bông con con ùa cả ra sân trong cái nắng hiếm hoi trên đôi chân bé như hai que tăm. Bà chăm lắm. Vì trời nồm, đất ẩm, có khi mưa sì sũng cả tháng trời, lá cây hoai mục, lên mốc, gà ốm chết như chơi. Gần trăm con nở, choai choai nhông nhổng chỉ còn lại mấy chục con. Các cháu cả ngày chỉ quanh quẩn bên gà. Sáng ào ra chăm gà, tối còn lo đếm gà về hết chuồng chưa. Một con đi lạc là cả lũ nháo nhác, nhập nhoạng chạy sang khắp bốn bề hàng xóm hỏi han xem có thấy gà của mình không, chui ra bờ sông, vạch hết bờ rào, bờ dậu để tìm gà. “Đón” được gà về rồi, ôm khư khư nó vào người, nhẹ nhàng thả nó vào chuồng, “chúc gà ngủ ngon” như… trong phim.

Chị còn nghĩ ra “chuông chống trộm” bằng cách buộc vỏ lon sữa bò vào những cành tre dấp cửa chuồng gà. Không những oang oang kể với nhau, các cháu còn tranh xem ai xông ra trước, ai cầm dây, ai cầm thúng bắt trộm. Cơ mà cũng chỉ ồn ào được dăm mười phút, cả lũ lăn ra ngáy khò khò. Lúc đó chỉ có bà thao thức, nghe từng tiếng gió ngoài hiên, từng tiếng chó sủa xa gần đến cả tiếng những chú trống choai tập gáy cứ è e trong cổ chả theo giờ giấc nào.

Đến cuối năm bà càng chăm gà hơn. Trứng lúc này gà đẻ ít, các cháu cũng không được ăn nhiều nữa vì bà phải bán để mua gạo. Tháng củ mật, bà hầu như thức suốt đêm, nhỡ trộm vào khoắng đi một mẻ thì coi như mất Tết. Cứ một tiếng chó sủa từ xa là bà đã dậy ra chuồng gà nghe ngóng. Gió mùa đông bắc ràn rạt ngoài kia, mấy lon sữa bò cứ lăn qua lăn lại như có người kéo cành rong tre làm bà thấp thỏm. Nhiều khi, thấy trời không thuận lợi, bà phải bán gà trước cho mấy hàng buôn. Chẳng được giá nhưng cầm chắc món tiền trong tay. Ai dè gà càng lên giá vù vù, bà cứ ngồi tiếc, kể rốn thêm vài bữa nữa thì có thêm đồng ra đồng vào. Nhưng các cháu mỗi đứa cũng được tấm áo manh quần, coi như Tết ấm rồi.

Buồn nhất là những năm khắc nghiệt, còn độ tháng nữa Tết mà sương giáng, gà bệnh hàng loạt. Trưa nào đi học về cũng có nồi thịt gà rang gừng thơm lừng, nồi cơm vét sạch cả cháy, các cháu bụng no phỡn, mồm nhờn mỡ, biết đâu lúc ấy bà đang nhẩm tính… Tiếng con gà trống duy nhất còn lại làm giống vươn cổ gáy sang canh cũng làm bà giật mình. Đêm, bà chỉ mơ về một đàn gà mới khi ra giêng, mơ một năm mới mưa thuận gió hòa.