Đưa võ Nhất Nam về cội nguồn

Một phái võ ra đời trên dải đất Thanh - Nghệ cách đây vài trăm năm có cái tên rất lạ: Võ hét. Một môn phái đã góp sức trong việc bảo vệ đất nước trước giặc phương Bắc. Thế nhưng, “võ hét” lại suýt bị thất truyền ở chính nơi mà nó ra đời…

Một thế võ của phái Nhất Nam.
Một thế võ của phái Nhất Nam.

Sinh viên ngành y bén duyên võ thuật!

Tương truyền, dưới thời Hậu Lê, “võ hét” được vị thủy sư đô đốc Lê Trung Giang tại xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) sáng tạo. Trên đất cổ châu Hoan, châu Ái (nay là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) “võ hét” tồn tại dưới các dạng gia phái hoặc trong cộng đồng làng xã. Đời nối đời, dòng võ này trở thành môn phái võ thuật thuần Việt: Nhất Nam!

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, “võ hét” có vai trò rất lớn trong việc rèn luyện binh sĩ. Thế nhưng, thăng trầm lịch sử đã khiến phái võ này mất đi các truyền nhân, số lượng môn đồ suy giảm và dần bị thất lạc, phai mờ trong tâm trí nhiều người dân xứ Thanh.

Một lần tình cờ, anh Trần Văn Dũng, Chủ tịch Chi hội Di sản võ Nhất Nam tỉnh Thanh Hóa được chứng kiến và bị cuốn hút bởi những thế võ uyển chuyển đầy khí chất. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nhưng chưa một lần được nghe đến. Năm 2009, khi theo học ngành y ở Hải Dương, tôi mới biết đến võ Nhất Nam. Ban đầu, tôi luyện võ để nâng cao sức khỏe nhưng sau này gặp võ sư Ngô Mạnh Hùng, thầy đã tận tình truyền dạy và giảng giải, tôi mới biết võ Nhất Nam có cội nguồn từ quê hương mình”.

Những bài quyền, cước cứ thế in sâu trong tâm trí anh. Đôi mắt anh ánh lên tự hào: “Ngoài quyền cước, võ sinh phải biết sử dụng thành thạo 17 loại vũ khí nữa. Quyền của Nhất Nam có 32 bài cơ bản và 42 bài bổ trợ được nghiền ngẫm, mô phỏng theo muôn vật trong trời đất để rút ra cái hay, cái đẹp, cái cứng, cái dẻo, cái biến hóa của vũ trụ. Bên cạnh những bài quyền chiến đấu đối kháng có tính thực chiến cao, còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh và những bài quyền nhập định nhằm tu dưỡng nhân cách”. Càng hiểu, anh càng say đắm hơn và thấy phải có trách nhiệm đưa võ Nhất Nam về quê hương.

Lan tỏa tinh thần thượng võ

Cuối năm 2012, anh chiêu sinh và thành lập CLB võ Nhất Nam Thanh Hóa. “Những ngày đầu, nhiều người e dè vì ít hoặc chưa từng nghe. Anh và những thành viên đầu tiên của CLB đã cố gắng vận động các em trong xóm, làng đến học thử, thuyết phục phụ huynh thay đổi cách nhìn về võ thuật cũng như mục đích của CLB. Tại các trường cao đẳng, đại học, anh đưa các thông báo chiêu sinh, liên lạc với đoàn trường để phổ biến về giá trị của võ Nhất Nam. Anh lại cùng học trò thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội để mọi người biết.

Bốn năm, anh thành lập được 10 CLB với hàng nghìn người theo học. Trong đó, có một trường tiểu học đưa võ Nhất Nam vào giảng dạy trong các tiết học thể dục cho hơn 400 học sinh. CLB trở thành một ngôi nhà chung đoàn kết, yêu thương, quan tâm đến cộng đồng và xã hội bằng các chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, trao quà, học bổng cho học sinh nghèo vùng cao Thanh Hóa, trẻ em nghèo, mồ côi… Em Phạm Văn Hùng ở làng trẻ SOS tâm sự: “Em và các bạn rất vui và hào hứng khi được học võ Nhất Nam, được thầy Dũng chỉ bảo rất ân cần từng động tác võ thuật. Chúng em còn được học cách sống, tham gia các hoạt động xã hội. Điều đó đã giúp chúng em hòa đồng hơn, quên đi mặc cảm về bản thân”.

Còn anh Dũng thì càng vui hơn khi một số học trò sau khi được truyền dạy cũng về quê mở các CLB nhỏ để truyền dạy võ Nhất Nam. Như em Phan Văn Mạnh mở CLB tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) thu hút hàng trăm học sinh theo học. Mặc dù, từ nhà đến nơi dạy võ rất xa nhưng hằng ngày Mạnh vẫn tự mình chèo đò, ngược sông truyền dạy võ thuật cho các em nhỏ. “Thật sự, phải cảm ơn các học trò rất nhiều, nhờ có các em, việc hồi sinh võ Nhất Nam trên quê hương đã trở thành hiện thực”, anh Dũng nói.