Chuyên trang “Nét làng trong phố”

Làng phố Phố làng

Tinh hoa văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc đằm lại trong nét làng, chất làng, phong vị làng quê… và cả con người nông thôn. Những vẻ đẹp ấy lại biến chuyển, hòa nhập vào nhịp đập sôi nổi của phố xá. Từ đó mà góp vào, dựng nên vẻ đẹp nhân văn, nghĩa tình, gắn kết của không gian và con người nơi đô thị.

Tò he - món đồ chơi dân gian độc đáo thu hút trẻ đô thị.
Tò he - món đồ chơi dân gian độc đáo thu hút trẻ đô thị.

Trên thành phố Bắc Ninh có con phố mới phường Kinh Bắc, năm nào cả phố cũng liên hoan tất niên. Có những năm giáp Tết, vui từ trưa đến… tối. Đấy là chỗ anh bạn tôi, thiếu tá - nhà thơ trẻ Nguyễn Minh Cường công tác tại Trường sĩ quan Chính trị Bắc Ninh. Anh hào hứng được tham gia khởi xướng và “dự phần” vào đó.

Làng phố Phố làng ảnh 1

Cường quê Thái Nguyên, lấy vợ người Quế Võ. Cả con phố của vợ chồng trẻ hầu hết là công dân mới các nơi về. Làm công chức hay kinh doanh, từ xa xôi mà nên gần gũi, đi làm về chạy qua chạy lại, chứ không có cái cảnh cửa đóng im ỉm nhà nào biết nhà đấy. Gọi là tình phố trẻ trung cũng được, là nghĩa quê hương nhóm lên từ gốc làng mạc cũng đúng. Bắc Ninh phố xá thực cũng là từ những làng góp nên. Cũng như Hà Đông tôi ở đây, trước khi thành quận gần chục năm nay, đã là thị xã mấy chục năm rồi, thì cũng vài đoạn chạy xe là đã gặp một ngôi đình - đình trong phố, gặp tán si rợp ngả mái chùa xưa bên vành giếng rộng.

Quay lại Bắc Ninh thì rất nhiều phố vốn chính là làng. Vào phố mới phường Võ Cường, đến nhà bà Tạ Thị Hình, nghệ nhân, NSƯT, chỗ ấy trước là làng quan họ gốc Bồ Sơn. Bà Hình yêu mãi cái nghề chơi quan họ từ hồi bà là gái làng, nên bao năm qua khoác túi vải đi dạy hát miễn phí cho lớp lớp trung niên, thanh niên phường, phố. Sang anh hai Xuân Trường ở phường Ninh Xá, nhà anh hai có một cửa mở thẳng ra chợ, trước kia đây là làng Đọ Xá, nay là khu phố Đọ Xá, tấp nập hơn rất nhiều. Ông Trường nổi tiếng anh hai Đọ Xá hát hay. Có hôm hội Đọ Xá mồng bảy tháng Giêng, tôi vào đình tìm vì ông tham gia việc các cụ. Vừa gặp ông hỏi mày ăn cháo không, rồi ra sau múc cháo, hai chú cháu ngồi trong đình ăn, thế mới thích chứ! Chỉ ít ngày trước thôi, tôi cũng đi đâu qua đây, buổi tối, một mình ông Trường hướng dẫn mấy chục bà phụ nữ chuẩn bị thi thổi cơm. Mà thi cái kiểu một bà gánh niêu, hai bà cầm lửa chạy theo để đun mới khó chứ! Ông liền anh đầu sáu, tóc bạc dở, dáng cao, miệng cứ “sa sả sa sả”, tay đưa hơi… deo dẻo, người đi hơi… uôn uốn làm mẫu, các bà cười khúc khích mà nghe răm rắp!

Làng phố Phố làng ảnh 2

Một thoáng quê trong phố.

Nhiều làng quan họ gốc khác cũng thế, đã “lặn” vào phố theo những lần phân lại địa giới hành chính, làm cầu vượt, đường to, lập phường mới. Người làng thành dân phố, tuy có mở liên tiếp hàng quán nơi cửa nhà hay sạp ngoài chợ, ruộng không cấy nữa, nhưng nếp sinh hoạt chung làng xã, có khi cả lề thói nữa, vẫn tự nhiên lựa chọn lấy mà giữ. Cũng như nhiều địa phương khác, làng đang phố hóa, làng giao thoa chất phố, có đan cài thì có chọn lọc và chuyển hóa để vẫn tồn tại những sự nâng niu trong ăn ở, kín kẽ trong lời chào câu nói và ý thức tham gia hoạt động chung của mọi người. Rất mừng nếu gặp khu phố, khu tập thể, địa bàn nào đó đang “nâng điểm” cho mình bằng giờ giấc quy củ, hè đường sạch sẽ, diện mạo nhà cửa khang trang, văn minh, nhưng vẫn vun vào nền tảng văn hóa chung bằng nghĩa tình và truyền thống sinh hoạt tín ngưỡng, văn nghệ vốn của đất ấy hay của những người đến làm giàu cho đất ấy.

Tôi nghĩ đến thầy Đoàn Thịnh, một nhà giáo nhiều năm công tác trong ngành giáo dục Thủ đô. Nhà ông phố Lò Đúc, một ngôi nhà Tây cũ. Nhiều năm sinh sống, công tác như thế, con trai ông là kiến trúc sư Đoàn Bắc, nổi tiếng say mê sưu tầm, phục chế ảnh Hà Nội cũ, tin rằng ông Thịnh “ngấm” phố hơn hết thảy. Có lẽ thế! Nhưng với khu sinh phần rất đẹp của cụ Tuần phủ Đoàn Triển ở quê hương làng Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội thì “ông cháu” mấy đời Đoàn Thịnh cũng không khi nào thôi tâm niệm. Bây giờ, nhà giáo lão thành như lấy quê làm việc chính của tuổi hưu. Hôm ông báo tin hội làng, mời tôi về chơi. Bám theo đoàn rước sặc sỡ từ đoạn cuối các bà, các cô đội lễ qua các nhóm ban, ngành, tôi thấy ông mặc áo thụng xanh đứng trong hàng các cụ. Tay nâng cây cờ ngũ sắc, ông nghiêm cẩn và thong thả từng bước theo nhịp trống. Khuôn mặt thầy giáo già như đang mở ra sáng sủa hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ, trong lòng ông đang thỏa lắm!

Làng phố Phố làng ảnh 3

Học làm đèn ông sao.