Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tết kháng chiến đầu tiên 1947

Sau ngày tuyên bố độc lập 2-9-1945, tình hình chính trị Việt Nam rất căng thẳng. Thực dân Pháp liên tiếp có các hành động khiêu khích gây hấn quân sự nhằm vào quân và dân ta. Đỉnh điểm là liên tiếp trong hai ngày 18, 19-12-1946, tướng Pháp Molière chuyển cho Chính phủ Hồ Chí Minh ba bức tối hậu thư yêu cầu tước vũ khí của tự vệ Hà Nội và trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong thành phố.

Những năm tháng Bác ở Chiến khu Việt Bắc. Tranh: VĂN THƠ
Những năm tháng Bác ở Chiến khu Việt Bắc. Tranh: VĂN THƠ

Sự nhẫn nhịn đã vượt quá giới hạn, những cố gắng và khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam không tìm được tiếng nói chung. 20 giờ ngày 19-12-1946, tiếng súng quyết tử của Vệ quốc quân nổ ran khắp Hà Nội. Tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây trước đây), thông qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Cuộc chiến tranh Pháp - Việt sau nhiều ngày âm ỉ đã bùng nổ và nhanh chóng lan rộng. Trong những ngày cuối năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Quốc hội chuẩn bị kế hoạch di chuyển lên chiến khu Việt Bắc thực hiện chiến lược kháng chiến trường kỳ. Và cái Tết năm 1947 cũng là cái Tết kháng chiến đầu tiên của dân tộc ta.

Chiều 29 tháng Chạp, giữa lúc chiến sự đang căng thẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn việc chuẩn bị Tết cho Vệ quốc quân Liên khu I. Khi đó, Trung đoàn Thủ đô vẫn còn đến 1.200 chiến sĩ ở lại Hà Nội thực hiện kế hoạch cầm chân địch để Trung ương rút lên chiến khu. Vì vậy, Người căn dặn các đồng chí trong Bộ Quốc phòng cần phải nắm chắc tình hình và có kế hoạch cụ thể đưa các chiến sĩ ra khỏi Liên khu I để bảo toàn lực lượng. Sáng 30 Tết, Bác vẫn tranh thủ thời gian ngồi đọc tài liệu. Tối 30 Tết năm đó trời mưa phùn gió bấc rất lạnh, nhưng Người vẫn đi họp phiên tất niên của Hội đồng Chính phủ ở Quốc Oai. Tại cuộc họp này, ngoài các thành viên trong Chính phủ còn có hai vị đại diện cho Ban Thường trực Quốc hội là cụ Bùi Bằng Đoàn và linh mục Phạm Bá Trực.

Sau khi gửi những lời chúc mừng năm mới đến các vị tham dự cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo vắn tắt tình hình chiến trường và đánh giá cao những thành tích mà nhân dân ta đã giành được trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh đến những nhiệm vụ quan trọng cần làm gấp như tổ chức di cư, tản cư, động viên nhân dân và đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Giao thừa, Người rời Quốc Oai đến Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm, đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió.

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Xuân Đinh Hợi 1947 cũng là mùa xuân đầu tiên đồng bào và chiến sĩ cả nước được nghe giọng nói ấm áp của Người đọc thơ chúc Tết trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi đọc thơ chúc Tết, Người còn trò chuyện với cán bộ, nhân viên của đài và chúc Tết sư thầy trụ trì. Đến gần sáng, Người mới về tới nhà.

Sáng mồng một Tết, Người vẫn dậy sớm như thường lệ và phân công từng người trong cơ quan đi chúc Tết các nhà lân cận. Người trịnh trọng viết mấy chữ Hán “Cung hỷ tân xuân” trên tờ giấy điều, kèm theo một quả cam, một quả quýt gửi sang chúc Tết và mừng tuổi gia đình cụ chủ nhà. Tối mồng một, Người tiếp các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh đến chúc Tết. Sau đó, Người cùng các vị họp ngay bên bếp lửa cho đến 1 giờ sáng hôm sau (“Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” - NXB Chính trị Quốc gia).

Mồng ba Tết, Người gửi “Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ”. Trong thư, Người biểu dương tinh thần hy sinh chiến đấu trong hơn một năm qua của đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ vì thống nhất và độc lập của Tổ quốc.

Xuân Đinh Hợi 1947, Bác của chúng ta đã “ăn Tết” như thế đó.

Đã 70 năm qua đi kể từ cái Tết kháng chiến đầu tiên của dân tộc. Vượt qua những đau thương mất mát, dân tộc Việt Nam đang nỗ lực vươn lên trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bằng khát vọng hòa bình, bằng ý chí nỗ lực và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, Việt Nam đang vững bước trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó chính là con đường đi tươi sáng cho dân tộc theo đúng tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.