Tình quê ấm phố

Đô thị phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ trong mình những giá trị truyền thống từ làng xã đã tồn tại cả nghìn năm nay. Và trong những công dân đô thị, những quan niệm truyền thống vẫn còn hiện hữu.

Nhiều gia đình trong thành thị đã trở lại với thói quen tự làm bánh chưng đón Tết.
Nhiều gia đình trong thành thị đã trở lại với thói quen tự làm bánh chưng đón Tết.

1. Làng Việt Nam phát triển qua cả nghìn năm với một trong những nét nổi bật là sự quy tụ của cộng đồng, nơi mà lợi ích, nghĩa vụ và lối sống của một người thường được gắn với xóm giềng, làng xã. Nhịp đô thị hóa “cấp tập” của hàng trăm tòa nhà cao tầng mọc lên, những đường nhựa trải dài, phố xá tấp nập, nhưng nhiều nơi vẫn ẩn chứa “đường nét” làng xã. Những con người, những gia đình và cụm dân cư, khu phố… vẫn gắn kết với nhau bằng tình cảm cộng đồng, vẫn tìm đến nhau để chia sẻ vui buồn.

Và với mỗi gia đình thì đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn ti trật tự vẫn được củng cố, ý thức sum họp vào dịp lễ, Tết… vẫn được nuôi giữ. Đôi khi người ta có thể không để ý do cuộc sống nơi phồn hoa nhộn nhịp, nhưng đó chính là những biểu hiện của cuộc sống làng xã nghìn đời nay, ăn sâu vào con người Việt Nam mà đô thị có phát triển đến mức nào cũng khó lòng phai nhạt đi được.

2. Dạo quanh những nẻo phố phường, chịu khó để ý sẽ nhận ra những nét văn hóa truyền thống được lưu giữ và biến đổi trong nhiều hoạt động mới mẻ. Những sân chơi bóng bàn, cầu lông, sân tập thể dục, khiêu vũ… của các cụ già, các bậc trung niên, những nhóm đàn hát và điệu nhảy hiện đại của các bạn trẻ... Không khí tụ họp ấy có nét văn hóa làng xã xưa còn truyền vào xu thế thời đại.

Ở nhiều khu dân cư, người dân vẫn duy trì với nhau mối quan hệ theo kiểu “tình làng nghĩa xóm”, thường xuyên tổ chức văn nghệ. Trong những khu đô thị cao cấp, hiện đại, giữa các hộ gia đình vẫn có sinh hoạt tập thể. Bác Nguyễn Văn Đĩnh, Bí thư Chi bộ khu dân cư Nam Thăng Long I, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Nhà văn hóa của khu ngày nào cũng hoạt động “hết công suất”. Buổi sáng, người dân ra đó tập dưỡng sinh và yoga, đến chiều tối các em nhỏ ra tập múa và học đàn. Rồi các cuộc tập văn nghệ, tập kịch. CLB cầu lông của khu hằng năm tổ chức các giải phong trào và giải giao lưu với các khu khác”.

Theo ông Trần Quốc Bình, người dân trong Nam Thăng Long I, những nét văn hóa làng xã xưa kia chưa hề mất đi ở nơi mà ông sinh sống. Không khí trong khu cứ rộn ràng như… ở quê vậy. Đáng chú ý là mọi người hầu hết đều tự giác tham gia các hoạt động tập thể, chẳng ai phải nhắc ai. Bởi đó là niềm vui chứ chẳng phải bắt buộc hay trách nhiệm gì.

Tình quê ấm phố ảnh 1

3. Cứ từ năm giờ chiều, không khí tại nhà bác Nguyễn Văn Hòa, tổ trưởng tổ dân phố Chiến Thắng, phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội lại sôi nổi hẳn lên. Từ trẻ nhỏ, thanh niên, trung niên đến các cụ cao tuổi, người đánh bóng bàn, người chơi cờ tướng, người đánh đàn guitare, có hôm lại có cụ gảy đàn bầu… Lâu nay, nhà bác trở thành điểm giao lưu của người dân trong phố. Những đồ vật để phục vụ mọi người đều do bác Hòa tự bỏ tiền túi mua lại từ các chợ đồ cũ. Bác Hòa còn lên internet, xem các video clip hướng dẫn cách tự tập guitare điện, đàn bầu rồi dạy cho bà con nếu ai có nhu cầu học. Chỉ là một không gian nhỏ trong khu phố, nhưng số người tham gia không phải là ít. Lâu dần, không gian ấy đã trở nên không thể thiếu.

4. Đó chỉ là một trong số những không gian có hoạt động hoàn toàn tự nguyện ở tổ dân phố Chiến Thắng. Theo bác Hòa, còn rất nhiều các CLB tự phát cho những người có cùng đam mê như CLB cờ tướng, CLB đọc báo của người già, CLB cầu lông, bóng đá của thanh niên… Người dân còn tự nghĩ ra nhiều hoạt động khác. Đặc biệt, vào mỗi dịp lễ, bà con lại liên hoan ăn uống và giao lưu văn nghệ. Trước ngày tổ chức, mọi người cùng họp bàn, phân chia công việc.

Người ta còn có thể gặp ở khu phố này cảnh các em nhỏ tụ họp nghe các ông, các cụ cao tuổi kể những câu chuyện lịch sử hay chuyện chiến trường năm xưa. Đáng chú ý, cứ mỗi đợt nghỉ hè, người lớn cũng tổ chức dạy các em những trò chơi dân gian. Đối với bác Hòa, có thể hiện nay mỗi người đều có công việc, bận bịu hơn, ít có thời gian thăm hỏi riêng, ít nhiều làm giảm đi cảm giác gần gũi xóm giềng. Nhưng bù vào đó, mọi người lại đưa ra các ý tưởng tổ chức các kỳ cuộc, lấy đó làm dịp để gặp gỡ và trò chuyện với nhau.

5. Những hoạt động đó đã bồi đắp thêm tình cảm hàng xóm giữa các gia đình. Bác Nghiêm Thị Ngọc Loan, giáo viên mầm non đã về hưu, nay là Trưởng ban Mặt trận tổ dân phố, đã dùng từ “gia đình” khi nói về tình cảm giữa những người dân trong khu tập thể Học viện Quân y cũ của mình. Bác Loan bảo, chỉ cần một nhà có công, có việc cần giúp đỡ, tất cả những nhà chung quanh lập tức coi đó như việc nhà mình, mỗi người một tay, không nề hà.

Qua nhiều thế hệ, tình cảm làng xóm như trong câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần” vẫn giữ nguyên giá trị ngay chính trong đô thị. Không phải từ vận động, tuyên truyền, mà chính những người dân đã tự có ý thức giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp, không để chúng bị mai một trong đời sống ngày nay.

Tình quê ấm phố ảnh 2