Tết trong lòng người thợ xa quê

Tết Đinh Dậu tới gần, tiếng đục, tiếng chàng vẫn vang lên trong một con ngõ nhỏ ở quận Chamkarmon của Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), nơi có một số gia đình Việt kiều sinh sống.

Anh Tý trong xưởng mộc ở Phnom Penh (Campuchia).
Anh Tý trong xưởng mộc ở Phnom Penh (Campuchia).

Trong căn phòng rộng, những người thợ miệt mài, chăm chút từng đường nét, hoa văn chạm khắc trên bộ ghế, cửa gỗ. Dừng tay, anh Nguyễn Như Tý cười tươi: “Anh em đang cố làm xong sớm đơn hàng này để dành thời gian nghỉ mấy ngày Tết”. Cơ sở chạm gỗ của anh Tý không mang biển hiệu, nhưng công việc lúc nào cũng bận rộn nhờ những bạn hàng “trung thành” mà anh đã gây dựng được sau 20 năm làm nghề ở nơi đây, trong đó có không ít chủ xưởng mộc là Việt kiều.

Sinh ra ở làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), với vốn nghề học được ở quê nhà, anh Tý sang Campuchia lập nghiệp ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Ban đầu, anh Tý đi làm công ăn lương cho một vài xưởng mộc. Sau 13 năm miệt mài với công việc, tích cóp được một số vốn, anh đứng ra làm riêng, vừa làm chủ, vừa làm thợ chính, thuê dăm ba thợ phụ giúp. Đối với anh, mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để mưu sinh, mà còn quảng bá nét văn hóa, tài hoa của mảnh đất Mỹ Xuyên.

Trong số những khách hàng “ruột” của anh Tý, có ông chủ xưởng mộc Nguyễn Văn Tư, cũng là hàng xóm của anh. Ông Tư sinh ra ở “đất nước Chùa Tháp”, tên Campuchia là Chhong Sotha, sở hữu nhà xưởng trên diện tích khoảng 300 m2, nằm ở cuối con ngõ cụt. Ông Tư kể: “Hai ông bà thân sinh ra tôi quê ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, sang đây mưu sinh từ thời Pháp thuộc. Thời Khmer Đỏ, tôi đang học gần xong phổ thông trung học, cả nhà phải chạy nạn về Việt Nam, đến khi giải phóng năm 1979, thì quay lại đây. Tôi được ông cụ dạy cho nghề mộc, năm 1989, tôi mở xưởng, khi đó ở Thủ đô Phnom Penh chưa có nhiều xưởng mộc”.

Thời gian đầu mở xưởng, ít thợ lành nghề, ông Tư phải vừa làm, vừa trực tiếp hướng dẫn thợ học việc. Nay xưởng mộc của ông Tư tạo công ăn việc làm cho gần 50 thợ mộc, thợ chạm, thợ sơn với hơn nửa là người Việt, phần nhiều làm thầu các sản phẩm gia dụng như giường tủ, bàn ghế, cửa gỗ, cho các công trình chung cư, biệt thự… Trên con đường mưu sinh, những đôi bàn tay và khối óc của người thợ Việt Nam góp phần dựng xây đất nước Campuchia đi lên gần như từ con số 0 sau thời Khmer Đỏ bạo tàn. Sắp bước sang tuổi 60, ông Tư nói rằng, ông rất vui vì anh con trai duy nhất của ông, được ông truyền thụ kỹ năng làm nghề, sẽ sớm thay ông đảm đương mọi việc.

Mang trong mình huyết thống dân tộc, trái tim của bà con Việt kiều luôn luôn hướng về đất nước, ông Tư bộc bạch. Trước Tết vài tháng, khi biết tin một số tỉnh miền trung bị thiệt hại do bão lũ, hưởng ứng cuộc phát động cứu trợ của Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà con vẫn tham gia quyên góp với tấm lòng “tương thân, tương ái”, mong cho đồng bào ở quê nhà sớm ổn định cuộc sống sau cơn hoạn nạn.

Đã nhiều năm qua, xưởng mộc của ông Tư trở thành địa chỉ hội ngộ cuối năm của các gia đình chủ, thợ gốc Việt cùng liên kết làm ăn với ông. Trong không khí đầm ấm, yêu thương đùm bọc, những người thợ cùng mang đến chung vui những sản vật mang đậm hình ảnh Tết Việt như mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, mứt sen…, nỗi nhớ quê hương của những người con đất Việt vơi đi nhiều.