Hoa thổ cẩm ở Glar

Nếu các nghề như đan lát, tạc tượng, rèn, làm nhà rông, nhà sàn, nhà mồ là của cánh đàn ông thì làm rượu ghè, dệt vải là nghề riêng của phụ nữ, mẹ truyền con, dì truyền cháu, chị truyền em từ bao đời của người Ba Na Roh xã Glar, huyện Đác Đoa, Gia Lai.

Trình diễn dệt và giới thiệu thổ cẩm Tây Nguyên tại một hội chợ làng nghề. Ảnh: Nam Anh
Trình diễn dệt và giới thiệu thổ cẩm Tây Nguyên tại một hội chợ làng nghề. Ảnh: Nam Anh

1. Đến xã Glar, chúng tôi được ông chủ tịch xã dẫn ngay đến làng Dôr 2, nổi tiếng với những phụ nữ dệt giỏi, sống được bằng nghề dệt, là cô giáo dạy nghề cho các chị em làng mình và làng khác trong xã, nhận dạy cho cả các xã huyện vùng khác.

Glar đẹp, sạch, trù phú. Những sân phơi cà-phê quả đã qua vài nắng sẫm nâu lại, mùi hăng hắc nồng nồng nhựa khô, mùi rơm ải trong vườn, mùi đất đọng nước sau cơn mưa cuối mùa khô từ đêm trước. Chủ tịch xã bảo rằng “ở đất vùng này chỉ lười mới đói thôi chứ trồng gì cũng cho quả, củ tốt tươi”. Đồng bào làng Dôr 2 bao năm nay rồi nhà nào cũng no đủ, thế hệ ông bà, cháu con biết giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đánh cồng chiêng, tạc tượng, hát kể sử thi, hát dân ca và nhất là dệt vải.

2. Gọi điện dăm lần, chị Mlơnh cũng về đến nhà, chị đang đi hái cà-phê, mẹ chị, bà Hlốp cũng về sau đó 30 phút, quần áo lấm lem bụi, lá, đất đỏ. Mlơnh sinh năm 1983, khuôn mặt bầu bĩnh, miệng nói tay làm, ríu rít mời chúng tôi vào nhà. Nửa diện tích bày dụng cụ dệt, chỉ, sợi, các sản phẩm đã dệt xong, các mảnh, dải hoa văn đang làm dở. “Xưởng dệt” nhỏ này là nơi sinh hoạt chung của chị em cả làng mỗi khi nhàn hạ, là nơi giúp nhau không chỉ cơm đầy nồi mà còn làm vơi buồn lòng những khi chị em có chuyện khó, chuyện khổ.

Mlơnh bảo, tụi em thường dệt những khi nhàn rỗi và đây là công việc tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian, phải chăm chỉ như con ong mới làm được, rảnh lúc nào là làm, chẳng kể thời gian đâu. Tôi xem hết một lượt các sản phẩm dệt chị em làng

Dôr 2 vừa hoàn thành, quả là rất phong phú và đẹp với những áo, váy, túi, dây đeo đầu, địu, khố, tấm đắp, mũ, dây đeo tay, ví… Du khách Tây, ta thích lắm những túi, dây đeo tay, tấm choàng, mũ, ví, áo nam. Họ càng thích hơn khi chính các cô gái xinh xắn của làng sẵn sàng nhận dệt tên họ, tên người họ muốn tặng lên chiếc túi, dây đeo, hay tấm khăn với những “Kỷ niệm Gia Lai, Còn chút gì để nhớ, Plây Cu kỷ niệm, Tây Nguyên mùa khô…”. Việc đó mất nhiều công, nhưng làm xong thấy khách thích là vui vui trong bụng.

3. Dệt một sản phẩm ngắn nhất là ba ngày, dài nhất cả tháng, ví như cái khăn choàng dài 3m, ngang 1m4 dệt cho đẹp cũng hết gần tháng nếu hai người làm, còn một người thì hai tháng là chắc. Vì ban ngày chị em đi làm rẫy, ruộng, làm vườn, chỉ đêm về mới ngồi vào khung cửi và dệt, ngày nghỉ chủ nhật họ cũng dành thời gian dệt. Người bé dệt những cái nhỏ như nẹp gấu váy, nẹp cổ áo, cổ tay, nẹp bụng, viền mũ. Người cứng tay nghề làm những hoa văn ngang thân váy, chân váy, làm tua rua mép váy, khố, áo… Làng Dôr 2 bây giờ người phụ nữ nào cũng biết dệt, trẻ con lớp 2, lớp 5 đã dệt giúp chị, giúp mẹ được những dải vải nhỏ trang trí. Sản phẩm làm ra bán cho các nhà buôn trên Kon Tum, Đác Lắc, Ninh Thuận. Du khách đi theo đoàn ở các tỉnh về cũng đặt qua các công ty lữ hành. Đơn hàng cứ đầy dần.

Những chị em dệt khéo nhất làng, đấy là: Ngleo, Nglanh, May, Ayi, Blưk. Bà Hlốp mẹ Mlơnh đã dạy từ khi họ là những cô bé, bây giờ tay ai cũng khéo, mắt ai cũng tinh. Bà Hlốp già rồi, 66 mùa trăng rồi, mắt không còn tỏ, tay đã mỏi nên chỉ bày cho con cháu bằng miệng thôi, hoa văn bà chỉ làm, kết hợp mầu sắc vẫn là đẹp nhất. Ngày xưa phải nhuộm sợi bằng rễ, lá cây, than củi, vỏ sò, sợi dệt bằng bông trồng trong vườn. Bây giờ có phẩm mầu công nghiệp, có chỉ, đỡ nhiều công sức, dệt nhanh hơn, váy, khố, chăn làm ra càng đẹp càng bền, vẫn giữ nét truyền thống người Ba Na từ kiểu dáng trang phục đến hoa văn trang trí.

4. Mấy năm trước Sở Công thương tỉnh xây một hợp tác xã dệt cho bà con các làng của xã Glar, cung cấp vật liệu, dụng cụ đầy đủ, tìm cả đầu ra cho sản phẩm nhưng chị em không ưng ra đó ngồi dệt, vì không lo được việc nhà và con cái. Thế là lại ôm cửi ôm sợi về nhà tranh thủ dệt khi thời gian trống. Chị Mlơnh nói có tháng chị thu được 15 triệu đồng tiền hàng, cuộc sống cũng đỡ nhiều. Chị cùng chị em cũng tham gia tích cực các cuộc lễ hội, thi văn hóa dân tộc địa phương khi tỉnh, khu vực Tây Nguyên tổ chức để vừa luyện tay nghề, vừa quảng bá sản phẩm văn hóa và nghề truyền thống của dân tộc mình. Đi những chuyến ấy học hỏi được nhiều, giờ chị còn có thể thiết kế, dệt và trang trí các mẫu trang phục và hoa văn của người Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng.

Những bà, mẹ, chị, em vẫn kiên trì truyền nghề cho con, cháu gái để giữ nghề truyền thống, và họ vẫn mong các sản phẩm được bán đi khắp nơi. Bởi chỉ có vậy sản phẩm dệt của người Ba Na mới được mọi người biết nhiều và yêu thích, và chị em mới có thêm tiền cải thiện cuộc sống.

Tôi cũng từng nhờ người đặt hàng ở đây dịp các chuyên gia Nga sang giúp khai quật khảo cổ tại Gia Lai. Tên họ các bạn Nga khá dài, các chị em dệt sai, sửa tới lui mấy lần mới xong. Khi chúng tôi trao tặng món quà độc đáo chiếc túi với hàng chữ thêu tuyệt đẹp cùng những hoa văn tinh tế, mầu sắc rực rỡ trên các sản phẩm, họ đều ồ lên, cười tươi ngạc nhiên và vui thích.