Những ngôi chùa Việt ở Bangkok

Thủ đô Bangkok có bảy ngôi chùa trong tổng số 21 ngôi chùa Việt Nam trên toàn lãnh thổ Thái-lan. Những ngôi chùa Việt cổ kính có tuổi đời hàng trăm năm tọa lạc trên các con phố sầm uất của Bangkok, nhìn giản dị mà vững chãi, trầm mặc mà kiêu hãnh như cốt cách con người Việt.

Chùa Phổ Phước, nơi đặt trụ sở Phật giáo Việt tông.
Chùa Phổ Phước, nơi đặt trụ sở Phật giáo Việt tông.

Gần 250 năm trước, một số người Việt di cư sang Thái-lan. Họ xây dựng đền, chùa và du nhập tập tục tín ngưỡng của người Việt vào Thái-lan. Năm 1889, Phật giáo Việt tông được Nhà vua Chulalongkorn (Vua Rama V) chính thức công nhận với tên gọi Annam-nikai, trở thành một trong hai tông phái Phật giáo nước ngoài được công nhận tại Thái-lan. Từ đó, đích thân các Nhà vua Thái-lan ban tên cho chùa Việt và sắc phong các Hòa thượng trụ trì. Nghi lễ Công đức của Phật giáo Việt tông trở thành nghi lễ không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của Hoàng gia.

Được sự ủng hộ của Hoàng gia và chính quyền Thái-lan, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1976 - 2016), Đại sứ quán Việt Nam và bà con Việt kiều tại Thái-lan đã gắn biển tên tiếng Việt, bên cạnh biển chữ Thái và Nôm, cho sáu chùa Việt trên toàn nước Thái, trong đó có ba chùa ở Bangkok.

Chùa Từ Tế (còn gọi là chùa Cụ Ba hay Wat Lokanukor trong tiếng Thái) nằm ẩn mình trong một khu chợ sầm uất trên đường Ratchawong, trung tâm Bangkok. Chùa được xây dựng từ những năm 50-60 của thế kỷ 19, trùng tu nhiều lần nên khá khang trang. Sở dĩ có tên gọi Cụ Ba vì chùa có hòa thượng trụ trì tên Ba, người có nhiều đóng góp vào sự phát triển của chính quyền, địa phương, Phật giáo

Thái-lan cũng như Việt Nam, được tăng ni phật tử kính trọng và yêu quý. Sư Ba cũng chính là người đón Bác Hồ, với biệt danh Thầu Chín, vào trú ngụ trong chùa vào tháng 7-1928, khi Người mới đặt chân tới Xiêm bắt đầu quá trình hoạt động cách mạng tại đây.

Đây cũng là điểm đến tín ngưỡng của đông đảo người Thái. Chị Tippawan Tantipanickkul - người Thái chính gốc, gắn bó chùa Từ Tế không khác nhà mình. Chị thường xuyên tới chùa hương khói, dọn dẹp, hỗ trợ nhà chùa trong các ngày lễ. Chính vì vậy, chị Tippawan hiểu vanh vách lịch sử hình thành và phát triển của ngôi chùa. Theo chị, các giá trị văn hóa Việt Nam thể hiện rõ qua các ngôi chùa Việt tại Thủ đô Bangkok.

Anh Phui, người dân Bangkok cho biết, vào cuối tuần, anh cùng gia đình thường xuyên đến chùa Từ Tế cầu an. Có thời gian ở trong chùa Từ Tế, anh Phu rất xúc động và tự hào khi đất nước Thái-lan đã từng nuôi dưỡng và chở che Bác Hồ khi Người hoạt động tại đây. Không chỉ chị Tippawan, anh Phu, mà nhiều người Thái và Việt kiều thường xuyên đến nơi này.

Chùa Phổ Phước (tên Thái là Wat Kusolsamakorn), nằm cách chùa Từ Tế khoảng 300 m, là ngôi chùa nổi tiếng và đặc biệt của cộng đồng Phật tử cả gốc Việt lẫn Thái. Đây là nơi đặt trụ sở Phật giáo Việt tông, một trong ba tông phái chính thức tại Thái-lan, và Học viện Tăng già Phổ Phước, nơi có 100 tăng ni đang theo học Phật pháp. Tăng trưởng Phật giáo Việt tông kiêm trụ trì chùa Phổ Phước là một người gốc Việt: hòa thượng Thích Kính Chiếu. Chùa được xây dựng năm 1850-1860, dưới bàn tay của một người con gốc Việt là hòa thượng Thích Viên Mãn. Cứ đầu giờ sáng và cuối chiều, tiếng tụng kinh của các nhà sư lại vang lên mang lại cảm giác bình an và thanh thản. Giữa phố phường Bangkok, có thể nghe thấy lời tụng kinh tiếng Việt vang lên.

Một ngôi chùa mà khi thăm Thái-lan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới gắn biển tiếng Việt là chùa Khánh Vân (tên Thái là Wat U Phai Rat Bamrung), ngôi chùa lâu đời thứ hai ở Bangkok, được xây dựng cuối thế kỷ 18. Vào trung tuần tháng 8-2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự lễ khai trương biển di tích lịch sử bằng ba thứ tiếng Việt, Thái và Anh tại đây. Chùa còn lưu giữ nhục thân của hòa thượng Thích Phổ Sái, cũng là một người con gốc Việt.

Lịch sử ghi chép lại, Hoàng tử Mongkut của Thái-lan trong thời gian xuất gia từng nhiều lần mời hòa thượng Thích Chân Hưng, trụ trì chùa Khánh Vân, đến đàm đạo về giáo pháp Phật giáo đại thừa của Việt Nam. Sau khi Hoàng tử lên ngôi vua với vương hiệu Rama IV, Ngài đã sắc phong cho hòa thượng Thích Chân Hưng, người sau này trở thành Tăng trưởng Tông phái Việt đầu tiên tại Thái-lan. Năm 1878, chùa được Nhà vua Chulalongkorn (Rama V) ban tên Wat U Phai Rat Bamrung, nghĩa là “Ngôi chùa vinh dự được hai nhà vua bảo hộ”.