Thái Nguyên làm giàu từ sản phẩm OCOP

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, các hợp tác xã, hộ nông dân ở Thái Nguyên đã đẩy mạnh đầu tư, liên kết, ứng dụng khoa học-kỹ thuật thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ các chủ thể gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm khi được công nhận tiêu chuẩn OCOP.
Tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ các chủ thể gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm khi được công nhận tiêu chuẩn OCOP.

Trước đây, đến chợ Tân Cương, trung tâm của vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), thấy chè được đóng bao, bày bán với số lượng lớn. Hiện nay, chè vẫn được bày bán ở chợ Tân Cương, nhưng với số lượng rất ít, chất lượng chưa được xác định.

Còn phần lớn chè trong vùng đã được trồng, sản xuất, chế biến theo quy trình sạch, đóng gói hút chân không mẫu mã đẹp, có thương hiệu và là sản phẩm OCOP nên được bán trên các sàn giao dịch điện tử hoặc tại cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại…, giá trị gia tăng cao hơn trước.

Điển hình, Hợp tác xã Chè Hải Đạt ở xã Tân Cương khởi đầu chỉ có bảy thành viên, doanh thu năm 2019 chỉ đạt gần 10 tỷ đồng. Nhờ nỗ lực liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư nâng công suất và quy trình chế biến sạch, sản phẩm chè đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Trong đó, chè Tôm nõn Hảo Đạt xếp hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia, được người tiêu dùng yêu thích. Năm 2022, hợp tác xã đạt doanh thu gần 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 công nhân và hàng trăm hộ liên kết trong vùng trồng, tăng diện tích chè sạch lên hàng trăm héc-ta.

Tương tự, năm 2019, Hợp tác xã Miến Việt Cường ở xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ chưa có sản phẩm nào được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, doanh thu chỉ khoảng 10 tỷ đồng. Nhờ đầu tư 26 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất sạch, tự động, không phụ thuộc vào thời tiết cho nên chất lượng sản phẩm tăng cao, được công nhận là sản phẩm OCOP.

Doanh thu của đơn vị này năm 2022 đã tăng lên hơn 40 tỷ đồng. Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường Nguyễn Văn Ba chia sẻ: "Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và sự cố gắng của hợp tác xã, sản phẩm Miến Việt Cường không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang Thái Lan và nhiều nước châu Âu".

Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng cho biết: "Tỉnh Thái Nguyên hiện có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có hai sản phẩm OCOP 5 sao. Các sản phẩm này đã tăng doanh thu ít nhất từ 20% trở lên so với trước khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Một số sản phẩm còn đạt doanh thu tăng gấp hai, ba lần, thậm chí hàng chục lần". Tỉnh Thái Nguyên đã chủ động ban hành các Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP với các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, điểm giới thiệu và bán sản phẩm... Đây là động lực thôi thúc các chủ thể phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật cho nên ngày càng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Những năm qua, để phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các hợp tác xã, đơn vị không chạy theo số lượng mà chú trọng nâng cao chất lượng. Bên cạnh tiêu chuẩn chung của Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên ban hành tiêu chuẩn riêng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phải có vùng nguyên liệu ổn định, có quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, bán trên kênh thương mại điện tử.

Từ đó, các chủ thể coi trọng chất lượng sản phẩm hơn, được người tiêu dùng tín nhiệm. Việc phát triển các sản phẩm OCOP đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, như trồng chè đạt 750 triệu đồng/năm, cây ăn quả đạt 350 triệu đồng/năm... Năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Thái Nguyên đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng, góp phần đưa hơn 80% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới n

Thời gian tới, bên cạnh việc củng cố chất lượng, tăng giá trị, tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP đã có, tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng, nhất là dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn, làm giàu cho người dân.