Thích ứng biến đổi khí hậu

Sóc Trăng nỗ lực canh tác vụ lúa hè thu

Sản xuất lúa hè thu là vụ lúa quan trọng ảnh hưởng đến sản lượng lúa hằng năm của tỉnh Sóc Trăng; cũng là mùa vụ gặp nhiều bất lợi do thời tiết. Để khắc phục tình trạng này, người dân đã chủ động chọn giống lúa và phương pháp canh tác phù hợp nhằm đối phó thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa hè thu.
Nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa hè thu.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vào thời điểm thu hoạch lúa hè thu, vùng trũng thường gặp mưa dầm và dông lớn gây đổ ngã lúa. Còn ở các địa phương ven biển, nạn xâm nhập mặn cho các vụ kế tiếp là nỗi lo thường trực của nhà nông. Dựa trên dự báo của Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia và điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, nguồn nước, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch xuống giống linh hoạt, phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Tấn Phương cho biết, vụ lúa hè thu năm 2023 bắt đầu từ đầu tháng 4 và kết thúc xuống giống vào cuối tháng 6. Đến nay, Sóc Trăng có hơn 140.000ha lúa đã xuống giống trên toàn tỉnh, tăng hơn 1.500ha so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp thường xuyên thông tin tuyên truyền đến nông dân về đối tượng dịch hại và đưa ra các giải pháp để chủ động phòng trừ. Cùng với hướng dẫn dân gieo trồng theo từng mùa vụ, ngành còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm hạn chế sâu bệnh và xâm nhập mặn.

Tại vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng, lúa vụ hè thu xuống giống sớm khu vực thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Tú đã thu hoạch 2.149ha, sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương bảo đảm đủ số lượng giống phục vụ mùa vụ và khuyến cáo hộ dân sử dụng các giống lúa cứng cây nhằm hạn chế đổ ngã và tránh gieo sạ các giống lúa dễ nảy mầm trên bông làm giảm năng suất, chất lượng lúa, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ dân sau thu hoạch.

Nông dân Đỗ Văn Bảy ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú cho biết, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, từ tháng 3 nông dân ở đây chuẩn bị làm đất, đến đầu tháng 4 là xuống giống lúa đều đồng. Đến nay, lúa đã thu hoạch với năng suất đạt 48,7 tạ/ha, ai cũng phấn khởi vì né được mưa dông và lúa bán có giá cao. Nông dân thị xã Ngã Năm trước đây chọn giống lúa thường để sản xuất nhưng ở vụ hè thu năm nay, đa số đã chọn giống lúa chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất.

Tính bình quân năng suất làm ra trong vụ trước, năm nay sản xuất giống đặc sản ước giá trị kinh tế cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha. Còn tại vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, tiến độ xuống giống chậm hơn so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nguồn nước đầu cống ở khu vực này đến tháng 5 vẫn còn mặn nên không thể đưa nước vào ruộng, nông dân đành chờ mưa đều mới xuống giống.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ lúa hè thu năm nay, ngành nông nghiệp chủ động hướng dẫn nhà nông xuống giống sớm, nhằm hạn chế ảnh hưởng mưa bão vào cuối vụ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa trên đồng. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 dẫn đến lượng mưa giảm, nguy cơ khô hạn xuất hiện, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng vào các tháng cuối năm.

“Việc triển khai kế hoạch xuống giống lúa hè thu sớm để kéo vụ đông xuân đến sớm nhằm bảo đảm sản xuất thuận lợi, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước ngọt cung cấp cho ruộng lúa. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tích cực phổ biến các kỹ thuật canh tác như “1 phải, 5 giảm”; áp dụng tưới ngập-khô xen kẽ và quy trình bón phân phù hợp để cây lúa cứng cáp, cho hạt lúa chất lượng” - Tiến sĩ Trần Tấn Phương giải thích.

Cùng với khung lịch thời vụ linh hoạt, ngành nông nghiệp Sóc Trăng còn hướng dẫn nông dân ưu tiên lựa chọn các giống lúa cấp xác nhận có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết mưa bão vụ hè thu. Theo thống kê, vụ hè thu năm nay có đến 90% diện tích canh tác lúa chất lượng cao và có gần 70% giống lúa đặc sản.

Nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu vào cũng như bảo đảm tiêu thụ trong canh tác lúa, các ngành chức năng tỉnh đã củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế hợp tác theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 226 hợp tác xã với 30.168 thành viên, trong đó có 204 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 90,27%.

Nhiều hợp tác xã tổ chức sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn liên kết chuỗi giá trị và tiến dần theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn, hữu cơ nhằm tăng giá trị sản phẩm lúa gạo chất lượng cao. Với những nỗ lực của địa phương nhằm hỗ trợ nông dân, tin rằng vụ lúa hè thu của Sóc Trăng sẽ nối tiếp vụ mùa bội thu, thắng lợi.