Gần 20 năm nay, tuyến đê biển Đông từ khu vực xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (giáp ranh tỉnh Sóc Trăng) đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, dài 56 km, năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân chính là do rừng phòng hộ phía bờ biển trước đoạn đê này đã mất hoàn toàn, sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng đáng lo ngại.
Những năm gần đây, nước biển dâng cao làm cho tuyến đê biển thuộc địa phận thành phố Bạc Liêu, nhất là khu vực hai xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành và phường Nhà Mát, bị sạt lở sâu vào đất liền, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ dân trên địa bàn. Tại huyện Đông Hải, diện tích rừng phòng hộ ven biển tại xã Long Điền Tây, thị trấn Gành Hào bị mất càng làm trầm trọng thêm tình trạng sạt lở. Theo ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có 4.278 ha rừng phòng hộ ven biển; trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 1.547 ha, hơn 1.726 ha rừng trồng và có đến hơn 1.000 ha đất “rừng trắng” (tức chưa có rừng).
Thời gian qua, có nhiều dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ được triển khai thực hiện, tập trung chủ yếu ở ven biển thành phố Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Đông Hải. Tuy nhiên, việc trồng mới, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu những năm gần đây, nhất là từ khi tỉnh giao đất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhiều dự án, công trình điện gió, đã khiến cho không ít diện tích rừng phòng hộ ven biển bị chết, hoặc bị phá để làm đường dẫn, đường giao thông. Cùng với đó, vì lợi ích kinh tế và sinh kế, tình trạng người dân chặt phá cây mắm, cây đước, đào vuông nuôi trồng thủy sản vẫn còn diễn ra, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng...
Thực tế đòi hỏi cần sớm có giải pháp tái tạo rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng, chắn gió, bảo vệ tuyến đê biển Đông. Nếu không chú trọng trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển thì khó có thể bảo vệ tuyến đê biển được an toàn, bền vững.
Trong những năm qua, tỉnh Bạc Liêu cũng đã triển khai một số dự án trồng và phát triển rừng, bước đầu mang lại hiệu quả. Đơn cử, dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã trồng hơn 200 ha trên lâm phần rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn các xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu); Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Dự án GIZ (thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học) giai đoạn 2011-2020 đã trồng hơn 107 ha trên lâm phần rừng phòng hộ ven biển. Đến nay, cây trồng thuộc hai dự án trên đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai gây bồi, tạo bãi, trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát với hai hạng mục trồng rừng hơn 201 ha và xây dựng kè mềm chắn sóng bao quanh khu vực trồng rừng trên khu vực bãi bồi ven biển thuộc thành phố Bạc Liêu. Cùng với đó, thực hiện dự án gây bồi, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển với hai hạng mục trồng rừng hơn 149 ha và xây dựng kè mềm chắn sóng bao quanh khu vực trồng rừng trên khu vực bãi bồi ven biển thuộc xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải).
Các dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng đã và đang góp phần rất lớn trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bạc Liêu quy hoạch diện tích rừng phòng hộ ở bãi bồi ven biển hơn 1.265 ha với các loại cây ngập mặn ven biển như đước đôi, cóc trắng, mắm biển, cây giá… Trong đó, cây mắm biển chiếm tỷ lệ cao nhất và là loài cây thích nghi, phát triển tốt trên diện tích bãi bồi ven biển, bảo đảm chức năng phòng hộ...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lưu Hoàng Ly khẳng định, rừng phòng hộ ven biển là lá chắn giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh đang hợp tác nghiên cứu khả thi dự án trồng rừng ngập mặn ven biển nhằm góp phần bảo vệ môi trường và tạo thêm sinh kế cho người dân...■