Sinh Dược - nơi kết nối truyền thống và hiện đại

Làng Sinh Dược (có nghĩa là nơi cây thuốc sinh sống) nằm dưới chân núi, thuộc khu du lịch tâm linh chùa Bái Ðính, xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Tái hiện cảnh làm thuốc từ thảo dược tại làng Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. (Ảnh Sở Du lịch Ninh Bình)
Tái hiện cảnh làm thuốc từ thảo dược tại làng Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. (Ảnh Sở Du lịch Ninh Bình)

Nơi đây nổi tiếng với nhiều huyền tích chữa khỏi bệnh cho nhà vua từ loại thảo dược quý hiếm có sẵn trong vùng... Ðể lưu giữ những giá trị truyền thống từ xa xưa của vùng đất đặc biệt này, tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định, cấp bằng công nhận danh hiệu Làng nghề tỉnh Ninh Bình năm 2022 cho làng Sinh Dược.

Với điểm tựa ấy, nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã đã nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dược liệu truyền thống thành các mặt hàng hợp thị hiếu cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.

"Cú huých" từ thảo dược

Hiện làng nghề Sinh Dược có tổng diện tích trồng dược liệu ước tính hơn bảy héc-ta; nhà xưởng rộng hơn 3.000m2. Từ những bài thuốc cổ truyền, làng nghề Sinh Dược đã nghiên cứu ứng dụng hơn 30 loại thảo dược như: Sài đất, kim ngân, cúc tần, tầm bóp, sả, hương nhu, chùm ngây,… để đưa ra thị trường các sản phẩm như: muối ngâm chân, tinh dầu, xà-phòng tắm, cao thảo dược…

Anh Vũ Trung Ðức, Giám đốc Hợp tác xã Sinh Dược cho biết: Từ các loài cây cỏ của vùng đất nơi đây, chúng tôi đã kết hợp giữa phương pháp truyền thống và hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng, bao bì bắt mắt, dán tem QR Code đầy đủ, với tổng công suất tiêu thụ lên đến hàng nghìn tấn nguyên liệu một năm. Ngoài tính năng hỗ trợ sức khỏe, sản phẩm của Sinh Dược còn kết hợp các giá trị văn hóa trong từng sản phẩm.

Làng nghề Sinh Dược cũng triển khai tổ chức sản xuất, thực hiện nhiều dịch vụ cho các thành viên trong làng nghề và thành viên liên kết; trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Trồng và bảo tồn cây thảo dược bản địa tại Ninh Bình; chiết xuất tinh dầu thực vật; chế biến thành hàng hóa các sản phẩm từ thảo dược; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chế biến dược liệu; các hoạt động dịch vụ du lịch, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Chị Trịnh Thị Lý, thành viên Hợp tác xã Sinh Dược cho biết: "Sản phẩm muối ngâm chân, trà An Thái, tranh lá Bồ Ðề của Sinh Dược đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh, đây là những sản phẩm đại diện cho nhóm hàng dược mỹ phẩm-thực phẩm-thủ công mỹ nghệ. Mới đây, làng nghề đã chính thức nhận được chứng nhận hữu cơ cho cánh đồng dược liệu trung tâm, sau quá trình dưỡng đất, nuôi cây kỳ công của bà con xã viên. Tôi cũng như người dân ở đây đã xây dựng và đóng góp vào đây nhiều tâm huyết, chúng tôi mong muốn làm sao lưu giữ được truyền thống của làng nghề".

Cùng sự năng động, sáng tạo trong phát triển đa dạng sản phẩm, doanh số bán lẻ các sản phẩm của Sinh Dược đang tăng trưởng mạnh và có thị trường rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2023, doanh thu từ hoạt động sản xuất và trồng dược liệu của làng nghề Sinh Dược đạt 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 70 lao động, thu nhập bình quân đạt 54,5 triệu đồng/người/năm, góp phần vào công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Kết hợp thảo dược với du lịch

Cùng với hoạt động sản xuất, làng nghề Sinh Dược đang kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái với hơn 2.000m2 gồm: Phòng tranh nghệ thuật Bồ đề, các phòng tắm ngâm khoáng nóng thảo dược, xoa bóp massage, ẩm thực, du lịch homestay, thăm cánh đồng dược liệu,… thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn Vũ Thị Dược cho biết, hiện nay huyện đang phối hợp làng nghề Sinh Dược tổ chức tour du lịch trải nghiệm "Tìm về cội nguồn Ðức Thánh Nguyễn" để du khách tìm hiểu về tour du lịch kết nối hai địa điểm là Ðền Ðức Thánh Nguyễn, ngôi đền cổ thuộc làng Ðiềm (xã Gia Tiến và Gia Thắng), thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không và làng nghề Sinh Dược, tạo ra trải nghiệm thú vị về các cây thuốc, bài thuốc cổ truyền và các giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc của địa phương đến đông đảo người dân và du khách, nhất là các em học sinh và khách nước ngoài.

Chị Cao Thị Thạch Thảo, khách du lịch đến từ Thái Bình thích thú chia sẻ: "Tôi đã có dịp về đây tham quan, tận mắt thấy bà con sử dụng các giống cây thuốc ở địa phương tạo ra những sản phẩm về dược liệu sử dụng để tắm, ngâm rất tốt cho sức khỏe. Ấn tượng với tôi là sản phẩm xà-bông mùi Tết, vì sự kết hợp giữa phong tục tắm Tết bằng cây mùi của người Việt từ xa xưa".

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình khẳng định, làng nghề Sinh Dược tuy mới thành lập nhưng thật sự là một điểm sáng, có nhiều tiềm năng phát triển gắn với các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. Ðồng thời, Chi cục tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện nhằm duy trì chất lượng và phát triển các sản phẩm làng nghề, hoạt động dịch vụ, bảo tồn và phát triển các cây dược liệu quý, đặc trưng của địa phương; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm.Giờ đây, với sứ mệnh bảo tồn và phát triển các giống thuốc nam bản địa, phát huy, sáng tạo mang tính kế thừa các bài thuốc cổ truyền của địa phương bằng cách ứng dụng khoa học-công nghệ để tạo nên các sản phẩm hợp thị hiếu của người tiêu dùng, làng nghề Sinh Dược vừa tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có, vừa nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm mới từ các bài thuốc dân gian trong vùng, đồng thời nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và các tiêu chuẩn để đáp ứng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại làng nghề; xuất bản các cuốn sách về dược liệu cũng như gắn kết văn hóa các làng nghề trên địa bàn tỉnh.