Nuôi ong trên núi đá Xuân Quang

Thời gian này, những cánh rừng và đồi cây ăn quả trải dài ngút mắt ở Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) bung nở các loài hoa đua sắc thắm. Người dân vùng núi đá có nhiều hoa tự nhiên đặc hữu đang bận rộn vào vụ thu hoạch mật ong, hứa hẹn đem về hàng chục tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Nuôi ong núi đá lấy mật ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Nuôi ong núi đá lấy mật ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Các thành viên Hợp tác xã Nậm Dù chuyên nuôi ong núi đá ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đang miệt mài lấy mật. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù Cao Xuân Chiến, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai hỗ trợ 10 hộ dân ở xã Xuân Quang liên kết với nhau để lập ra "Tổ hợp tác nuôi ong núi đá". "Nhờ có chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), được cơ quan khuyến nông định hướng và hỗ trợ nhiều mặt, nông dân chúng tôi mạnh dạn đầu tư, tập trung nuôi ong, khai thác thế mạnh hoa bản địa trên núi đá cho ra loại mật ong chất lượng và sạch, được thị trường ưa chuộng", anh Cao Xuân Chiến cho biết.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã hỗ trợ hai xã Xuân Quang và Phong Niên, huyện Bảo Thắng xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao, có 10 hộ dân được hỗ trợ triển khai mô hình, với quy mô 200 đàn ong nội. Thông qua mô hình, Trung tâm đã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư, chỉ đạo kỹ thuật và giám sát các hộ tham gia thực hiện mô hình xuyên suốt quá trình phát triển của đàn ong và khai thác mật của nông hộ, bảo đảm theo quy trình kỹ thuật thực hành chăn nuôi ong tốt, an toàn (VietGAHP). Kết quả, các đàn ong thuộc mô hình cho năng suất mật hơn 18kg/đàn/năm (cao hơn trước 2,3kg/đàn/năm), đem lại thu nhập 2,7 triệu đồng/đàn/năm. Từ mô hình này, một lao động có thể nuôi 100 đàn ong, thu nhập có thể đạt 200-250 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế tăng 20,6%.

Ðiều có ý nghĩa hơn là đã nhiều năm những hộ dân nơi đây loay hoay tìm "cây, con" để phát triển kinh tế, xóa nghèo, vươn lên làm giàu nhưng vẫn bế tắc, thì nay đã tìm ra lối đi, đem lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Từ đó, họ liên kết sản xuất theo mô hình liên gia, tổ hợp tác để cùng nuôi ong theo hướng tập trung, cho ra sản lượng mật lớn, chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận và tin dùng. "Ðiều quan trọng là sản phẩm mật ong của chúng tôi đã được cấp chứng chỉ OCOP loại ba sao, đó là tấm vé thông hành giá trị để sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, được giá cao", anh Cao Xuân Chiến tâm sự.

Tham gia trên tinh thần tự nguyện, cùng có lợi, các thành viên của Hợp tác xã Nậm Dù tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nuôi ong tốt, an toàn (VietGAHP), có sự giám sát chéo lẫn nhau để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Bao bì sản phẩm còn được in song ngữ (Việt-Anh), tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, khu trưng bày, phục vụ nhu cầu của khách du lịch nước ngoài và xuất khẩu. Chứng chỉ OCOP chính là giấy thông hành để sản phẩm mật ong của hợp tác xã tiếp cận nhiều thị trường, nhất là các cửa hàng, siêu thị lớn trong cả nước. Với việc xây dựng thành công nhãn hiệu, giá bán của mật ong Xuân Quang đã tăng 20% so với trước kia. Sản phẩm được khách hàng nhiều nơi biết đến, một số siêu thị lớn của Lào Cai và Hà Nội đặt hàng với số lượng lớn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Quang Nguyễn Viết Khoản, so với mô hình phát triển kinh tế khác thì nuôi ong núi đá ít rủi ro vì nuôi ong hầu như không lo "thức ăn đầu vào", ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Tại xã, hiện có hai hợp tác xã nuôi ong mật là Nậm Dù và Xuân Quang, với 23 thành viên tham gia nuôi ong theo quy trình VietGAHP, hằng năm bán ra thị trường khoảng 16.000 lít mật chất lượng cao, thu về gần 5 tỷ đồng. Ngoài hai hợp tác xã này, còn hơn 130 hộ nuôi ong theo hình thức trang trại, đem về khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ nuôi ong mật núi đá tạo việc làm và thu nhập ổn định, cao hơn, nhiều hộ gia đình ở Xuân Quang đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.